Ảnh minh hoạ
Chuyển đổi sang xe thuần điện chạy pin (BEV) là một xu thế và một trong những lĩnh vực đầu tư tiềm năng của Việt Nam, với sự góp mặt của nhiều hãng xe mới nổi trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, chuyển đổi xe BEV còn đối mặt với nhiều khó khăn, nổi bật nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng trạm sạc cũng như tình trạng thiếu điện, cơ cấu nguồn cung điện còn phụ thuộc nhiều vào năng lượng hóa thạch, và thói quen của người tiêu dùng.
Trong khi đó, với dòng xe lai HEV hoàn toàn (Full HEV) có các chức năng tắt – khởi động động cơ (‘Stop-start’), hệ thống phanh tái sinh và mô-tơ điện dẫn động (trong đó, riêng mô-tơ điện có khả năng đẩy xe từ trạng thái đứng yên) giúp tiết kiệm khoảng 30% nhiên liệu sử dụng hay dòng xe lai sạc ngoài (PHEV) cũng tiết kiệm khoảng khoảng 50% nhiên liệu sử dụng, từ đó giảm lượng phát thải CO2 tương ứng có thể giải quyết được ngay các khó khăn trên trong giai đoạn ngắn và trung hạn.
Tuy nhiên do mức giá bán hiện nay của những dòng xe này cao hơn xe động cơ đốt trong nên tỷ lệ sử dụng xe còn rất thấp. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, VAMA cũng cho hay, nhiều quốc gia đã và đang ban hành chính sách ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cho các dòng xe hybrid trong giai đoạn chuyển đổi để kích cầu và thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân đối với xe hybrid, như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ hay Nhật Bản.
Các chuyên gia cũng cho rằng, khi có sự hấp dẫn về giá xe hybrid nhờ giảm thuế TTĐB, doanh số tăng lên cũng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành ô tô đầu tư nguồn lực để cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất, mở rộng liên kết chuỗi cung ứng góp phần tạo ra nhiều việc làm mới, cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như cơ sở hạ tầng, tăng an sinh xã hội.
Trong một nghiên cứu của KPMG cũng cho thấy, khi áp dụng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB cho xe hybrid theo đề xuất của VAMA trong giai đoạn 2026-2030, mức thu Ngân sách Nhà nước hàng năm giảm khoảng 5.000 tỷ đồng (tương đương 0,35% tổng thu thuế hàng năm). Tuy nhiên, khoản giảm thu ngân sách nhà nước này hoàn toàn được bù đắp từ tiết kiệm chi phí nhiên liệu (26.000 tỷ đồng), từ tiết kiệm chi phí dầu thô nhập khẩu (28.000 tỷ đồng) và nguồn thu từ tín chỉ các bon (333 tỷ đồng).
Vì vậy, VAMA đề xuất chính sách khuyến khích hơn nữa từ Chính phủ, giảm thuế suất thuế TTĐB cho xe hybrid là phù hợp với xu hướng ngành ô tô và lộ trình chuyển đổi từ xe động cơ đốt trong sang xe thuần điện (BEV) trong giai đoạn hiện nay; theo đó áp dụng ưu đãi thuế TTĐB đối với xe HEV bằng 70% mức thuế suất áp dụng cho xe chạy bằng xăng, dầu cùng loại (hiện tại là 100%) và đối với PHEV bằng 50% mức thuế suất áp dụng cho xe chạy bằng xăng, dầu cùng loại (hiện tại là 70%).
Thứ hai, duy trì ổn định chính sách thuế TTĐB đối với các dòng xe truyền thống như xe pickup (bán tải) chở hàng cabin kép để tạo nguồn lực cho doanh nghiệp, bảo đảm nguồn thu ngân sách cũng như chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư của Việt Nam.
Để các doanh nghiệp có thể duy trì, nuôi dưỡng nguồn lực phục vụ chuyển đổi xanh trong giai đoạn này, chính sách thuế TTĐB với các dòng xe truyền thống, nhất là xe pickup chở hàng cabin kép cần được ổn định lâu dài. Thiết kế của xe có gầm cao, chịu tải tốt, có thùng hàng phía sau được ngăn cách với khoang chở người. Mặc dù xe có 5 chỗ kể cả chỗ người lái, nhưng thiết kế hàng ghế sau chỉ để người sử dụng “tận dụng” chở người, do đó hàng ghế không tiện nghi đủ để làm xe chở người (ghế cố định cứng, không ngả ra sau được vì tựa vào khoang để chở hàng).
Với các đặc điểm và công năng đặc thù, xe pickup chở hàng cabin kép là phương tiện đa dụng, chạy được trên nhiều loại địa hình và có tính ứng dụng cao trong thực tế, có khả năng chịu tải tốt nhưng kích thước nhỏ hơn xe tải. Xe thường được những nhóm khách hàng đặc thù sử dụng cho mục đích vận tải hàng hóa tại các vùng có địa hình núi cao, hiểm trở, khó tiếp cận bởi các loại ô tô con hoặc ô tô tải khác. Vì vậy theo số liệu trong 5 năm qua, trên 70% người sử dụng xe pickup chở hàng cabin kép đến từ các khu vực địa phương, chủ yếu vận chuyển hàng hóa cho gia đình, tổ chức cá nhân kinh doanh. Nhiều hoạt động công vụ chuyên ngành của các Bộ, ngành tại một số vùng địa bàn cá biệt cũng sử dụng xe pickup chở hàng cabin kép. Trong đợt dịch Covid-19, xe pickup chở hàng cabin kép cũng là phương tiện chủ chốt trong việc vận chuyển hàng thiết yếu và thiết bị y tế tới các vùng dịch khó tiếp cận.
Tuy có nhiều ưu điểm thuận tiện cho sử dụng, xe pickup chở hàng cabin kép chỉ chiếm một lượng nhỏ (khoảng 5% thị phần), vì một số hạn chế như sau: (i) thiết kế và nội thất không phải là dòng xe hạng sang xa xỉ, (ii) niên hạn chỉ 25 năm, (iii) những người sử dụng xe pickup chủ yếu có thu nhập trung bình, rất nhạy cảm với giá thành. Nếu tăng sốc thuế TTĐB một lần với dòng xe này sẽ tác động mạnh tới người dùng khi giá bán tăng vọt, sản lượng bán hàng giảm khiến doanh thu giảm sút, nguồn lực của Doanh nghiệp bị thu hẹp nghiêm trọng, làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước về dài hạn. Một chính sách cần có sự tính toán đến tác động nhiều chiều tới doanh nghiệp, xã hội, người tiêu dùng và sự phát triển kinh tế - xã hội, chính sách thu hút đầu tư.
Với kịch bản tăng trưởng như hiện nay, việc tăng thuế suất thuế TTĐB như đề xuất trong dự thảo dự kiến sẽ có nhiều tác động bất lợi như giảm 21% thu ngân sách nhà nước (ước tính 7.700 tỷ đồng trong giai đoạn 2026-2030), giảm 36% lượng tiêu thụ trên thị trường ô tô. Điều này ngay lập tức tác động tiêu cực đến sự phục hồi của các doanh nghiệp, đến kế hoạch sản xuất và mục tiêu đầu tư dài hạn vào dây chuyền sản xuất, và làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự ổn định chính sách và môi trường đầu tư của Việt Nam.
Trong giai đoạn chuyển đổi xanh, các nhà lập pháp nên chăng cân nhắc mọi cơ hội, giải pháp để vừa bảo đảm nguồn thu ngân sách vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư cho các doanh nghiệp ô tô, đưa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn, phù hợp lòng dân và quyền lợi kinh tế xã hội.