Pháp luật đã quy định khá rõ ràng về các mức độ trong thước đo về hậu quả thiệt hại

Pháp luật đã quy định khá rõ ràng về các mức độ trong thước đo về hậu quả thiệt hại

Thước đo trách nhiệm hình sự của giới ngân hàng có bị lỗi?

(ĐTCK) Hậu quả thiệt hại thường được coi là thước đo xác định trách nhiệm. Thước đo này sẽ hợp lý nếu có sự xác định rõ ràng hậu quả đến từ chính hành vi sai phạm. Ngược lại, thước đo sẽ bị lỗi và thực tế là giới ngân hàng đang phải đối mặt với rủi ro này trong nhiều vụ án hình sự.   

Quy định mới liên quan đến hậu quả thiệt hại

Bộ luật Hình sự mới sẽ có hiệu lực từ 1/1/2018 và là thời điểm bắt đầu của nhiều quy định rõ ràng về các mức độ tính toán hậu quả thiệt hại làm căn cứ xác định trách nhiệm hình sự. Đối với ngành ngân hàng, Bộ luật Hình sự mới đưa hầu hết tội danh liên quan vào chung 1 điều luật - Điều 206 về “Tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.

Theo điều luật này, khởi đầu cho trách nhiệm hình sự được xác định với mức thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng. Mức độ trách nhiệm pháp lý hình sự cấp độ thứ hai với hình phạt tù tối đa 7 năm sẽ áp dụng cho hậu quả thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng. Từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng được xem là thước đo hậu quả thiệt hại cho trách nhiệm pháp lý lên đến 12 năm tù. Cuối cùng, mức phạt tù đến 20 năm sẽ áp dụng cho hậu quả thiệt hại được đo đếm từ 3 tỷ đồng trở lên.

Như vậy, quy định pháp luật là khá rõ ràng về các mức độ trong thước đo về hậu quả thiệt hại. Giới ngân hàng cần lưu ý điều này.

Thước đo có thể bị lỗi

Vừa qua, Tòa án nhân dân TP.HCM đã xét xử vụ án hình sự vi phạm quy định cho vay xảy ra tại Eximbank. Vụ án liên quan đến khoản nợ xấu hơn 160 tỷ đồng của Công ty Gia Phát Thành tại ngân hàng này và 3 cán bộ ngân hàng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Là luật sư bào chữa cho các cán bộ ngân hàng, tôi nhận thấy rằng, trong vụ án này, thước đo hậu quả thiệt hại đã được Tòa án xem xét khách quan để xác định trách nhiệm hình sự. Quá trình tranh tụng tại phiên tòa đã làm rõ nguyên nhân dẫn đến khoản nợ xấu là do Công ty Gia Phát Thành có yếu tố gian lận hải quan nhằm trốn thuế, buôn lậu.

Cụ thể, công ty này vay vốn ngân hàng để nhập khẩu các mặt hàng mang các nhãn hiệu nổi tiếng từ Ý như Gucci, Dolce&Gabana, Roberto Cavalli, Moschino... Tuy nhiên, thay vì trực tiếp nhập hàng về Việt Nam, hàng hóa lại được vận chuyển từ châu Âu về Hồng Kông. Sau đó, từ Hồng Kông, những lô hàng tiếp tục nhập khẩu về Việt Nam, nhưng được khai báo thành hàng Trung Quốc giá rẻ để trốn thuế nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam.

Từ sai phạm nêu trên, toàn bộ số hàng hóa của Công ty Gia Phát Thành bị tịch thu. Điều đó khiến cho công ty này lập tức mất toàn bộ doanh thu, nguồn thu dự kiến, dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ cho ngân hàng. Do tài sản bảo đảm là hàng hóa hình thành từ vốn vay bị tịch thu toàn bộ, nên ngân hàng cũng mất hoàn toàn khả năng thu hồi nợ từ tài sản bảo đảm.

Như vậy, gian lận hải quan nhằm trốn thuế, buôn lậu tại Công ty Gia Phát Thành mới là nguyên nhân dẫn đến hậu quả tín dụng tại Eximbank. Hai cán bộ thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn - Khu vực 4 từng bị truy tố, xét xử trước đó về tội “Thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến việc buôn lậu, trốn thuế của Công ty Gia
Phát Thành.

Cộng thêm nhiều tình tiết, luận điểm có lợi cho đương sự được làm rõ, cuối cùng, tòa án chỉ tuyên phạt án treo đối với các bị cáo. Đây là một vụ án hiếm hoi cho thấy, chính tòa án đã không mặc nhiên sử dụng mức độ hậu quả thiệt hại làm thước đo trách nhiệm. Bởi thước đo này sẽ tạo ra thông tin lỗi khi mà mối quan hệ nhân quả giữa hành vi sai phạm với hậu quả khá rời rạc.

Tuy nhiên, những mức án tù nặng nề dành cho cán bộ ngân hàng nối tiếp trong nhiều vụ án hình sự thời gian qua cho thấy, hậu quả thiệt hại được sử dụng làm thước đo trách nhiệm như thế nào sẽ tùy thuộc vào mỗi tòa án, mỗi thẩm phán, mỗi phiên tòa. Đối với giới ngân hàng, chuyện cho vay số tiền năm, bảy tỷ đồng là chuyện nhỏ. Song, đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, việc thất thoát vài trăm triệu đồng đã là một chuyện lớn.

Nếu chỉ đơn giản quy số tiền thất thoát với giá trị định khung hình phạt, mức án trên chục năm tù sẽ đến từ đó. Bởi, rất dễ dàng để đếm những năm tù từ một con số nợ xấu, nhưng rất khó khăn để phân định được nguồn gốc, nguyên nhân, lỗi sai phạm tạo nên con số nợ xấu đó.

Nhiều vụ án lừa đảo ngân hàng, kẻ lừa đảo chịu mức án bao nhiêu thì cán bộ ngân hàng cũng chịu mức án gần chừng đó, bất kể họ không có yếu tố tư lợi, bất kể chính họ là nạn nhân chịu sự tác động, tấn công. Tư duy “khoác” trách nhiệm cho cán bộ ngân hàng từ hậu quả do tội phạm bên ngoài tác động vào ngân hàng là điều vô lý. Bởi về nguyên lý, hậu quả đó phải thuộc về trách nhiệm của kẻ tác động, tấn công vào ngân hàng. Vậy mà nghịch lý là những án tù nặng nề cho cán bộ ngân hàng vẫn đang tồn tại.

Bộ luật Hình sự đã tạo nên những chuẩn mực mới trong thước đo trách nhiệm và câu hỏi được đặt ra là “Phải làm sao để thước đo quan trọng này không bị lỗi?”. Dù vậy, đó là câu hỏi mà nơi trả lời không phải là ngành ngân hàng.

Tin bài liên quan