Hướng đến áp dụng chuẩn mực quốc tế khi thực hiện báo cáo PTBV
Trong 9 năm diễn ra Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên, giải thưởng Báo cáo PTBV đến nay đã duy trì được 4 năm. Thời gian đầu, việc thực hiện báo cáo còn nhiều bỡ ngỡ, số lượng báo cáo có nội dung PTBV còn khiêm tốn. Qua các năm, cuộc bình chọn đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và thu hút sự chú ý của nhà đầu tư về vấn đề PTBV. Điều này thể hiện trong việc số lượng doanh nghiệp tham gia, cũng như chất lượng báo cáo mỗi năm một tăng.
Ông Tôn Thất Hạc Minh, chuyên viên PTBV tại IKEA Đông Nam Á, thành viên Hội đồng bình chọn Báo cáo PTBV cho biết, trong hầu hết các báo cáo thường niên, kể cả các doanh nghiệp không có báo cáo PTBV, cụm từ “Phát triển bền vững” hay “Chiến lược phát triển bền vững” không chỉ trở nên phổ biến trong thông điệp của Chủ tịch HĐQT, mà còn thể hiện qua nhiều hành động thực tiễn, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động, với cộng đồng và môi trường. Trên hết, đó là sự minh bạch đối với cổ đông và các bên liên quan.
“Đây là một thành công của Cuộc bình chọn báo cáo thường niên năm nay. Vấn đề là Ban tổ chức cần giúp doanh nghiệp chuyển hóa nguồn năng lượng tích cực này thành các báo cáo có chất lượng cao trong năm sau, như một cột mốc quan trọng của giải báo cáo thường niên, trước khi có bước đột phá sắp tới”, ông Minh nói.
Dựa trên các báo cáo có nội dung PTBV, có thể thấy, mặc dù chưa có sự phát triển đồng đều giữa các báo cáo của doanh nghiệp, chất lượng báo cáo chưa thực sự đột phá, nhưng các doanh nghiệp đã bắt đầu áp dụng tốt hơn các chuẩn mực quốc tế để lập báo cáo PTBV. Đó là một tín hiệu đáng mừng.
Bà Nguyễn Lâm Hoàng Ái, Giám đốc cấp cao Công ty TNHH JiaHsin, thành viên Hội đồng bình chọn Báo cáo PTBV đánh giá, trước đây, các doanh nghiệp vẫn nhầm lẫn giữa báo cáo PTBV với công tác xã hội, nên chỉ liệt kê các hoạt động xã hội hay từ thiện của mình trong nội dung báo cáo PTBV. Trong mùa giải năm nay, có nhiều báo cáo thực hiện theo chuẩn mực IFC và GRI. Điều này thể hiện mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về báo cáo PTBV đã gia tăng. Một số báo cáo tuy được làm lần đầu, nhưng áp dụng khá đầy đủ các tiêu chí cơ bản của báo cáo PTBV. Thậm chí, có doanh nghiệp còn thực hiện kiểm toán độc lập đối với một vài chỉ số, cho thấy nhận thức về độ tin cậy của báo cáo đã gia tăng.
Nhóm chấm nội dung phát triển bền vững cùng Chủ tịch Hội đồng bình chọn BCTN Ngô Viết Hoàng Giao tại vòng chấm chung khảo 2016
Hài hòa lợi ích của các bên liên quan - thách thức với các nhà lãnh đạo
Trên thực tế, các doanh nghiệp có kế hoạch huy động vốn lớn, hướng đến bước phát triển cao hơn, vươn tầm quốc tế đều có sự quan tâm nhất định đối với PTBV. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp có đối tác là các khách hàng quốc tế, hay có cổ đông lớn là các tổ chức nước ngoài, thì PTBV là vấn đề rất được chú trọng.
Bà Nguyễn Lâm Hoàng Ái cho biết, chưa có cơ sở cụ thể để khẳng định khuynh hướng doanh nghiệp xem báo cáo PTBV là một trong những lợi thế để giới thiệu tốt về doanh nghiệp trong việc thu hút vốn ngoại. Tuy nhiên, tác động của vốn ngoại đối với công tác xã hội và bảo vệ môi trường là thực tế, đặc biệt là ở các chuỗi cung ứng toàn cầu. PTBV đã là một thành tố quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ở những quốc gia phát triển, do đó, họ cũng đưa PTBV vào tiêu chí hợp tác và đầu tư. Doanh nghiệp trong nước muốn hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài cần phải đáp ứng được các tiêu chí nhất định về trách nhiệm xã hội và PTBV.
Thực hiện tốt báo cáo PTBV, ngoài việc giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín với đối tác, khách hàng, cổ đông…, còn giúp doanh nghiệp thấy được những điểm yếu, điểm chưa hoàn thiện của mình, để từ đó xây dựng kế hoạch cải tiến, hướng tới mục tiêu phát triển cao hơn. Đây là lợi ích lớn nhất đối với doanh nghiệp, tuy nhiên, để đạt được thành quả đó sẽ là cả một quá trình gian nan, việc kiên định với định hướng PTBV không phải là dễ dàng. Do đó, nếu muốn khai thác tối đa những lợi thế của PTBV, các doanh nghiệp phải nỗ lực vượt bậc, hơn là chỉ tiết giảm chi phí ở mức thấp nhất và tìm kiếm lợi nhuận cao nhất trong một tầm nhìn ngắn hạn.
Điều này cũng dễ hiểu, khi phần lớn các doanh nghiệp chịu sức ép rất lớn từ các cổ đông trong việc làm tăng giá trị cổ phiếu. Chính bởi lẽ đó, PTBV là một trong những thước đo bản lĩnh và tinh thần lãnh đạo của doanh nghiệp. Đây là lúc mà lãnh đạo doanh nghiệp đối mặt với thách thức về hiệu quả điều hành trong một môi trường nhiều biến động, trong khi vẫn hài hòa được lợi ích của các bên liên quan.
Để thực hiện một báo cáo PTBV hoàn thiện, doanh nghiệp phải đầu tư khá nhiều công sức, từ khâu lập nhóm thực hiện báo cáo, đến việc lên kế hoạch cụ thể, lấy dữ liệu, chọn lọc và hoàn tất dữ liệu theo đúng tiến độ, đến việc tham vấn các bên liên quan. Đây là công việc lâu dài, cần có sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao trong HĐQT, Ban điều hành…, bởi chỉ họ mới có thể xử lý được các tình huống phát sinh, can thiệp kịp thời để thay đổi hệ thống nội bộ khi cần thiết.
Theo bà Nguyễn Lâm Hoàng Ái, để lập báo cáo PTBV tốt, trước tiên, doanh nghiệp cần cam kết nghiêm túc thực hiện công tác này.
Thứ hai, doanh nghiệp nên tham gia các chương trình đào tạo về cách thức thực hiện báo cáo PTBV, vì các chuẩn mực phổ biến của IFC hay GRI đều có các yêu cầu cụ thể về nội dung cần báo cáo, chứ không thể tùy ý báo cáo theo cách riêng của doanh nghiệp.
Thứ ba, doanh nghiệp nên tham khảo kỹ các tài liệu hướng dẫn báo cáo cụ thể cho ngành nghề của mình, vì các chuẩn mực phổ biến như GRI đều có hướng dẫn riêng cho khá nhiều ngành khác nhau.
Thứ tư, nếu doanh nghiệp muốn có điểm cao trong giải thưởng báo cáo PTBV, nên xem xét kỹ các tiêu chí chấm giải (tại địa chỉ website www.ara.org.vn) trước khi tiến hành lập báo cáo, để đảm bảo báo cáo của doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này.