Dấu ấn kiểu… Mỹ
Người tiêu dùng, thậm chí cả doanh nghiệp Việt Nam rất khó quên cảm giác lần đầu tiên chứng kiến sự hiện diện của các thương hiệu nhượng quyền trong lĩnh vực fastfood đến từ Mỹ vài năm trở lại đây.
Nước Mỹ vốn luôn dẫn đầu về âm nhạc, thực phẩm, thời trang với phong cách kinh doanh năng động, trẻ trung và hợp mốt. Bởi thế, mỗi lần có thương hiệu nổi tiếng nào rậm rịch hoặc chính thức thâm nhập thị trường, người tiêu dùng lại có dịp xôn xao bàn tán, dù có thể là ca tụng hay chê bai. Song, dù mang cảm xúc nào, thì hãy xem các thương hiệu Mỹ đình đám đã và đang làm được những gì ở Việt Nam.
“Nếu muốn trở thành một nhà kinh doanh thành công, hãy làm đối tác nhượng quyền của McDonald’s”. Đó là câu nói của một giáo sư tại trường đại học nơi ông Nguyễn Bảo Hoàng, nhà sáng lập Good Day Hospitality kiêm Tổng giám đốc quỹ đầu tư IDG Ventures, từng học quản trị kinh doanh và hay nhắc đến. Bản thân ông Hoàng cũng đang làm đối tác nhượng quyền của McDonald’s tại Việt Nam, dù mọi việc không dễ như lời nói.
Ông Hoàng kể, thấy được món hời từ mô hình kinh doanh nhượng quyền này, ông đã tiếp cận với lãnh đạo McDonald’s nhiều lần, nhưng chỉ nhận được câu trả lời thẳng thừng là thị trường Việt Nam không phù hợp với chiến lược kinh doanh của họ... Tuy nhiên, sau 10 năm thuyết phục và dường như cũng là thời điểm thị trường Việt Nam chín muồi, với hơn 93 triệu dân, tầng lớp trung lưu, người tiêu dùng, nhất là giới trẻ đã làm quen với các thương hiệu fastfood. Hai năm trước, McDonals's đã chọn ông Hoàng làm đối tác nhượng quyền tại Việt Nam.
Từ đó, ông Hoàng cùng các cộng sự nỗ lực thực hiện tham vọng sẽ xây dựng McDonals’s trở thành chuỗi đồ ăn nhanh của Mỹ thành công nhất Việt Nam. Hiện McDonald's đã đạt 8 cửa hàng tại TP.HCM và gần đây, McDonald's đã hé lộ kế hoạch muốn tiến ra Hà Nội trong năm nay sau khi đã đạt tốc độ tăng trưởng gấp đôi hàng năm kể từ mở cửa hàng đầu tiên ở TP.HCM. Đa số các cửa hàng này đều nằm ở vị trí “vàng”, thu hút người dân địa phương và khách du lịch.
Theo ông Nguyễn Bảo Hoàng, ra mắt thị trường Hà Nội trong năm nay là một phần trong kế hoạch mở tới 100 cửa hàng trong vòng 10 năm tới tại Việt Nam của McDonald’s. Giống như thời điểm lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, cụ thể là TP.HCM, McDonald’s đã khuấy động làn sóng hâm mộ từ giới trẻ sành điệu, việc ra Hà Nội lần này hứa hẹn sẽ là cơ hội tạo sóng tiếp theo cho thương hiệu này.
Ngay từ đầu, ông Hoàng đã xác định, việc không phải là người đi đầu trong lĩnh vực nhượng quyền fastfood cũng khiến ông gặp khó khăn, do có một vài đối thủ “đến trước”, có thể kể đến là Burger King, KFC và Pizza Hut. Tuy nhiên, không phải là người tiên phong không có nghĩa không thể là tốt nhất. Thách thức duy nhất ông gặp phải nằm ở chỗ, McDonals’s sẽ triển khai dưới mô hình nào để tạo khác biệt.
Nhắc đến đối thủ của McDonald's tại thị trường Việt Nam là Buger King, thương hiệu này cũng vừa trải qua cơn sóng gió khi đối mặt với tình hình kinh doanh không mấy khả quan tại vài địa điểm, dẫn tới việc phải đóng cửa tại đó. Động thái này khiến dư luận đồn thổi, Buger King có ý định rút khỏi thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, Buger King đã bác bỏ thông tin này và cho rằng, đó chỉ là hình thức tái cơ cấu các cửa hàng kinh doanh không hiệu quả, thay thế bằng các vị trí tốt và tiềm năng hơn.
Công ty TNHH Dịch vụ Thực phẩm và Giải khát Cánh Diều Xanh (BKV) thuộc Tập đoàn IPP là đối tác kinh doanh nhượng quyền chính thức của Burger King® tại Việt Nam. Từ nhà hàng đầu tiên tại sân bay Tân Sơn Nhất khai trương năm 2011 đến nay, BKV đã có tổng cộng 22 nhà hàng Burger King® tại TP. HCM, Hà Nội và các địa điểm cửa ngõ như sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Quốc và Cam Ranh.
Một minh chứng nữa cho sự xuất hiện làm điên đảo đối thủ và người tiêu dùng, đặc biệt giới trẻ của của các thương hiệu nổi tiếng của Mỹ ở Việt Nam là cà phê Starbucks. Không chỉ khuấy động thị trường tiêu dùng, thương hiệu này còn làm các doanh nghiệp kinh doanh chuỗi cà phê phải cuốn mình thay đổi, tạo ra một không gian thưởng thức cà phê cao cấp hơn cho người tiêu dùng. Hiện Satrbucks đã có 19 cửa hàng ở Việt Nam và đang phát triển ra các khu vực xa trung tâm.
Bài học kinh doanh cho doanh nghiệp nội
Bắt đầu từ năm 2013, thị trường nhượng quyền Việt Nam trở nên sôi động với sự xuất hiện liên tục của những thương hiệu mới đến từ Mỹ, Anh, Australia, Nhật Bản. Nhiều nhất vẫn là các thương hiệu nhượng quyền đến từ Mỹ. Điều dễ thấy, thị trường giờ không còn giới hạn ở trong địa giới lãnh thổ nào đó mà ở khu vực và thế giới. Bởi vậy, thành công giờ nằm trong tay của người tiêu dùng và độ nổi tiếng của thương hiệu.
Trong dòng chảy đó, doanh nghiệp Việt Nam đang tiếp tục nắm bắt cơ hội. Bà Lê Hồng Thuỷ Tiên, Tổng giám đốc IPP cho biết: “Trong thời kỳ hội nhập với xu hướng phát triển của thế giới, tôi luôn tìm các cơ hội để hợp tác với thương hiệu lớn ở nước ngoài vào Việt Nam. Đây là cách để chúng tôi học hỏi và áp dụng kỹ năng quản lý sản xuất chuyên nghiệp, tiên tiến. Và ngược lại, tôi cũng luôn chứng minh cho họ thấy, IPP hiểu và “biết cách kinh doanh hàng hiệu” tại Việt Nam, nắm bắt và hiểu biết xu hướng tiêu dùng cũng như luôn tuân theo các quy định của Chính phủ, để giúp các đối tác phát triển hơn tại Việt Nam”.
Thực tế, khi nhắc đến lĩnh vực nhượng quyền thương hiệu nổi tiếng đến từ Mỹ, Tập đoàn IPP là một trong số tên tuổi đình đám nhất hiện nay ở Việt Nam. Hiện IPP đã nhượng quyền thành công và liên tục mở nhiều cửa hàng của các nhãn hiệu lớn như Burger King, Domino’s Pizza, Gà Rán Popeyes, Cà Phê Bánh Ngọt Dunkin’ Donuts… ở trung tâm TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh thành phố lớn. Cũng theo bà Tiên, phân khúc thị trường kinh doanh đồ ăn nhanh là một trong những trọng tâm trong chiến lược kinh doanh IPP hiện nay vì tiềm năng của thị trường đông dân như Việt Nam, với dân số trẻ chiếm hơn 65%.
Các thương hiệu thức ăn nhanh có nguồn gốc từ Mỹ đã phổ biến trên toàn cầu và người tiêu dùng có thể tìm thấy chúng ở khắp nơi trên thế giới. Cách mọi người sử dụng các thương hiệu đó và các thế hệ đã trưởng thành nối tiếp nhau thưởng thức chúng khiến các thương hiệu Mỹ thành công ở một thị trường mới, dù người tiêu dùng bản địa không sính ngoại.
Việt Nam đang trở thành thị trường các thương hiệu quốc tế muốn hiện diện. Trong đó, các thương hiệu nhượng quyền của Mỹ thành công ở Việt Nam vì đã nhanh chóng trở thành một phần của khu phố, nơi các nhân viên văn phòng, học sinh, sinh viên, cư dân sinh sống đông đúc. Đây là điều mà các doanh nghiệp trong nước cần học hỏi để tồn tại trong bối cảnh thế cờ đã thay đổi.