Thương hiệu nội phải sẵn sàng cho sóng M&A

Thương hiệu nội phải sẵn sàng cho sóng M&A

(ĐTCK) “Địa ốc và bán lẻ là hai lĩnh vực sắp tới sẽ có nhiều hoạt động M&A hơn cả”, ông John Ditty, Phó tổng giám đốc điều hành, Trưởng Bộ phận Tư vấn mua bán doanh nghiệp, Công ty KPMG Việt Nam nhận định tại Diễn đàn M&A 2016 do Báo Đầu tư tổ chức.
 

Theo đó, bên cạnh nhiều hoạt động M&A dồn dập trong lĩnh vực tiêu dùng mà các doanh nghiệp Thái Lan đã thực hiện tại Việt Nam trong thời gian qua, các tập đoàn lớn, doanh nghiệp tầm vừa và nhỏ của Hàn Quốc và Nhật Bản cũng rất quan tâm, muốn tìm kiếm cơ hội tại thị trường Việt Nam. Có thể trong thời gian tới, thị trường sẽ đón nhận làn sóng M&A mới từ những đối tác này.

Theo đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài, thị trường bán lẻ Việt Nam đang phát triển ngược chiều với một số thị trường phát triển. Chẳng hạn, thời gian qua đã có nhiều cửa hàng, siêu thị phải đóng cửa tại Mỹ, nhưng ở Việt Nam, nhiều siêu thị mua sắm được mở ra và sẽ tiếp tục nhân rộng. Nhìn nhận về làn sóng M&A trong lĩnh vực bán lẻ, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nói rằng, lĩnh vực bán lẻ tại thị trường Việt nam sẽ tiếp tục được mở rộng bởi quá trình đô thị hóa.

“Tỷ lệ bán lẻ hiện đại qua hệ thống siêu thị, đại siêu thị… của Việt Nam hiện nay đang ở mức rất thấp so với thế giới. Chính vì thế, lĩnh vực này hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, họ chỉ quan tâm tới bán lẻ hiện đại, chưa có ý định đầu tư vào hệ thống bán lẻ truyền thống”, bà Loan cho biết.

Bên cạnh đó, một ưu thế khác của thị trường bán lẻ nội địa đó là môi trường đầu tư khá cởi mở, tạo cơ hội cho các nhà bán lẻ hiện đại trên thế giới tìm đến. Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc điều hành cao cấp Tập đoàn Recof chia sẻ: “Chỉ số bán lẻ ở Việt Nam khiến nhà đầu tư Nhật Bản khá hài lòng. Bởi vậy, dù nhà đầu tư Nhật thường được đánh giá là khá bảo thủ nhưng chắc sẽ có nhiều người xem xét tham gia sâu hơn vào thị trường Việt Nam và đây sẽ là giai đoạn bước ngoặt cho các nhà đầu tư của chúng tôi”.

Cùng chung quan điểm này, ông Seck Yee Chung, Luật sư điều hành tại Bakers & McKenzie cho rằng, không riêng lĩnh vực địa ốc, bán lẻ, lĩnh vực công nghệ và thương mại điện tử tại Việt Nam cũng đang nhận được nhiều sự quan tâm.

“Tuy đây được coi là thị trường ngách nhưng mức độ thâm nhập sẽ rất lớn”, ông  Seck Yee Chung cho biết.

Dù làn sóng M&A trong lĩnh vực tiêu dùng tại thị trường Việt Nam vẫn đang được chào đón nhưng thực tế, có không ít ý kiến lo ngại các thương vụ này sẽ khiến thương hiệu trong nước khó cạnh tranh với thương hiệu nước ngoài. Theo bà Loan, xét ở góc độ hẹp, nhiều đối tượng sẽ phải chịu tác động tiêu cực từ làn sóng M&A, đặc biệt là những nhà bán lẻ truyền thống.

“Các nhà bán lẻ Việt Nam sẽ gặp bất lợi khi phải cạnh tranh với các thương hiệu lớn, nhưng cạnh tranh là cách thức duy nhất để tồn tại và tiến lên. Họ sẽ phải đối mặt và sẵn sàng cho việc này”, bà Loan cho biết.

Nhìn từ một góc độ khác, bà Loan cho rằng, đối với một số thương hiệu Việt Nam, M&A cũng là con đường để phát triển mạnh mẽ hơn, như thương vụ của Nguyễn Kim hay việc Tập đoàn AEON (Nhật Bản) mua 30% Fivimart và 49% Citimart. Sau M&A, các thương hiệu này đều rất hài lòng vì họ đã được đưa lên một tầm cao mới không chỉ về vốn mà còn về phương hướng phát triển.

“Chúng tôi mong sẽ có nhiều những cuộc M&A mà cả 2 bên cùng thắng (win-win), thay vì một bên bị thâu tóm”, bà Loan nói và đề xuất, Chính phủ không chỉ cần thúc đẩy dòng chảy của kênh đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, mà còn cần có những chính sách hỗ trợ cho kênh đầu tư từ trong nước. Bởi thị trường bán lẻ cần được xây dựng từ cả hai kênh này.

Trước lo ngại về việc thương hiệu nội địa gặp khó khăn trong cơn lốc M&A, ông Seck Yee Chung cho rằng, Việt Nam nên tự tin nhiều hơn về các thương hiệu của mình. Chẳng hạn, cứ nhắc tới phở thì mọi người đều biết đó là món ăn xuất xứ từ Việt Nam, hay gần đây là món bún chả mà Tổng thống Mỹ Obama từng ăn.   

Tin bài liên quan