Thuế tối thiểu toàn cầu và hướng định vị lại chiến lược thu hút FDI

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) "Đã đến lúc Việt Nam cần nhìn nhận lại chiến lược thu hút FDI", nhận định này được ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra trong bối cảnh quá trình tái cấu trúc dòng vốn FDI cũng như thương mại toàn cầu đang diễn ra.

Theo ông Nguyễn Minh Cường, hiện quá trình tái cấu trúc dòng vốn FDI cũng như thương mại toàn cầu đang diễn ra do sự gia tăng của mâu thuẫn địa chính trị đang xuất hiện rất rõ. Thêm vào đó, trong quá trình bất ổn, xung đột địa chính trị diễn ra đã tạo nên những cực thương mại và đầu tư mới ở châu Á và trên thế giới. Trong đó, một cực đang nổi lên với mức thu hút FDI rất mạnh là Ấn Độ.

Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

Để thu hút FDI, Ấn Độ đã miễn giảm thuế cho các dự án đầu tư mới trên 100 triệu USD và dành ra hơn 460.000 ha đất “sạch” để thu hút các hãng sản xuất từ Trung Quốc dịch chuyển về. Diện tích đất “sạch” mà quốc gia này thiết lập có thể so sánh bằng 6 lần diện tích Singapore và gấp đôi diện tích của Luxembourg. Ngoài ra, Ấn Độ chọn 10 vùng trung tâm công nghiệp sản xuất tại 9 bang, với 100 khu công nghiệp nổi tiếng để giới thiệu cho 600 công ty nổi tiếng trên thế giới.

Ấn Độ cũng đã cho ra đời Chương trình khuyến khích liên kết cho sản xuất điện tử quy mô lớn (PLI) để thu hút các nhà sản xuất điện thoại thông minh và linh kiện điện tử với ưu đãi thuế, phí từ 4-6%. Samsung được xem là một trong những cái tên đi đầu trong việc đầu tư vào Ấn Độ. Ông lớn này đã đưa ra kế hoạch sản xuất điện thoại thông minh trị giá hơn 40 tỷ USD trong vòng 5 năm tới tại quốc gia này. Apple, kỳ phùng địch thủ của Samsung cùng với các đối tác Foxconn và Pegatron đang tăng cường sản xuất các mẫu iPhone giá rẻ tại đây.

Trong khi đó tại Việt Nam, theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, trong quý I/2023, vốn FDI chảy vào Việt Nam giảm mạnh chỉ bằng hơn một nữa so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 5,45 tỷ USD, bằng 61,2% so với cùng kỳ.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, nguyên nhân của sự sụt giảm này là do trong 3 tháng năm 2022 có sự gia tăng đột biến với việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án LEGO, với tổng vốn đăng ký 1,32 tỷ USD. Riêng dự án này đã chiếm tới 41% tổng vốn đăng ký mới trong 3 tháng năm 2022.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Cường cho rằng, ngoài nguyên nhân do nhu cầu trên thế giới có sự sụt giảm, các nền kinh tế cung cấp vốn FDI cho Việt Nam đang đứng trước nguy cơ suy thoái thì còn cần thêm thời gian theo dõi để trả lời câu hỏi rằng liệu việc tái cấu trúc dòng vốn FDI và thương mại toàn cầu có phải nguyên nhân đằng sau sự sụt giảm này hay không? Và nếu đúng thì chiến lược ứng phó của Việt Nam là như thế nào?

Ông Cường nhận định, Việt Nam phải chuyển nhanh trên cái mức thang giá trị của chuỗi sản xuất và chiến lược thu hút FDI của Việt Nam cũng sẽ phải thay đổi.

"Từ những chính sách thu hút FDI tương đối tập trung vào những tập đoàn lớn, tập trung vào các biện pháp giảm thuế, giãn thuế..., tất cả có thể sẽ không còn phù hợp trong thời gian tới", ông Cường nhận định và cho rằng, điều đó là bởi vì mức thuế tối thiểu 15% toàn cầu sẽ khiến Việt Nam mất đi những lợi thế đó.

Bên cạnh đó, ông Cường chia sẻ thêm, trong khu vực kinh tế tư nhân, Việt Nam đang thiếu nhất là doanh nghiệp vừa. Việt Nam có tới 5 triệu hộ kinh tế gia đình và khoảng 800.000 các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, trong khi đó doanh nghiệp vừa chiếm rất ít. Vậy nên cần tập trung các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp ở quy mô này.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp FDI cũng ưu tiên đầu tư cho các hoạt động sản xuất xanh và chuyển đổi năng lượng sạch và sản xuất giá trị cao. Đây cũng là một hướng đi cần tập trung trong thời gian tới.

"Đã đến lúc Việt Nam cần nhìn nhận lại chiến lược thu hút FDI để cân nhắc các chính sách phù hợp và chuyển hướng đến sản xuất xanh, sạch và công nghệ cao", ông Cường nhấn mạnh.

Tin bài liên quan