Thuế tối thiểu toàn cầu: Vốn ngoại vào Việt Nam chỉ bị ảnh hưởng ngắn hạn

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 29/11/2023, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Nghị quyết 107/2023/QH15 (Nghị quyết) quy định áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thuế tối thiểu toàn cầu).
Thuế tối thiểu toàn cầu: Vốn ngoại vào Việt Nam chỉ bị ảnh hưởng ngắn hạn

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 và áp dụng từ năm tính thuế 2024. Theo đó, mức thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam được áp dụng là 15% với các doanh nghiệp được xem là đơn vị cấu thành của các tập đoàn đa quốc gia ghi nhận doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (tương đương khoảng 800 triệu USD) trong 2 năm của 4 năm liền kề.

Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoạt động tại Việt Nam, Nghị quyết đã quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT).

Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động đến dòng vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt với các tập đoàn lớn, khi làm giảm hiệu lực các chính sách ưu đãi thuế tại Việt Nam. Việt Nam đang áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông ở mức 20%.

Thông qua các chính sách ưu đãi thuế nhằm thu hút và thúc đẩy đầu tư, các mức thuế suất thực tế áp dụng cho doanh nghiệp ưu đãi sẽ ở mức dưới 15% hoặc miễn thuế. Theo đó, QDMTT sẽ đưa các mức thuế suất thực tế về 15% và gia tăng gánh nặng thuế cho một số đối tượng doanh nghiệp FDI đang hưởng ưu đãi. Tổng cục Thuế ước tính, có khoảng 120 tập đoàn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng từ thuế tối thiểu toàn cầu.

Gánh nặng thuế từ thuế tối thiểu toàn cầu cũng sẽ được các tập đoàn cân nhắc trong quá trình đầu tư cũng như mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong tương lai.

Tại thời điểm này, ít nhất 2 ảnh hưởng từ thuế tối thiểu toàn cầu lên dòng vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam có thể được nhận diện.

Thứ nhất, thuế tối thiểu toàn cầu có thể ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế các địa phương thuộc diện khuyến khích đầu tư, khi ưu đãi thuế vẫn được xem là công cụ chính thu hút đầu tư.

Thứ hai, các ngành nghề thuộc chính sách định hướng phát triển (như bán dẫn, công nghệ cao) cũng như các dự án quy mô lớn cũng sẽ phải đối mặt với các thách thức từ thuế tối thiểu toàn cầu khi không còn lợi ích từ ưu đãi thuế.

Tuy nhiên, cần xem xét thuế tối thiểu toàn cầu trên phương diện tập đoàn khi thuế suất tối thiểu 15% trên từng quốc gia vẫn được xem là không thể tránh khỏi và chỉ phát sinh khác biệt tại cơ quan thuế nhận thuế bổ sung.

Mức thuế thu nhập doanh nghiệp 15% sẽ được áp dụng rộng rãi và được xem là “bình thường mới” trong thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu.

Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi thuế cũng không hoàn toàn là ưu thế duy nhất cho quyết định đầu tư. Việt Nam vẫn giữ được các lợi thế nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài như nhân lực chuyên môn giá rẻ, ổn định chính trị, cũng như môi trường đầu tư thân thiện. Việt Nam cũng đồng thời hưởng lợi từ xu thế chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc...

Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam cũng cam kết đánh giá tác động từ thuế tối thiểu toàn cầu và đưa ra các biện pháp khắc phục thích hợp nhằm duy trì năng lực cạnh tranh.

Vẫn còn một chặng đường dài để có một tầm nhìn thực tế về thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam và các quy định và hướng dẫn liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu vẫn còn đang trong quá trình xây dựng, song cần lưu ý rằng, thuế tối thiểu toàn cầu là không thể tránh khỏi. Thuế này có thể chỉ tạo ra một số ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong ngắn hạn.

Tin bài liên quan