Thương mại điện tử “khát” nhân lực

0:00 / 0:00
0:00
Thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển với tốc độ cao, nhưng nhân lực trong ngành này vừa thiếu về số lượng, vừa kém về chất lượng.
Đi cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, nhu cầu nhân lực của ngành này đang tăng nhanh. Ảnh: Đ.T

Đi cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, nhu cầu nhân lực của ngành này đang tăng nhanh. Ảnh: Đ.T

Nhu cầu lớn, doanh nghiệp thiếu trước, hụt sau

Theo Báo cáo Kinh tế số của Google, thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam có tốc độ tăng tưởng 30%/năm. Đến năm 2025, giá trị của nền kinh tế số Việt Nam đạt 57 tỷ USD, trong đó TMĐT chiếm 39 tỷ USD. Đến năm 2030, con số tương ứng là 220 tỷ USD và 150 tỷ USD.

Nguồn nhân lực được xác định là yếu tố quan trọng, quyết định sự phát triển của ngành TMĐT, nhưng theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom), ngành đang trong cảnh “giật gấu vá vai” vì thiếu nhân lực.

“Nguồn nhân lực cho TMĐT đang thiếu hụt trầm trọng, trở thành bài toán khó cho các doanh nghiệp TMĐT”, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Vecom nói.

Sàn TMĐT Lazada cũng cho biết, nhu cầu nhân lực TMĐT tại Việt Nam đang tăng nhanh, cung không đủ cầu. “Chúng tôi buộc phải tuyển cả nhân sự thuộc những ngành khác liên quan đến lĩnh vực kinh tế này, như quản trị kinh doanh…”, bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc đối ngoại của Lazada Việt Nam chia sẻ.

Theo báo cáo của Vecom, hiện mới có 30% nhân lực ngành TMĐT trải qua đào tạo chính quy; 55% đến từ các ngành có liên quan gần (như kinh doanh, thương mại, công nghệ thông tin), 15% còn lại đến từ các ngành nghề khác.

Đề cập vấn đề đào tạo, ông Trần Mạnh Cường, chuyên gia đào tạo và phát triển nguồn nhân lực (Công ty Công nghệ Sapo) chia sẻ, khi tuyển dụng sinh viên ngành TMĐT vào làm việc, doanh nghiệp phải thực hiện đào tạo lại gần như toàn bộ.

“Nguyên nhân một phần do các trường chỉ đào tạo tín chỉ, học phần khá dàn trải, chưa chuyên sâu. Trong khi đó, doanh nghiệp cần nhân sự có khả năng thực chiến, chuyên sâu các mảng logistics, bán hàng, quản trị TMĐT… Bên cạnh đó, sinh viên thế hệ GenZ có đặc điểm nhanh chán, ưa trải nghiệm, định vị bản thân còn mơ hồ, kiến thức và kỹ năng tương tác xã hội kém, nên chúng tôi phải đào tạo lại từ đầu”, ông Cường giải thích.

Liên kết đào tạo

Bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, quy mô thị trường TMĐT của Việt Nam đang đứng thứ 3 trong ASEAN, sau Thái Lan và Indonesia, ngang bằng với Singapore và Philippines.

“Nhiều chuyên gia đánh giá, sức bật và tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam rất cao, có phần nhỉnh hơn Indonesia. Việt Nam có nhân lực trẻ tuổi, năng động, khả năng ứng dụng công nghệ số cao. Điều này tạo thuận lợi cho việc đào tạo nhân lực trong TMĐT”, bà Việt Anh nhấn mạnh.

Hiện nay, kênh chủ yếu để đào tạo nhân lực TMĐT là các trường đại học. Theo thống kê, cả nước có khoảng 76 trường có đào tạo ngành và chuyên ngành TMĐT, 53 trường đã giảng dạy học phần TMĐT.

Nhân lực TMĐT tử đang được các doanh nghiệp săn đón, “trải thảm đỏ” mời chào với mức lương cao là một thuận lợi lớn cho công tác đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này. Bởi vậy, nhu cầu tuyển sinh ngành TMĐT và các ngành liên quan như logistics, tiếp thị số… tăng nhanh.

TS. Nguyễn Trần Hưng, Trưởng khoa Hệ thống thông tin kinh tế và TMĐT (Trường đại học Thương mại) cho biết: “95% sinh viên ngành TMĐT của Trường sau khi tốt nghiệp có việc làm ngay. Thậm chí, nhiều sinh viên có việc làm từ khi đang học năm thứ 3”.

Tuy nhiên, khảo sát của Vecom cũng cho thấy, có độ vênh về đào tạo TMĐT trong các trường đại học tại Việt Nam. Một số trường mới bắt đầu đào tạo chuyên ngành này, một số trường đã đào tạo từ lâu, nhưng việc giao thoa cũng như chia sẻ về kiến thức, giáo trình, học liệu chưa tốt. Trong khi đó, TMĐT là ngành “dễ lỗi thời nhất”, bởi tốc độ phát triển rất nhanh, luôn có những sáng tạo, những hoạt động kinh doanh mới. Vì thế, việc liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp là cách tốt nhất, là chìa khóa để nâng cao chất lượng nhân lực TMĐT.

“Cần áp dụng mô hình kết nối 3 bên, gồm cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, tổ chức để cùng nhau nâng cao chất lượng đào tạo, với tính ứng dụng cao, phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp”, bà Việt Anh khuyến nghị.

Chia sẻ về công tác đào tạo nhân sự ngành TMĐT, bà Trần Thị Thập, Phó trưởng khoa, Khoa Quản trị kinh doanh (Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông) cho biết, Học viện đã mời khá nhiều chuyên gia, nhân sự chủ chốt tại các doanh nghiệp tham gia chương trình đào tạo. Ngoài ra, Học viện cũng triển khai đào tạo theo chuyên đề thực tế của doanh nghiệp, làm việc với các doanh nghiệp để có những môn chuyên đề mới.

Thành lập Khoa TMĐT và Kinh tế số từ năm 2020, Trường đại học Đại Nam xác định đào tạo theo mô hình “thực chiến” để sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Giống như Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, Trường đại học Đại Nam cũng mời nhiều chuyên gia từ các doanh nghiệp tham gia đào tạo và nhận được phản hồi tích cực từ sinh viên.

Với tầm nhìn dài hạn, để phát triển TMĐT, Vecom đề xuất khảo sát định kỳ tình hình đào tạo ngành TMĐT tại các trường đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cùng với đó, xây dựng mạng lưới cơ sở đào tạo TMĐT; bồi dưỡng giảng viên ngành TMĐT; chú trọng hơn tới kiểm định chất lượng chương trình đào tạo ngành TMĐT...

Ông Vũ Xuân Nam, Trưởng khoa, Khoa Hệ thống thông tin kinh tế (Trường đại học Công nghệ thông tin và truyền thông, thuộc Đại học Thái Nguyên) cho biết, ngay khi mở ngành đào tạo thương mại điện tử, Trường đã xác định đi theo hướng đào tạo ứng dụng. Theo đó, 30% thời gian học của sinh viên là thực tập tại doanh nghiệp, 70% thời gian học ở trường. Trường cũng hợp tác với một số doanh nghiệp để đào tạo nhân lực thương mại điện tử theo nhu cầu, có cam kết đầu ra.

“Chỉ có cách kết hợp với doanh nghiệp để đào tạo, thì mới có nhân lực tốt, đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp”, ông Nam nói.

Tin bài liên quan