“Thực túc, binh cường” và nền kinh tế độc lập, tự chủ

“Thực túc, binh cường” và nền kinh tế độc lập, tự chủ

(ĐTCK) Cách đây 72 năm, bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và công bố trước toàn thế giới tại Quảng trường Ba Đình lịch sử đã mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam. Lần đầu tiên, người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu, tự hào trở thành công dân của một nước tự do và độc lập.

Có thể nói, độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để một dân tộc, một quốc gia bắt tay xây dựng cuộc sống tự chủ. Nhưng tự chủ không có nghĩa là khép lại, mà là tự lực, tự cường, là sự tự vận động bằng chính các nguồn lực sẵn có ngay trong lòng dân tộc, đất nước mình, không trông chờ, ỷ lại vào bất cứ nguồn viện trợ nào, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ và hợp tác với các nước khác trên tinh thần đoàn kết, cùng có lợi, vì mục tiêu hoà bình và phát triển.

Ngay từ ngày đầu thành lập, chính sách mở cửa của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa trên nguyên tắc đảm bảo quyền độc lập, tự chủ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập.

Theo đó Việt Nam sẽ mời những nhà chuyên môn đến giúp kiến thiết quốc gia, nhưng Người cho rằng, điều kiện chính vẫn là “họ phải thừa nhận nền độc lập của xứ này”.

Chặng đường hơn 7 thập kỷ kể từ ngày 2/9/1945 là cả một quá trình phấn đấu hy sinh không gì so sánh nổi của dân tộc Việt Nam để bảo vệ nền độc lập, xây dựng và phát triển đất nước.

72 năm sau Ngày Độc lập, bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế diễn ra sâu rộng, cùng sự xuất hiện của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt Việt Nam trước những thách thức mới. Bởi vậy, vấn đề xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ kế thừa quan điểm “thực túc binh cường” của ông cha ta trong lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước, nhưng với những nội dung mới - càng được đặt ra một cách nghiêm túc.

“Thực túc, binh cường” và nền kinh tế độc lập, tự chủ ảnh 1

Tầm quan trọng, sự cần kíp của việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ đã được khẳng định cho dù còn có những cách nhìn khác nhau về hình dáng, cũng như cách thức xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Trước hết, cách nhìn đồng nhất nền kinh tế độc lập, tự chủ với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN cho rằng, bản thân nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã bao hàm đầy đủ tố chất của kinh tế độc lập, tự chủ. Bởi vậy, nói đến kinh tế độc lập, tự chủ là nói đến nhận thức, định hướng, là nguyên tắc chỉ đạo khi xây dựng kinh tế thị trường XHCN và trong thực tế không cần đặt ra chính sách, quy định riêng.

Cách nhìn thứ hai cho rằng, phải có định hướng chính sách cũng như tiêu chí cụ thể về nền kinh tế độc lập, tự chủ, song cần linh hoạt. Trong một thế giới phẳng, khi phân công hợp tác và hội nhập quốc tế là quá trình tất yếu, thì việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ nên đặt trong khung cảnh chung với việc thực hiện các cam kết song phương, đa phương và toàn cầu. Như vậy, điều quan trọng nhất với nền kinh tế độc lập, tự chủ là làm thế nào để có được hiệu quả kinh tế cao, thu được nhiều lợi nhuận và đương nhiên, phải có tích lũy.

Cách nhìn thứ ba cho rằng, độc lập tự chủ về kinh tế là phải có các ngành và cơ sở công nghiệp nặng hiện đại, đủ sức đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước, nhu cầu của hơn 93 triệu dân. Theo đó, vốn và kỹ thuật dựa vào tích lũy trong nước là chủ yếu, huy động nội lực là chính, kết hợp với ngoại lực để tự làm.

Ba cách nhìn trên có những mặt đúng, song có thể dẫn đến cách hiểu chưa toàn diện về kinh tế độc lập, tự chủ.

“Thực túc, binh cường” và nền kinh tế độc lập, tự chủ ảnh 2 

Dựa trên quan điểm chỉ đạo của Đảng, trên bình diện chung, có thể cho rằng, độc lập, tự chủ về kinh tế là nền tảng vật chất cơ bản để phát triển đất nước trong điều kiện hiện nay. Nói tới độc lập, tự chủ về kinh tế, trước hết phải nói tới sự độc lập, tự chủ về đường lối, chính sách phát triển, tới một nền kinh tế phát triển bền vững, không bị lệ thuộc vào nước khác hoặc phụ thuộc vào tổ chức quốc tế nào đó về đường lối, chính sách định hướng…

Độc lập, tự chủ về kinh tế, do vậy có thể giúp một quốc gia khả năng chủ động và thích ứng cao, có thể duy trì ổn định kinh tế - xã hội, giữ vững định hướng phát triển ngay cả khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, tài chínhở khu vực và thế giới, trong tình thế bị bao vây, cô lập và chống phá của các thế lực thù địch.

Theo nghĩa này, bảo đảm độc lập, tự chủ về kinh tế chính là bảo đảm vững chắc định hướng XHCN và bản sắc văn hóa dân tộc trong hội nhập, mở cửa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Có thể nhận định rằng, việc thực hiện thắng lợi đường lối kinh tế của Đảng chính là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phù hợp với điều kiện của đất nước và thích ứng với tình hình quốc tế. Sự phát triển từng bước một nền kinh tế có tính độc lập, tự chủ cao sẽ tăng cường tiềm lực, tạo sức mạnh cho Việt Nam vượt lên.

Đó cũng chính là thành quả từ quá trình xây dựng thành công một nền kinh tế độc lập, tự chủ mang lại trong bối cảnh mới, nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang len lỏi vào từng ngõ phố, làng quê, gia đình và mỗi con người Việt Nam.

Tin bài liên quan