Thuế chứng khoán: Cần tạo điều kiện cho toàn dân tham gia

Việc nộp thuế chứng khoán, tôi không có gì thắc mắc, nhưng cách tính thuế như thế nào thì từ thực tế qua hơn một năm tham gia thị trường, tâm tư của tôi có những vấn đề còn băn khoăn. Nay, qua Báo ĐTCK, tôi xin mạnh dạn giãi bày, mong cơ quan chức năng có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Theo tôi hiểu, đây là thuế thu nhập cá nhân và tính thuế vào phần lãi NĐT thu được. Nếu đúng là như vậy thì tôi xin có ý kiến về 2 phương án nộp thuế như sau:

Về phương án nộp 0,1% cho mỗi lần chuyển nhượng, việc nộp này không đúng với ý nghĩa là thuế thu nhập cá nhân, vì không phải lúc nào bán cũng có lãi như khi cần thu hồi vốn, cắt lỗ, thay đổi cơ cấu đầu tư... Ngoài ra, nó làm giảm tính thanh khoản của thị trường.

Đối với phương án nộp 20%/năm lợi nhuận, tôi không có ý kiến gì về tỷ lệ 20%, nhưng phương án này không phù hợp với các NĐT nhỏ lẻ, ở xa CTCK. Tôi xin dẫn chứng các phương án chi phí cụ thể mà NĐT buộc phải chọn như sau:

Một, hàng ngày đến CTCK bằng một tuyến xe buýt, cả đi lẫn về mất tối thiểu là 6.000 đồng/ngày, 1 tháng là 120.000 đồng.

Hai, thông qua dịch vụ nhắn tin, để biết giá của một mã chứng khoán trong phiên giao dịch là 6.000 đồng, một tháng là 120.000 đồng.

Ba, mua Báo ĐTCK và Bản tin chứng khoán (chỉ tính bản tin của sàn Hà Nội), một tháng khoảng 130.000 đồng.

Như vậy, cả 3 phương án đều có mức chi phí xấp xỉ nhau, nhưng từng phương án đều có nhược điểm mà một mình nó không thể khắc phục, đó là: phương án 1, NĐT ở nông thôn, ở xa không thể có thời gian để hàng ngày đến CTCK (chỉ có thể lựa chọn CTCK gần nhất để mở tài khoản), đồng thời không thể lưu giữ được số liệu, trong khi muốn đầu tư tốt cần phải theo dõi liên tục; phương án 2, không theo dõi được toàn thị trường, chỉ biết giá 1 - 2 mã chứng khoán (nếu không muốn tăng chi phí), đồng thời không lưu giữ được dữ liệu toàn thị trường; phương án 3, tin tức mọi mặt, kể cả giá cả, thường chậm, không kịp thời.

Trong khi đó, một NĐT phải biết toàn cảnh thị trường, phải biết và lưu giữ những sự biến động không phải chỉ của một vài mã cổ phiếu, một vài công ty, mà là của nhiều mã chứng khoán, của nhiều công ty, nếu không muốn nói là tất cả và nói chung cần biết rất nhiều thông tin liên quan thị trường.

Như vậy, NĐT buộc phải chọn 2 trong 3 phương án trên, chi phí khoảng 250.000 đồng/tháng, 3 triệu đồng/năm. Nếu so sánh với NĐT nắm giữ 1.000 cổ phiếu với mức giá 15.000 đồng/CP thì tỷ lệ chi phí là 20%. Với số vốn ít ỏi của người dân vùng nông thôn, nhất là lại tiết kiệm từ đồng lương, thì việc bỏ ra 15 triệu đồng đầu tư vào cổ phiếu không phải nhỏ. Do đó, để TTCK là thị trường đại chúng, như cái tên chung của các công ty niêm yết là công ty đại chúng, thì cần phải tạo điều kiện cho toàn dân tham gia.

Nên chăng, cơ quan chức năng quy định số lượng cổ phiếu NĐT nắm giữ hoặc lợi nhuận thu được từ bao nhiêu phần trăm trở lên thì đánh thuế. Việc trừ các khoản chi phí cũng nên có quy định cụ thể, hợp lý hơn, chẳng hạn khoảng cách từ nhà đến nơi NĐT mở tài khoản bao nhiêu km trở lên thì được trừ thêm một khoản chi phí.