Bắt bệnh zombie
Zombie được dùng để chỉ những nhân viên không gắn kết với doanh nghiệp, nhưng lại không ra đi, từ đó gây ảnh hưởng trầm trọng tới văn hóa công sở và hiệu suất kinh doanh của cả công ty. Điều đáng báo động, nó như một loại virut có khả năng lây lan cực nhanh, làm mất động lực và giảm khả năng sáng tạo trong môi trường làm việc.
Theo khảo sát của Anphabe trên 26.000 người làm việc tại Việt Nam, chỉ có 13,8% nhân viên thật sự gắn kết với công ty, 46,9% nhân viên gắn kết, 36,8% thờ ơ và 2,5% rất không gắn kết. Đáng chú ý, trong số 39,3% nhân sự thờ ơ với công ty thì có tới 67% vẫn ở lại. Họ là những người đi làm, nhưng không nỗ lực cho công việc; không gắn bó với công ty, nhưng lại không có ý định nghỉ việc.
Lãnh đạo các doanh nghiệp rất đau đầu trong việc ứng phó với những zombie này, cũng như nguy cơ lan truyền ảnh hưởng tiêu cực của nó. Đặc biệt, nếu không có giải pháp để chữa bệnh và phòng bệnh, “tấm gương” từ những zombie này sẽ hạ gục những nhân viên khác bằng thái độ và hành vi tiêu cực.
Cũng theo khảo sát của Anphabe, trung bình cứ 4 nhân viên thì có 1 zombie công sở, chiếm tỷ lệ 25%. Nhóm 25% zombie công sở này khiến doanh nghiệp thất thoát 11,7% hiệu suất làm việc. Nhân viên càng trẻ thì hội chứng zombie càng có xu hướng gia tăng. Cụ thể, tỷ lệ zombie ở thế hệ Gen Y (nhóm nhân sự sinh năm 1994 - 1998) lên tới 30,9%.
Đáng chú ý, tỷ lệ nhân viên zombie gia tăng theo thời gian. Mặc dù lượng nhân viên thờ ơ với công việc và công ty chỉ tăng nhẹ từ 35,2% năm 2015 lên 36,8% năm 2016, nhưng tỷ lệ nhân viên thờ ơ có xu hướng không nghỉ việc ngày càng tăng lên. Nếu năm 2015, tỷ lệ này là 12,6% thì năm 2016 đã tăng gấp đôi, lên 24,6%.
Thực tế, có rất nhiều nhân viên đang làm việc kém hiệu quả. Khảo sát cho thấy, trung bình số ngày các nhân viên zombie đi làm, nhưng không tập trung và không hiệu quả lên tới 57,5 ngày làm việc trong 1 năm.
“Zombie công sở là bài toán khó với tất cả các nhà quản lý, nhưng nếu xử lý được hiệu quả thì sẽ đem lại nhiều cơ hội tối đa hóa hiệu suất cho tổ chức”, đại diện Anphabe nhận định.
Bốc thuốc trị bệnh
Để điều trị căn bệnh “zombie công sở”, cần có nhiều giải pháp kết hợp. Trên thực tế, các nghiên cứu chỉ ra rằng, chỉ có 54% nhân sự tự tin về năng lực làm việc của mình, bởi vậy theo đại diện Cargill, điều quan trọng là trong công tác nhân sự, doanh nghiệp phải đặt đúng người đúng việc, hướng nhân viên tin vào sự thay đổi, đồng nghĩa doanh nghiệp cũng phải thay đổi.
Các giám đốc nhân sự đều chia sẻ một quan điểm chung là cần tìm ra nguyên nhân của tình trạng lười biếng ở nhân viên: Liệu đó có phải là doanh nghiệp chưa tạo đủ điều kiện cho nhân viên, gia đình họ có vấn đề, bệnh tật, con cái…?
Khi đã bắt đúng bệnh, các cấp quản lý cần đưa ra phác đồ điều trị đặc hiệu, phù hợp với từng zombie công sở. Trong điều trị, cần kết hợp hiệu quả giữa việc tạo sức ép và tạo động lực, tạo sự gắn kết với tổ chức để họ phấn đấu.
Bà Phạm Vũ Minh Đan, Giám đốc nhân sự Techcombank đã từng chia sẻ một kinh nghiệm rất hay về tạo động lực cho nhân viên. Theo đó, phải tổ chức làm sao để người lao động được thành công, thay vì khai thác được nhiều nhất từ họ. Khi thành công thì tự nhân sự có động lực. Bản chất khi ấy doanh nghiệp thu về được nhiều hơn từ người lao động nhưng người lao động lại thấy đó là nguồn vui của chính họ.
Ở không ít doanh nghiệp, bệnh zombie xuất phát từ việc người lao động bị áp lực, họ làm hoặc bỏ ra rất nhiều công sức mà không ra kết quả, nên cảm thấy rất nản và buông xuôi. Giải pháp trong trường hợp này là người lao động cần được hỗ trợ để đạt kết quả trong công việc, được ghi nhận và tưởng thưởng.
Công việc khi ấy tự động trở thành động lực. Có nhiều tổ chức dọn ra “mâm cỗ” rất ngon nhưng không ai ăn được vì nhân sự không thể nào đạt được mức đó. Do vậy, tạo ra mâm cỗ ngon và hướng dẫn nhân viên làm sao ăn được mâm cỗ đó sẽ là giải pháp hạn chế zombie.
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đã làm mọi cách, đã rất thiện chí nhưng không thấy được sự thay đổi tích cực ở nhân viên, vì lợi ích chung của tổ chức, doanh nghiệp sẽ buộc phải chia tay những zombie đã “hết thuốc chữa”.
Cách phổ biến nhất để những nhân sự này hoặc phải thay đổi hoặc phải ra đi là chuyển nhân viên zombie sang một chiến tuyến mới - vị trí mới thử thách hơn, khó khăn hơn, nhưng không thay đổi thu nhập. Cách làm thêm việc mà không thêm lương này sẽ khiến zombie tự nghỉ việc. Trong trường hợp tích cực, biện pháp mạnh này có thể là giải pháp hữu hiệu để nhân viên lấy lại động lực làm việc.
Cuối cùng là giải pháp “bàn tay sắt”. Khi doanh nghiệp đã quyết định chia tay nhân viên zombie, nhưng gặp trở ngại, bộ phận nhân sự cần chuẩn bị đầy đủ bằng chứng để trao đổi thẳng thắn và có lý do nói lời chia tay với nhân viên.
Zombie công sở đẩy lùi bước tiến của doanh nghiệp
Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search, công ty tư vấn và tuyển dụng nhân sự cấp cao
Theo quan điểm của tôi, tình trạng zombie nơi công sở có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào, tuy nhiên những người thuộc Gen X (những người sinh ra và lớn lên trong thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ trước – PV) thì khá hiếm, vì họ có nhận thức tốt hơn về việc đóng góp các giá trị của bản thân và có sự gắn bó hơn với tổ chức. Những nhân viên Gen Y (sinh ra từ sau năm 1980 – PV) là nhóm dễ gặp phải tình trạng này nhất.
Theo một khảo sát của Navigos Group về Gen Y, có đến 69% số người được hỏi cho biết họ đang có ý định chuyển việc. Việc thiếu định hướng và ít gắn bó với tổ chức cũng là một trong những lý do dẫn đến tình trạng zombie nơi công sở.
Một trong những dấu hiệu thường thấy là họ đi làm với lý do “chỉ có công việc để sinh sống”, thái độ thờ ơ và thiếu trách nhiệm, hoàn thành công việc “vừa đủ”, không suy nghĩ về việc đóng góp tích cực cho tổ chức, hay tạo sự đột phá và phát triển bản thân.
Có những quan điểm cho rằng, “người đắt tiền nhất tại doanh nghiệp là người không mang lại giá trị gì cho tổ chức, nhưng mỗi ngày vẫn đến công ty và nhận lương hàng tháng”. Nếu xét về khía cạnh kinh doanh, chính những nhân viên zombie này đang kìm lại sự tăng trưởng của doanh nghiệp, đồng thời gây thiệt hại đáng kể vì họ vẫn “tiêu thụ” các tài sản của công ty mỗi ngày nhưng không mang lại giá trị nào.
Đáng nói hơn, trong bối cảnh thị trường đang ngày một cạnh tranh hơn, bất cứ doanh nghiệp nào cũng mong muốn có được đội ngũ nhân viên có sáng kiến tiên phong. Nếu đội ngũ nhân viên chỉ là những zombie hoàn thành công việc “vừa đủ”, không bao giờ suy nghĩ giải pháp để tổ chức cải tiến tốt hơn thì doanh nghiệp sẽ không bao giờ vượt qua được đối thủ, thậm chí còn bị đẩy lùi lại phía sau.
Căn bệnh “zombie” này còn đáng lo ngại hơn vì nó có sức lây lan sang những người xung quanh, trước đây trong ngành nhân sự họ vẫn sử dụng thuật ngữ, ví những nhân viên này như “quả táo thối”, có nghĩa là nếu để quả táo ấy cùng những quả táo tươi khác thì những quả tươi cũng nhanh chóng bị hư.
Để trị được căn bệnh này, theo bà cần có giải pháp như thế nào?
Để khắc phục được tình trạng này, có một phương pháp mà nhiều nhà lãnh đạo đang áp dụng hiện nay là “khai vấn”. Theo đó, người quản lý lần lượt đặt ra những câu hỏi giúp “kích hoạt” tư duy của các nhân viên zombie, giúp họ có thể tự tìm ra câu trả lời cho chính bản thân, xác định được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề mà họ đang gặp phải và tự tìm giải pháp để khắc phục chính bản thân mình.
Việc tạo động lực cũng rất quan trọng để duy trì thái độ tích cực của các nhân viên “thờ ơ”. Có rất nhiều cách như: Đưa một người có năng lượng tích cực trở thành mentor (người đồng nghiệp cố vấn) cho những nhân viên zombie; thường xuyên chia sẻ câu chuyện thực tế của bản thân để tạo sự đồng cảm và dễ dàng truyền cảm hứng cho họ hơn; liên tục tạo ra những hoạt động gắn kết các nhân viên; tạo ra những thách thức mới trong công việc. Bên cạnh đó, cần có những động lực khác về vật chất dành cho những nhân viên có tinh thần, ý tưởng luôn muốn đổi mới và phát triển tốt hơn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, vẫn xảy ra những trường hợp không thể “loại bỏ” loại virus zombie ra khỏi tư duy của nhân viên. Sau khi đã thử qua các cách nêu trên nhưng vẫn không xoay chuyển được tình thế thì cách tốt nhất là nên có một buổi trao đổi thắng thắn với nhân viên này và đề nghị họ tìm một công việc khác, nhằm tránh tình trạng về lâu về dài sẽ khiến loại virus này lây lan sang các nhân viên khác, cũng như tránh sự bất bình của đồng nghiệp xung quanh.