Điều kiện đặt ra với ứng viên tham gia vị trí trên không quá khó khăn, có ít nhất 3 năm công tác trong lĩnh vực cơ khí, có kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp, nếu là người nước ngoài phải biết tiếng Việt, còn người Việt tất nhiên phải biết ngoại ngữ... Vậy mà đăng tuyển thông báo từ tháng 7/2007 mãi tới cuối tháng 1/2008, quy trình tuyển chọn mới hoàn tất, số hồ sơ nộp về Vinamotor cũng không nhiều chỉ 2 - 3 bộ, có ứng viên nước ngoài sau khi tìm hiểu môi trường làm việc đã quyết định rút lui. Tình huống này tương tự giống với Tổng công ty Thiết bị điện Việt
Thuê tổng giám đốc cho các tổng công ty là một yêu cầu khách quan trong việc đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Với năng lực của mình, những vị tổng giám đốc được thuê sẽ tạo nên bước phát triển mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước. Thực hiện được điều này, sẽ góp phần tách hoàn toàn ranh giới giữa người đại diện chủ sở hữu vốn của Nhà nước (chủ tịch HĐQT) với người điều hành doanh nghiệp (tổng giám đốc, giám đốc). Vậy tại sao vị trí từng được nhiều người mơ ước và coi như một địa vị xã hội cần vươn tới lại không thu hút được sự quan tâm mặn mà của những người tài? Câu trả lời nằm ở những rào cản mà nhiều ứng viên không dễ vượt qua.
Thông thường, tổng giám đốc có toàn quyền xây dựng bộ máy giúp việc cho mình như bổ nhiệm các phó giám đốc, trưởng phó phòng, ban. Tuy nhiên, ở các doanh nghiệp nhà nước lớn, rất nhiều vị trí tổng giám đốc khó có thể can thiệp do còn liên quan đến tổ chức đảng, đoàn thể. Có nơi, phó tổng giám đốc lại kiêm bí thư đảng uỷ, trong trường hợp hai người đứng đầu doanh nghiệp bất đồng quan điểm, tổng giám đốc nhiều khi không có quyền bác bỏ ý kiến của cấp phó. Riêng việc quyết định xem liệu tổng giám đốc được thuê có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm các phó tổng giám đốc, trưởng phó phòng, ban cũng mất rất nhiều buổi họp tại Vinamotor và phương án cuối cùng là tổng giám đốc chỉ có thể đưa ra phương án đề xuất để các cấp có thẩm quyền cao hơn xem xét, quyết định. Nhân sự quyết định rất lớn đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh, nếu không được trao quyền điều động cán bộ, liệu tổng giám đốc có thực quyền?
Một vấn đề nữa là cơ chế ra quyết định tại doanh nghiệp nhà nước khá vòng vèo, trình lên sửa xuống nhiều khi lại thành quá chậm trễ và lỡ mất cơ hội kinh doanh. Chưa nói đến việc lâu nay doanh nghiệp nhà nước thường phải lãnh nhiệm vụ công ích, có nghĩa nhiều khi thực hiện dự án không phải vì mục tiêu lợi nhuận. Trong trường hợp như vậy, ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu dự án đó ảnh hưởng nhiều đến tình hình sản xuất - kinh doanh hay khi doanh nghiệp thực hiện cơ chế thuê tổng giám đốc thì mọi trách nhiệm xã hội (do tổng công ty vốn được hưởng nhiều đặc quyền) được miễn giảm.
Đặc biệt, cung cách làm việc, ra quyết định và chịu trách nhiệm tập thể vốn ăn sâu ở nhiều doanh nghiệp nhà nước khó có thể tạo điều kiện làm việc hiệu quả cho tổng giám đốc được thuê, doanh nghiệp khó tạo được không gian, quyền tự do kinh doanh cho họ. Thế mới có chuyện doanh nghiệp dân doanh mong được đối xử bình đẳng như quốc doanh, nhưng giám đốc doanh nghiệp quốc doanh lại mong có quyền hành như khối dân doanh.
Với những vướng mắc như trên, một mình doanh nghiệp nhà nước khó có thể tự giải quyết, vì vậy để một chủ trương đúng đắn đi vào cuộc sống, cần nhanh chóng tháo gỡ những rào cản tồn tại lâu nay. Thuê tổng giám đốc, giám đốc là một việc không phải mới lạ gì đối với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài và các doanh nghiệp tư nhân, tại sao lại quá gian nan với doanh nghiệp nhà nước. Ngoài 2 tổng công ty đã có tổng giám đốc vốn là người trong nhà, liệu 3 doanh nghiệp nhà nước lớn còn lại là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy, Tổng công ty Thuỷ tinh Gốm xây dựng và Tổng công ty Xây dựng Sông Hồng có thể thuê được tổng giám đốc hay không vẫn còn bỏ ngỏ.