Chênh lệch thuế nhập khẩu lớn khiến cho giá cơ sở ở mức cao đã kéo theo giá bán lẻ xăng dầu trong nước không thấp. (Ảnh minh họa)

Chênh lệch thuế nhập khẩu lớn khiến cho giá cơ sở ở mức cao đã kéo theo giá bán lẻ xăng dầu trong nước không thấp. (Ảnh minh họa)

Thuế nhập khẩu xăng dầu đang gây bất lợi cho người tiêu dùng?

Việc Bộ Tài chính đang áp mức thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở đối với mặt hàng xăng dầu là không đúng với theo quy định pháp lý.
Theo các Hiệp định FTA song phương và đa phương đã kí kết, Việt Nam đang thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo các mức khác nhau. Đối với xăng là 20% nhập từ ASEAN và 10% nhập từ Hàn Quốc; tương tự đối với các mặt hàng dầu là 0% và 5%.
Tuy nhiên, theo Thông tư số 48/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 17/3/2016 lại áp mức thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng là 20% và các mặt hàng dầu là 7%. Đồng thời, trong Văn bản số 189/BTC-QLG của Bộ Tài chính cũng quy định, áp mức thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu là thuế nhập khẩu bình quân gia quyền theo sản lượng nhập khẩu từ các nguồn khác nhau, lấy số liệu quý trước tính cho quý sau.
Do đó, hiện mức thuế nhập khẩu xăng dầu đang áp dụng cho quý II/2016 (Văn bản 4536/BTC-QLG ngày 5/4/2016) để tính giá cơ sở cho mặt hàng xăng dầu là 18,35% đối với xăng; 2,32% đối với dầu diezel và 0% đối với dầu mazut. Việc Bộ Tài chính áp mức nhập khẩu bình quân gia quyền này đã bộc lộ những bất cập lớn, đặc biệt là cách áp mức thuế nhập khẩu xăng dầu như hiện nay đã gây nên chênh lệch lớn, ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng.

Theo ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, nếu xét trên cơ sở pháp lý thì tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, tại Mục 9, Điều 3 có quy định: Giá cơ sở là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước; Giá cơ sở bao gồm 11 yếu tố trong đó có thuế nhập khẩu.

Cũng tại Chương II, Thông tư Liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC (Liên Bộ Tài chính – Công Thương) về phương pháp tính giá cơ sở để quy định giá cơ sở cũng bao gồm 11 yếu tố trong đó có thuế nhập khẩu.

“Như vậy, Nghị định 83 và Thông tư Liên tịch số 39 đều đã quy định và hướng dẫn cụ thể chi tiết, minh bạch từng yếu tố, không quy định thuế nhập khẩu bình quân gia quyền theo quý để hình thành giá cơ sở. Cho nên, Bộ Tài chính điều hành bằng cách áp thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở đối với mặt hàng xăng dầu là không đúng với Nghị định 83 và Thông tư Liên tịch số 39”, ông Ruệ khẳng định.

Cách áp thuế nhập khẩu xăng dầu bình quân gia quyền đã không phản ánh được đầy đủ diễn biến giữa giá thế giới và giá trong nước. - Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam
Cũng theo ông Phan Thế Ruệ, trên thực tế, khi Bộ Tài chính cho áp thuế theo Văn bản 4536/BTC-QLG ngày 5/4/2016, với mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền 18,35% đối với xăng và 2,32% đối với dầu diezel đã khiến mức chênh lệch thuế nhập khẩu lớn khiến cho giá cơ sở ở mức cao, kéo theo giá bán lẻ xăng dầu cũng ở mức cao. Điều này không có lợi cho người tiêu dùng và nếu bất cập này không được xử lý sẽ ngày càng gây bức xúc cho dư luận xã hội.

Hơn nữa, theo ông Ruệ, cách áp thuế nhập khẩu xăng dầu bình quân gia quyền đã không phản ánh được đầy đủ diễn biến giữa giá thế giới và giá trong nước. Cụ thể, trong kì điều hành đầu tiên của quý II/2016, cơ quan điều hành đã phải áp dụng trích Quỹ Bình ổn giá từ mức 983 đồng/lít lên mức 1.017 đồng/lít mới giữ nguyên được giá bán lẻ xăng dầu.

“Tính công khai, minh bạch của cách áp thuế nhập khẩu bình quân gia quyền không thuyết phục được người tiêu dùng cũng như giới chuyên gia, các phương tiện truyền thông và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Điều này khiến dư luận cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn đang dùng những biện pháp hành chính để can thiệp vào thị trường xăng dầu, trong khi Nghị định 83 và Thông tư Liên tịch số 39 đã có những quy định và hướng dẫn cụ thể”, ông Ruệ chỉ rõ.

Trước những thực trạng bất cập trong cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu như hiện nay, ông Phan Thế Ruệ cho biết, ngày 22/6 vừa qua, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính thực hiện mức thuế nhập khẩu đối với xăng là 10% theo FTA Việt Nam – Hàn Quốc. Đối với mặt hàng dầu là 0% theo ATIGA và áp mức thuế này vào tính giá cơ sở để điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu.

Ông Ruệ cũng cho biết, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam còn đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu để trình cơ quan có thẩm quyền sớm điều chỉnh một số sắc thuế nội địa của sản phẩm xăng dầu, nhằm bù đắp thiếu hụt do giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình cắt giảm thuế theo cam kết.

“Năm 2017 có thể tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường theo tỷ lệ phù hợp với mức độ giảm thuế nhập khẩu. Việc tăng 2 sắc thuế này theo tỷ lệ phù hơn sẽ đảm bảo ổn định giá bán lẻ, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, duy trì nguồn thu ngân sách nhà nước, tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp xăng dầu”, ông Ruệ cho hay.

Cũng theo ông Ruệ, khi Việt Nam thực hiện các FTA, các nhà nhập khẩu Việt Nam sẽ tập trung vào các nguồn có ưu đãi thuế nhập khẩu thấp nhất như FTA Việt Nam – Hàn Quốc, ATIGA. Vì vậy, khả năng đáp ứng nhu cầu cho các nhà nhập khẩu Việt Nam là rất lớn.

Trong khi đó, Nhà máy Lọc Hóa dầu Bình Sơn đang cung cấp khoảng 30% sản lượng xăng dầu, Việt Nam chỉ phải nhập khẩu khoảng 70%. Đến năm 2017, khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, năng lực sản xuất xăng dầu trong nước sẽ đáp ứng được nhu cầu cho những năm tới. Thêm vào đó, theo Nghị định 83, các đầu mối phải dự trữ bắt buộc 30 ngày cộng với khoản dự trữ quốc gia thì hoàn toàn sẽ đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

Tin bài liên quan