Theo Brand Finance, các yếu tố vô hình mới chỉ đóng góp trung bình 38% trong tổng giá trị của một doanh nghiệp Việt Nam. Điều này cho thấy rằng, các doanh nghiệp nội địa cần phải chú ý nhiều hơn nữa đến việc xây dựng thương hiệu - tài sản vô hình quan trọng nhất để tạo ra những giá trị lớn cho bản thân doanh nghiệp đó cũng như cho các bên liên quan như nhà đầu tư, đối tác, khách hàng hay công chúng nói chung.
Ông Samir Dixit cho rằng, khả năng quản trị thương hiệu kém của các doanh nghiệp là một trong những trở ngại lớn nhất khiến các doanh nghiệp không tận dụng được những lợi thế mà tài sản thương hiệu của họ có thể mang lại.
Phân tích một loạt thương hiệu đang nổi đình đám hiện nay, ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc Chiến lược Thương hiệu của Richard Moore Associate cho rằng, thương hiệu mạnh phải có thuộc tính mạnh. Thương hiệu số một lại càng cần phải có thuộc tính tiêu biểu mà nhờ đó người ta nhớ đến, nhắc đến và yêu mến.
Theo ông Sơn, thương hiệu nếu không có sự đồng thuận và hiểu biết từ phía lãnh đạo cao nhất trong doanh nghiệp sẽ không thể triển khai được đến nơi đến chốn. Việc quản trị thương hiệu và marketing cần được đảm nhiệm bởi chính một thành viên của ban lãnh đạo đứng đầu.
Lãnh đạo có thể không biết sâu về chuyên môn, nhưng họ bắt buộc phải thấu hiểu được tầm quan trọng để có hành động phù hợp. Vị chuyên gia này khuyến nghị, người tiêu dùng, khách hàng thường chỉ nhớ trong đầu đến tối đa 3 thương hiệu ở cùng một lĩnh vực mà thôi, vì thế muốn đạt hiệu quả cao trong kinh doanh, nhất thiết doanh nghiệp phải có thương hiệu thuộc nhóm dẫn đầu.
Tuy nhiên, với những doanh nghiệp vừa và nhỏ hay doanh nghiệp khởi nghiệp, việc có kinh phí hàng triệu USD cho những chiến dịch quảng cáo bom tấn trên truyền hình hay báo chí là điều không tưởng. Vậy họ có thể làm gì để khách hàng, đối tác và thị trường biết đến thương hiệu của mình? Lãnh đạo Công ty Phindeli đã chia sẻ kinh nghiệm rằng, doanh nghiệp nên chú trọng, tìm tòi cho nghệ thuật kể chuyện. Mỗi lần xuất hiện của thương hiệu đều phải mới, phải có những câu chuyện hấp dẫn, câu chuyện hay thì sẽ tự động lan tỏa.
“Chẳng có một công thức chung cho một thương hiệu thành công nào, bởi vậy phải có lối đi khác biệt. Người tiêu dùng chắc chắn sẽ không nhớ đến thương hiệu, nếu thương hiệu không làm người ta nhớ”, ông Phạm Đình Nguyên, Tổng giám đốc PhinDeli nói.
Thâm nhập vào lĩnh vực cà phê sau rất nhiều đối thủ mạnh khác như Trung Nguyên, VinaCafe, Nestle…, PhinDeli đã chọn nước Mỹ là nơi khởi nghiệp của mình. Câu chuyện thương hiệu được ông Nguyên xây dựng bắt đầu từ việc trở thành người Việt Nam đầu tiên mua một thị trấn của nước Mỹ có tên Buforf, rồi ông đổi tên thị trấn thành Phin Deli với những tuyên ngôn nổi tiếng như “Cafe Việt làm nước Mỹ tỉnh giấc”, rồi đến những bức tranh, bộ phim gắn với thương hiệu… Cách làm thương hiệu độc đáo của Phạm Đình Nguyên đã giúp nâng tên tuổi Phin Deli lên tầm quốc tế trong một thời gian ngắn.
Tuy nhiên, thương hiệu mạnh phải xuất phát từ doanh nghiệp mạnh, đó chính là phần cốt lõi để đảm bảo cho thương hiệu lâu bền với thời gian. Với bề dày kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp và xây dựng thành công thương hiệu dẫn đầu từ các tập đoàn đa quốc gia như Yahoo, Qualcomm, Microsoft…, ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam đúc rút: “Việc xây dựng thương hiệu cần luôn được định hướng xoay quanh giá trị cốt lõi của quá trình vận hành doanh nghiệp. Quá trình vận hành và định hướng doanh nghiệp sẽ chính là phần tinh thần, tạo tiền đề cho các chiến lược phát triển thương hiệu, từ đó tạo dựng, dẫn dắt và phát triển hình ảnh, gia tăng giá trị thương hiệu của các tổ chức, doanh nghiệp”.
Top 10 thương hiệu mạnh nhất của Việt Nam và định giá của chúng
1. Vinamilk (1,137 tỷ USD)
2. Viettel Telecom (580 triệu USD)
3. Vinhomes (343 triệu USD)
4. MobiFone (306 triệu USD)
5. PVGas (288 triệu USD)
6. FPT (239 triệu USD)
7. Vietinbank (197 triệu USD)
8. Vinaphone (193 triệu USD)
9. BIDV (176 triệu USD)
10. Vietcombank (157 triệu USD)