Cục diện thị trường sẽ rất thú vị
Tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại Điện tử Việt Nam 2019, bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, năm 2018 được coi là năm sôi động nhất của kinh doanh trực tuyến, với tốc độ tăng trưởng trên 30%. Với điểm xuất phát thấp khoảng 4 tỷ USD năm 2015, nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong 3 năm liên tiếp cao, nên quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2018 lên tới khoảng 7,8 tỷ USD.
“Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30%, thì tới năm 2020, quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD. Con số này cao hơn mục tiêu nêu trong Kế hoạch Tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020. Theo mục tiêu này, quy mô thương mại điện tử bán lẻ (B2C) đạt 10 tỷ USD vào năm 2020”, bà Việt Anh nhấn mạnh.
Thị trường thương mại điện tử đang chứng kiến “cuộc đua tam mã” vô cùng gay cấn, khốc liệt của các đại gia thương điện tử là Shopee, Lazada, Tiki và sự trỗi dậy của Sendo, Thế giới Di động. Trong năm 2018, một nguồn tiền khổng lồ được rót vào thị trường thương mại điện tử bằng các thương vụ khủng sẽ khiến cục diện thị trường trong năm 2019 rất khó đoán định.
Theo đó, cả Tiki và Sendo đều được “bơm” một khoản đầu tư để tiếp tục cuộc chiến dài hơi. Tiki tiếp tục nhận được thêm 122 tỷ đồng vốn đầu tư từ VNG sau khi JD rót hơn 1.000 tỷ đồng. Sendo không kém cạnh khi kêu gọi 51 triệu USD từ SBI Holdings vào tháng 8/2018. Còn Thế giới Di động đang thực hiện một kế hoạch lớn phát triển chuỗi bán lẻ lên tới 1.900 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2019 này.
Rất có thể, sự bành trướng của Shopee và Lazada sẽ chững lại trong năm 2019, khi các sàn thương mại nội bắt đầu trỗi dậy mạnh mẽ. Tiki và Sendo, với lợi thế có nguồn tài chính hùng hậu, sự hiểu biết sâu sắc về thị trường nội địa, sẽ có lợi thế khi cạnh tranh với các “đại gia” ngoại như Shopee và Lazada. Vì thế, cục diện thị trường thương mại điện tử trong thời gian tới sẽ rất thú vị.
Thương mại đa kênh chiếm lĩnh thị trường
Dù cuộc chiến khốc liệt đến đâu, thì xu hướng được dự báo sẽ nổi bật nhất năm 2019 là thương mại điện tử đa kênh. Theo báo cáo thường niên của We Are Social và Hootsuite hồi tháng 1/2019, sẽ có 66% người dân Việt Nam tiếp cận với Internet trong năm 2019. 98% trong số đó mua hàng qua mạng, theo nhận định của Nielsen. Thị trường bán lẻ trực tuyến đã sôi động hơn trong những năm gần đây cùng với xu hướng Internet hóa cộng đồng.
Theo Sách trắng Thương mại điện tử năm 2018, kênh mua sắm trực tuyến của khách hàng đa dạng hơn nhờ sự đóng góp của sàn thương mại điện tử (68%), mạng xã hội/diễn đàn (51%) và thương mại di động (41%). Còn khảo sát của HBR đã chỉ ra rằng, 73% trong số 46.000 người tiêu dùng đánh giá cao trải nghiệm đa kênh của cửa hàng online. Vì vậy, chuỗi đa kênh trực tuyến đóng vai trò rất quan trọng với thị trường bán lẻ hiện đại.
Theo bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Khu vực miền Bắc của Công ty Nghiên cứu Thị trường Nielsen Việt Nam, năm 2019, bán lẻ đa kênh sẽ là xu thế nổi bật của thị trường bán lẻ Việt Nam. “Hành trình mua hàng của người tiêu dùng không còn là đường thẳng, mà thông qua nhiều kênh với rất nhiều điểm chạm, kết hợp giữa online và offline (trực tuyến và trực tiếp)”, bà Hà khẳng định.
Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử kể rằng, một doanh nghiệp nhỏ ở Hưng Yên có 5 người trong gia đình nhưng bán lẻ hàng khắp Việt Nam bằng các hệ thống tương tác với khách hàng. Mỗi ngày, họ thực hiện 1.000 đơn hàng bằng việc sử dụng hàng loạt kênh bán hàng cả online lẫn offline. “Các nhà bán lẻ không chỉ nhắm vào các kênh “offline” (cửa hàng), mà gia tăng nhiều hình thức kinh doanh khác như khai thác các công cụ mạng xã hội”, ông Tuyến chia sẻ.