Kỳ 1: Khi bạn đẹp
Từ “ăn no mặc ấm”, nhân loại đã tiến một bước khá xa tới “ăn ngon mặc đẹp”. Và từ những ngày còn hoài nghi “bộ quần áo có làm nên thầy tu”, người ta đã nhận ra rằng, một “thầy tu” biết tạo dựng thương hiệu cho mình có thể gặt hái những kết quả không ngờ cả trong sự nghiệp lẫn cuộc sống.
Thương hiệu mang tên “Tôi”
Kết quả một nghiên cứu tại Anh gần đây cho thấy, chỉ với 30 giây gặp gỡ đầu tiên đủ để bạn tạo ấn tượng cho người khác và 93% ấn tượng ban đầu này là do hình thức tác động. Thậm chí, theo nghiên cứu của hai nhà kinh tế học tại Mỹ Joseph Halford và Hung Chia Hsu, CEO có gương mặt ưa nhìn có thể gây ảnh hưởng tích cực đến giá cổ phiếu và tạo lợi thế cho công ty trong những thương vụ M&A sau này. Các công ty lớn đã quá hiểu tầm quan trọng của thương hiệu. Nhưng trong thời đại mà cái “Tôi” đang lên ngôi, rõ ràng sẽ khôn ngoan hơn nếu bạn cũng chủ động xây dựng thương hiệu cá nhân cho riêng mình.
Năm 2008, Barack Obama đắc cử Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Cái mà người ta nhắc nhiều khi phân tích thành công của vị Tổng thống da màu đầu tiên này chính là hình ảnh một nhà lãnh đạo trẻ trung nhưng không kém phần chắc chắn, tự tin và cũng tràn đầy sức sống trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế bào mòn cả những người kiên định nhất. Nó giúp ông khác biệt bản thân giữa một dàn đối thủ nặng ký và thuyết phục đa số bỏ phiếu ủng hộ mình. Không thể phủ nhận, đương kim Tổng thống Mỹ làm thương hiệu quá xuất sắc.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, quá trình phát triển thương hiệu cá nhân không những đem lại cho bạn sự tự tin, mà còn giúp bạn hiểu bản thân tốt hơn và tạo lập sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh. Khi bạn đã có một thương hiệu cá nhân nổi tiếng, đương nhiên bạn sẽ có nhiều cơ hội trong lĩnh vực hoạt động của mình. Điều đó đồng nghĩa với những lợi ích cả ngắn hạn và dài hạn về nghề nghiệp, thu nhập, lĩnh vực sự nghiệp… Từ tầng lớp chính khách, doanh nhân, học giả cho tới giới siêu sao, người mẫu…, người mà đặc thù nghề nghiệp phải tiếp xúc đám đông, đều nhận thức tầm quan trọng của thương hiệu cá nhân và ra sức “đẹp hóa” hình ảnh của mình mỗi ngày. Nền công nghiệp tôn vinh cái đẹp nhờ đó cũng đã phát triển nhanh chóng và to lớn không ngờ.
Nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu cứ phải dùng đến cả một nền công nghiệp tốn kém và phức tạp thì mới tạo dựng được thương hiệu mang tên “Tôi”?
Câu trả lời hẳn nhiên là không!
Để là “thầy tu” chuyên nghiệp
Không cần thiết phải đầu tư bài bản như một người nổi tiếng, có một sự thật rằng, ai cũng có thể xây dựng hình ảnh cá nhân cho mình bằng những bước vô cùng đơn giản. Trước tiên, bạn cần có một định hướng rõ ràng về việc bạn muốn trở thành một người như thế nào, đối thủ cạnh tranh của bạn là ai, cũng như phân tích những điểm yếu, điểm mạnh, đam mê của mình. Các mục tiêu cần xác định tập trung, súc tích và cụ thể.
Một khi đã giải quyết được những vấn đề trên, bạn có thể dễ dàng xây dựng một tổ hợp các kênh truyền thông hình ảnh của mình đến công chúng mục tiêu một cách hiệu quả nhất. Từ gặp gỡ trực tiếp, làm việc gián tiếp qua email, cách thể hiện bản thân trên mạng xã hội, trong từng sản phẩm, công việc bạn làm… Mỗi hành động và hình ảnh của bạn đều phải nhất quán và gắn với thương hiệu của bạn. Chẳng có gì ngạc nhiên khi ngày nay, nhiều nhà tuyển dụng dành thời gian “tham khảo” Facebook, Twitter hay Linked In… của các ứng viên trước để quyết định có mời họ phỏng vấn hay không. Do đó, đừng lơ là hoặc coi các mạng xã hội chỉ là nơi chốn riêng tư.
Mặt khác, cần thường xuyên đánh giá những việc đã làm, những thủ pháp đã sử dụng xem chúng có hoạt động hiệu quả hoặc có cần sửa đổi gì không. Đó là cách giữ cho thương hiệu của bạn luôn rõ ràng, nhất quán và ổn định.
Trên thế giới, việc xây dựng thương hiệu cá nhân đã được áp dụng từ lâu. Nhưng tại Việt Nam, công việc này mới manh nha bắt đầu. Những ai nhanh chóng nắm bắt được xu thế và duy trì cho mình một thương hiệu tốt, thì đây chính là thời điểm của họ.
Khi bạn đẹp, bạn tạo ấn tượng khó quên với người xung quanh, từ đó phát triển các mối quan hệ, mang lại thành công cho công việc và cuộc sống. Bạn hạnh phúc hơn, hiểu biết mình hơn và càng ngày càng hoàn thiện hơn.
Vậy nên khi có cơ hội: Hãy đẹp!
Kỳ 2: Điều gì làm bạn khác biệt?