Năm 2014, việc đưa phân bón ra khỏi danh mục chịu thuế giá trị gia tăng tưởng có lợi mà lại trở nên bất cập

Năm 2014, việc đưa phân bón ra khỏi danh mục chịu thuế giá trị gia tăng tưởng có lợi mà lại trở nên bất cập

Thuế VAT cho phân bón: Ủng hộ sự thay đổi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Ngày 26/11/2024, dự kiến Quốc hội sẽ bấm nút thông qua dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Trong đó, quan điểm ngành phân bón cần “được” nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) ngày càng được nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội ủng hộ.

Gian nan hành trình “xin” nộp thuế

Chiều 17/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Dự thảo Luật giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa khấu trừ thuế, nhưng có 12 hàng hóa, dịch vụ (trước đó không phải nộp thuế VAT) được đưa sang diện chịu thuế, trong đó phân bón là mặt hàng chịu thuế VAT ở mức 5%.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc chuyển các hàng hóa là đầu vào sản xuất nông nghiệp (phân bón, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp) sang đối tượng chịu thuế VAT 5% sẽ góp phần tránh hiệu ứng tăng giá thành sản phẩm, tạo thuận lợi cho ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu và hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp.

Trước đó, từ khi áp dụng Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015), mặt hàng phân bón được chuyển sang diện không chịu thuế VAT, doanh nghiệp sản xuất không được hoàn thuế nên phải cộng tiền đó vào giá thành mặt hàng bán ra. Tình hình càng trở nên khó khăn khi nguyên liệu đầu vào khan hiếm và giá phân bón tiếp tục tăng do chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga - Ukraine khi hai nước này đều là nhà sản xuất phân bón lớn.

Việc đưa phân bón ra khỏi danh mục chịu thuế VAT tưởng có lợi mà lại trở nên bất cập vì làm tăng giá phân bón, trong khi đó, phân bón là nguyên liệu đầu vào không thể thiếu đối với người dân nông dân trong sản xuất nông nghiệp.

Sau khi dự thảo Luật ra đời, đưa phân bón chịu vào diện chịu thuế VAT, nhiều ý kiến ủng hộ quan điểm đánh thuế của Chính phủ với lý do trên, nhưng không ít ý kiến khác cho rằng, nên giữ nguyên phân bón trong nhóm không phải chịu thuế VAT để bảo vệ nông dân và nông nghiệp nói chung, tránh hiệu ứng tăng giá đầu vào của sản xuất nông nghiệp, dẫn đến khó cạnh tranh giá bán nông sản.

Đến Kỳ họp thứ 8, khi thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 29/10, các đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh), Phạm Thị Kiều (Đắk Nông), Lê Thị Song An (Long An), Lê Hữu Trí (Khánh Hoà)... bảo lưu quan điểm giữ nguyên diện không chịu VAT cho ngành phân bón.

Như vậy, sau hai kỳ họp Quốc hội, các biên bản thảo luận ghi nhận những ý kiến khác nhau nên Quốc hội yêu cầu Chính phủ và cơ quan thẩm tra giải trình, làm rõ cơ sở đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT.

Phân bón chịu thuế VAT sẽ “lợi cả đôi đường”

Ngày càng có nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất chuyển phân bón từ diện không chịu thuế VAT sang diện chịu thuế ở mức thuế suất 5%.

Trình bày biên bản tiếp thu, giải trình dự án Luật, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, để xử lý những bất cập trong chính sách đối với ngành sản xuất phân bón thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ như dự thảo Luật mà Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, nghĩa là chuyển phân bón từ diện không chịu thuế VAT sang diện chịu thuế với mức thuế suất 5%.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu quan điểm, thuế VAT phải có tính chất luân hồi, đầu vào và đầu ra phải đi cùng với nhau, không có nguyên lý đầu ra không chịu thuế mà đầu vào lại khấu trừ.

“Tôi nhớ, khi chúng ta làm Luật 71/2014/QH13 đưa phân bón từ diện chịu thuế VAT 5% về không chịu thuế, hồi đó ý tưởng định đưa vào, sau đó sẽ tính khấu trừ đối với doanh nghiệp, về sau không được khấu trừ nữa thì vô hình trung gây bất lợi cho doanh nghiệp”, ông An nói và cho rằng, không phải cứ áp thuế 5% thì giá sẽ tăng 5%.

Mặt khác, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu phải bình đẳng với nhau. Vì hiện nay, các nước xuất khẩu áp 10 - 20% thuế VAT với phân bón (Nga 20%, Trung Quốc 13%, Ấn Độ 13%). Nhìn chung, việc áp dụng thuế VAT 5% đối với phân bón sẽ có lợi cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, không có tác hại như một số ý kiến lo ngại.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đồng ý với phương án áp thuế VAT 5% cho phân bón, mặc dù trước đó có quan điểm ngược lại.

“Trước đây, quan điểm của tôi là nếu áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón thì nông dân sẽ thiệt thòi. Tuy nhiên, tôi thấy thuế suất thuế VAT đối với phân bón được sửa đổi năm 2014 chuyển từ 5% sang không chịu thuế đã ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, khiến nhóm này không thể cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu”, ông Hoà chia sẻ.

Điều này là không công bằng đối với sản xuất phân bón trong nước. Bởi vậy, ông Hòa đồng tình với phương án áp thuế VAT 5% đối với phân bón.

“Ngành phân bón hiện nay là loại hình bình ổn giá, cho nên nếu phân bón có lên giá thì Quỹ bình ổn giá của Nhà nước sẽ chi ra để đảm bảo phân bón không tăng cao như thời gian vừa qua”, ông Hòa nói.

Dưới góc độ chính sách thuế, ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên Thường trực Hội Tư vấn thuế Việt Nam phân tích, ví dụ giá bán sản phẩm phân bón của doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu chưa bao gồm thuế VAT là 100 đồng, trong đó giá trị đầu vào là 80 đồng, dự kiến lợi nhuận ban đầu là 20 đồng. Nếu doanh nghiệp sản xuất trong nước không được khấu trừ thuế VAT đầu vào, chi phí phải trả thêm là 8 đồng tiền thuế không được khấu trừ, dẫn đến giá thành tăng, lợi nhuận giảm. Để bảo đảm mục tiêu lợi nhuận, giá bán phải cộng 8 đồng để bù đắp chi phí thuế và giá sản phẩm đến tay người nông dân sẽ tăng lên 108 đồng.

Nghĩa là, cùng một mặt hàng, cùng giá trị đầu vào và lợi nhuận như nhau, doanh nghiệp phân bón Việt cần chi phí 108 đồng, trong khi doanh nghiệp nhập khẩu chỉ cần 100 đồng. Mặt khác, do có điều kiện cạnh tranh về giá, doanh nghiệp nhập khẩu có thể tăng giá bán lên 108 đồng, họ hưởng lợi hơn, còn người tiêu dùng có thể phải trả thêm 8 đồng do chính sách thuế. Thậm chí, do lợi thế có được từ chính sách thuế, cộng với chất lượng và hậu mãi, doanh nghiệp nhập khẩu có thể độc quyền trong dài hạn.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho hay, nhiều dữ liệu cho thấy, đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT sẽ đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân.

“Đó là hướng đi đúng đắn trong tình hình hiện nay. Doanh nghiệp có cơ hội điều chỉnh giá thành theo hướng giảm xuống để cho người nông dân được hưởng lợi là một việc làm ý nghĩa”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Trên thực tế, bản thân người nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp mong mỏi mặt hàng phân bón được nộp thuế VAT.

Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm G.C bày tỏ, doanh nghiệp mong muốn có thuế VAT đầu vào và đầu ra cho mặt hàng phân bón để tránh cơ chế hai giá cho cùng một mặt hàng.

“Nhà nước định hướng sản xuất kinh tế nông nghiệp, tức là tạo ra hàng hóa phục vụ thương mại, không chỉ để tiêu dùng. Do đó, phân bón là đầu vào của kinh tế nông nghiệp, nên mặt hàng này cần được áp thuế VAT. Bản chất VAT là thuế gián thu, doanh nghiệp phân bón thu của nông dân và nộp lại cho Nhà nước. Khi phân bón không chịu thuế VAT đầu vào, nông dân sẽ phải mua với giá thiệt hơn, vì giá thành phân bón đã cộng phần thiếu hụt VAT của doanh nghiệp phân bón. Nông sản bán ra không có thuế VAT nên không được hoàn lại, gây thiệt thòi cho người nông dân”, ông Thứ nêu quan điểm.

Bà Võ Lâm Quế, hộ trồng sầu riêng ở thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, để vườn sầu riêng có diện tích khoảng 1.500 m2 ra trái đều, sai quả, ít sâu bệnh, chi phí ban đầu cho phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khoảng 40 triệu đồng. Phân bón cho cây sầu riêng của gia đình bà Quế phần lớn là NPK nhập khẩu do có giá thành thấp hơn phân bón trong nước, dù biết là phân bón nhập khẩu nhanh tan, cây hấp thụ nhanh thì có hại lâu dài cho đất.

“Chúng tôi mong giá phân bón trong nước có giá thành tương đương giá phân bón nhập khẩu để có thể sử dụng, vừa có hiệu quả cho cây, vừa có chi phí đầu tư hợp lý, đồng thời giúp tái tạo chất đất lâu dài”, bà Quế nói.

Tin bài liên quan