Gần đây nhất, từ ngày 13/4 đến ngày 5/5, ông Chiến đã đăng ký mua 630.000 cổ phiếu HTT nhưng cũng như những lần trước, kết thúc thời gian giao dịch đều không mua được cổ phiếu nào với lý do giá cổ phiếu tăng.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong khoảng thời gian từ cuối tháng 8/2022 đến nay, cổ phiếu HTT không giữ được giá mà còn sụt giảm, thậm chí có thời điểm giảm tới hơn nửa, từ mức 2.200 đồng/CP xuống còn 1.000 đồng/CP.
Sau thông báo trên, ông Chiến tiếp tục đăng ký mua 630.000 cổ phiếu HTT theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh, dự kiến từ ngày 11/5 đến ngày 5/6/2023. Hiện ông Chiến đang nắm giữ hơn 4,36 triệu cổ phiếu HTT, tỷ lệ 21,82%.
Hiện cổ phiếu HTT đang đứng yên tại mức giá 1.100 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây chỉ hơn 11.600 đơn vị.
Vào đầu tháng 4 vừa qua, Sở GDCK Hà Nội đã thông báo về trạng thái chứng khoán của cổ phiếu HTT. Theo đó, HNX duy trì diện hạn chế giao dịch đối với cổ phiếu HTT do kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2022 và tổ chức đăng ký giao dịch không họp ĐHCĐ thường niên trong 2 năm gần nhất (2021-2022).
Được biết, Thương mại Hà Tây tiền thân là Công ty Vật liệu Điện máy và Chất đốt Hà Tây được thành lập năm 1958. Đến năm 2003, Công ty chuyển đổi mô hình từ doanh nghiệp nhà nước sang mô hình công ty cổ phần, và đưa 20 triệu cổ phiếu niêm yết trên HOSE vào ngày 5/7/2017 với giá tham chiếu 12.600 đồng.
Đến ngày 18/6/2020, HOSE đã có quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với 20 triệu cổ phiếu HTT bởi đơn vị kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính 2019.
Về hoạt động kinh doanh, Báo cáo tài chính năm 2022 của Thương mại Hà Tây ghi nhận doanh thu đạt 7,71 tỷ đồng, giảm hơn 55% so với năm trước; lợi nhuận vẫn lỗ hơn 10 tỷ đồng.
Công ty mới công bố báo cáo tài chính quý I/2023 cũng không mấy khả quan với doanh thu đạt 1,06 tỷ đồng, giảm 39,77% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận âm 1,18 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lỗ 0,4 tỷ đồng của quý I/2022.