Thuế thu nhập làm khó quỹ đầu tư

Thuế thu nhập làm khó quỹ đầu tư

Trong khi UBCK khuyến khích việc thành lập các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp nhằm hướng tới sự phát triển bền vững cho thị trường, thì chính sách thuế hiện hành lại khuyến khích NĐT cá nhân tự thực hiện kinh doanh chứng khoán, thay vì uỷ thác cho các nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp thực hiện đầu tư. Bên cạnh đó, quỹ trong nước, quỹ nước ngoài lại có công thức tính thuế khác nhau, điều này gây không ít thắc mắc cho NĐT.

Bà Đặng Thị Hồng Phương, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ chứng khoán Sài Gòn cho biết, trong khi thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chứng khoán vẫn chưa áp dụng và sẽ được lùi thời hạn áp dụng khi Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực vào ngày 1/1/2009, thì thuế thu nhập cho hoạt động quản lý quỹ đầu tư được áp dụng ở mức 20% (đối với quỹ) và 28% (đối với công ty quản lý quỹ). Chính sách thuế này đã khuyến khích NĐT cá nhân tự thực hiện kinh doanh chứng khoán, thay vì uỷ thác cho các quỹ chuyên nghiệp. Thêm vào đó, mặt bằng thuế giữa quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài hoạt động tại Việt Nam chưa thống nhất, khi các quỹ nước ngoài được áp thuế 0,1% tổng giá trị cổ phiếu bán. Cụ thể, NĐT tổ chức nước ngoài (pháp nhân được thành lập theo pháp luật nước ngoài) thì áp dụng thuế khoán: thuế thu nhập chứng khoán = tổng giá trị bán x 0,1%). NĐT là pháp nhân trong nước thì thu nhập tính thuế = doanh thu bán chứng khoán - giá trị mua chứng khoán - chi phí. Số thuế phải nộp bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất 20% (theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp).

Phương pháp tính thuế không đồng nhất cho mọi đối tượng đã tạo một sân chơi không bình đẳng trong việc thực thi nghĩa vụ nộp thuế. Nhiều pháp nhân trong nước có hoạt động đầu tư chứng khoán (thường là những doanh nghiệp không có bộ máy tổ chức bài bản) tìm cách lách thuế để tránh việc phải đóng thuế cao như giao tiền cho cá nhân kinh doanh chứng khoán để được miễn thuế, hay việc mua bán cổ phiếu OTC thường kê giá mua cao, giá bán thấp trong các hợp đồng mua bán với cá nhân nhằm tạo thu nhập lỗ hoặc lãi ít.

Các NĐT thành lập quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty chuyên đầu tư chứng khoán phải chịu thuế cao rất nhiều so với cá nhân, vì vậy trên thực tế họ không thích thành lập pháp nhân, mà chỉ muốn đầu tư cá nhân để không bị thu thuế. TTCK hoạt động được 8 năm nhưng đến nay, Việt Nam mới chỉ có 15 công ty quản lý quỹ và 20 quỹ đầu tư chứng khoán. Đây là con số quá ít ỏi nếu so với các ngành khác có hàng ngàn doanh nghiệp. Con số cũng quá nhỏ nếu nói về quy mô vốn của các quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam . "Tổng quy mô vốn của các quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam chỉ bằng các quỹ của một công ty quản lý quỹ nước ngoài có mặt tại Việt Nam ở quy mô vừa. Lực lượng NĐT tổ chức trong nước còn yếu, chưa thể đóng vai trò dẫn dắt TTCK, dẫn tới tâm lý đầu tư theo phong trào hay tâm lý bầy đàn đang ở thế áp đảo", ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các NĐT tài chính (VAFI) nhận xét.

Trước những bất cập như vậy, mới đây các NĐT tổ chức, hội viên của VAFI đã họp bàn thống nhất kiến nghị tới Bộ Tài chính - cơ quan đang lấy ý kiến đóng góp sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Thực tế, trên thị trường thời gian qua cho thấy, đầu tư chứng khoán là một hoạt động đầy rủi ro, chỉ chưa đầy 1 tháng sau Tết Nguyên đán, nhiều loại chứng khoán đã giảm giá trên 50%, hầu hết NĐT bị thua lỗ, vì vậy tính toán mức thuế suất hợp lý là điều các tổ chức mong mỏi được hỗ trợ. Bên cạnh đó, các NĐT khuyến nghị, tất cả các nhóm đối tượng đều phải tham gia trên một sân chơi, đều được bình đẳng về kinh doanh cũng như nghĩa vụ nộp thuế và cần phải có một phương pháp tính thuế thống nhất.

Vậy nên tính theo phương pháp nào? Trên thế giới, hiện phổ biến 2 phương pháp: thứ nhất, thuế khoán được tính trên giá bán với một mức thuế suất phù hợp với tình hình phát triển của TTCK từng nước; thứ hai, thuế = (giá bán - giá mua trung bình ) x thuế suất. Phương pháp này có ưu điểm so với phương pháp trên là khi bị lỗ thì NĐT chịu thuế thấp hơn. Cả 2 phương pháp đều tính trên một lần giao dịch bán chứng khoán để tiện cho công tác thu thuế và kiểm tra thuế. Tuy nhiên, phương pháp thứ hai phù hợp khi thị trường OTC được quản lý chặt chẽ và có lưu giữ giá mua, giá bán chứng khoán hàng ngày tại sở giao dịch chứng khoán để thuận lợi cho công tác tính thuế và kiểm tra thuế.

Với tình hình thực tế ở Việt Nam, VAFI đề xuất, trong giai đoạn hiện nay của TTCK, khi mà thị trường OTC chưa đi vào hoạt động thì nên áp dụng phương thức thuế khoán cho mọi đối tượng đầu tư chứng khoán, còn về mức thuế suất sẽ được điều chỉnh tăng theo sự phát triển ổn định của TTCK trong từng thời kỳ. Đại diện Bộ Tài chính có mặt tại cuộc họp trên cũng ghi nhận ý kiến của NĐT và sẽ tổng hợp để trình lãnh đạo Bộ xem xét.