Theo số liệu của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, năm 2015, cả nước thoái được 9.924 tỷ đồng vốn nhà nước đầu tư ngoài ngành (theo giá trị sổ sách), thu về 15.004 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn khỏi các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng là 4.418 tỷ đồng, thu về 4.956 tỷ đồng; bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại các doanh nghiệp khác là 5.506 tỷ đồng, thu về 10.048 tỷ đồng.
4 tháng đầu năm 2016, cả nước thoái được 659 tỷ đồng vốn nhà nước đầu tư ngoài ngành, thu về 2.255 tỷ đồng.
Hiện số vốn nhà nước cần phải thoái khỏi các lĩnh vực: bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng vẫn còn lớn, chiếm khoảng 60% số vốn phải thoái. Tiến độ thoái vốn được đánh giá là chậm.
Để thúc đẩy hoạt động thoái vốn nhà nước thông qua các doanh nghiệp chuẩn bị cổ phần hóa, lẫn các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ còn cao, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty phải có kế hoạch, lộ trình cụ thể đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành, trong đó thể hiện rõ chủ trương tăng tỷ lệ vốn bán ra, bán hết phần vốn nhà nước đối với doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2016.
Bộ Tài chính phải khẩn trương lập danh sách các doanh nghiệp đã cổ phần hóa và bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), nhưng số cổ phần bán được chưa đạt tỷ lệ theo phương án đã được phê duyệt, trên cơ sở đó đề ra lộ trình tiếp tục bán vốn nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đó là với các doanh nghiệp đã IPO, còn với những doanh nghiệp chưa cổ phần hóa, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đang thúc đẩy các bộ đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí, danh mục mới về phân loại DNNN, để làm cơ sở xây dựng và phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016 - 2020.
Chuyển động từ Bộ Tài chính thấy, cùng với việc tập hợp danh sách các doanh nghiệp đã IPO, nhưng tỷ lệ cổ phần bán “ế” còn cao, từ đó đề ra lộ trình bán tiếp vốn, Bộ này đang nỗ lực xây dựng Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016 - 2020, để trong quý II/2016 trình Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, tuy các bộ quản lý ngành, UBND các tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gửi báo cáo về lộ trình thoái vốn giai đoạn 2016 - 2020 về Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nhưng việc này thực hiện chậm.
Nhìn nhận về hiện trạng cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước thời gian qua, khi làm việc với bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á -Thái Bình Dương mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, kế hoạch cổ phần hóa DNNN của Việt Nam đã đạt hơn 90%, nhưng tổng vốn cổ phần hóa chưa cao. Do đó, thời gian tới, việc thực hiện cổ phần hóa một cách thực chất, gắn liền với nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp là mục tiêu quan trọng của Chính phủ. Các doanh nghiệp chậm cổ phần hóa sẽ phải chịu đầy đủ các chế tài đã đặt ra.
“Để tăng tốc cổ phần hóa, Việt Nam sẽ thúc đẩy sự phát triển của TTCK với mục tiêu vốn hóa thị trường tăng gấp đôi (đạt khoảng 70% vào năm 2020), kết hợp với phát triển thị trường trái phiếu. Việc này sẽ cân bằng hơn giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tránh quá phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng...”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Từ định hướng trên của Phó Thủ tướng, giới đầu tư kỳ vọng, sắp tới Chính phủ sẽ có những giải pháp mang tính đột phá để hỗ trợ TTCK phát triển hiệu quả, sôi động hơn. Đó không chỉ là tháo gỡ các vướng mắc, điển hình như thực hiện quy định nới tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài bằng tư duy mới, mà còn là những chính sách ưu đãi về phí, thuế, cơ chế bảo vệ hiệu quả nhà đầu tư…, từ đó kích thích người dân đầu tư vốn vào doanh nghiệp thông qua TTCK, thay vì phần lớn gửi tiết kiệm như hiện nay.