Huy động vốn để đáp ứng nhu cầu tài chính trong quá trình hoạt động và phát triển doanh nghiệp (hay quốc gia) là việc bình thường. Nhưng sự bình thường này chỉ thực sự bình thường khi nào cả bên cung vốn lẫn bên cầu vốn cùng có chung mục đích tích cực, cùng thấy được hướng đồng tiền đi…
Trong TTCK, hướng đồng tiền đi của NĐT là kỳ vọng sinh lợi. Hướng đồng tiền đi của doanh nghiệp huy động vốn là kế hoạch sử dụng vốn. Kỳ vọng sinh lợi không thể là viển vông hay ngẫu hứng, mà cần là sự suy tính có cân nhắc, đắn đo trước khi mở túi. Kế hoạch sử dụng vốn không thể qua loa, tùy tiện, để đối phó hay cho có, mà cần được xây dựng trên cơ sở một dự án, một kế hoạch hay mục đích kinh doanh có thực và lành mạnh, phù hợp với sự nghiệp công ty. Kế hoạch đó cần cụ thể, minh bạch, có thể kiểm chứng và thuyết phục được NĐT. Việc DN đặt kế hoạch sử dụng vốn và NĐT đặt kỳ vọng như vậy sẽ gặp nhau tại điểm chung nghiêm túc. Lúc này vấn đề trách nhiệm sẽ trở thành sợi dây ràng buộc, không chỉ đôi bên mà cho cả môi trường. Đó cũng đồng thời là mong đợi của định chế thị trường.
Thế nhưng thực tế không phải lúc nào cũng được như vậy. Có thể lùi lại một chút quá khứ và quan sát một số biểu hiện trong hiện tại để xem hướng đồng tiền đi của ta (nói chung) có vững hay chưa.
Những năm 2005 - 2007 là thời gian thị trường (NĐT) khá hào phóng, nếu không muốn nói là dễ dãi. Nhiều DN nhận ra "chỗ yếu" này đã tranh thủ huy động vốn cấp tập. Cấu trúc tài chính, kế hoạch sử dụng và hiệu quả nguồn vốn huy động là mớ lý thuyết xa xỉ bất cần thời đó. Việc đặt ra chuẩn mực và xem xét hướng đồng tiền đi thời gian này hầu như ít được chú trọng. Có vẻ như NĐT, DN huy động và cả giới quản lý đều tỏ ra quá dễ dãi trước một giai đoạn thị trường lạc quan. Thời gian này, lãi suất ngân hàng khá thấp, nhưng nhiều DN vẫn "chê" nguồn này, cơ cấu tài chính của họ sau những bữa tiệc huy động chỉ đơn điệu là nguồn sở hữu. Tình trạng xài sang ngoài ngành (và xài sang theo nghĩa đen) lại đã nổi lên một cách đáng lo…
Đến năm 2008 là năm khó khăn. Lãi suất vọt lên trên dưới 20%/năm, các công ty no vốn vẫn sống khỏe với lợi nhuận không tồi. Nhưng hiệu quả ở không ít DN chẳng phải từ hoạt động sở trường mà phần lớn là từ… tiền tệ. Công bằng mà nói, nhiều DN đã củng cố được vị thế và cất cánh thành công nhờ sử dụng tốt nguồn vốn vô tư này. Thế nhưng, cũng thật oái oăm, nhiều anh đã gục ngã sau những cơn mê ôm tiền đống đó… Thật ra, các NĐT nhạy bén và giới quan tâm đã nhận ra tình trạng huy động vốn tràn lan tùy tiện kia từ lâu, đã lên tiếng nhưng rồi chẳng tới đâu. Họ còn biết nhiều DN đã có thể cải thiện ngoạn mục chỉ số P/E sau một thời gian ngắn nhờ cầm vốn cổ đông đi gửi ngân hàng. Như vậy, nếu niềm tin có bị thử thách dẫn đến hội chứng "biếng ăn" trước một thực trạng kém thuyết phục là điều dễ hiểu.
Vào những lúc khó khăn về lãi suất, đặc biệt là thời gian gần đây, thông tin về việc huy động vốn để trả nợ nổi lên như một vấn đề thời sự. Vấn đề nhạy cảm ở đây nằm ngay ở mục đích huy động. Cho dù có được hé lộ hay không, điều này đã tạo ra những phản ứng lo ngại hay bức xúc từ dư luận và chính người trong cuộc (cổ đông). Trường hợp đình đám tại Bông Bạch Tuyết hồi năm 2008 liên quan đến món nợ 30 tỷ đồng (bị cổ đông phản đối kịch liệt) nay có thể đã nóng lại ở đâu đó...
Việc tái cấu trúc vốn bao gồm yêu cầu "giảm nợ" thật ra không là chuyện quá bất thường. Bất thường có chăng là từ mục đích quá đơn giản hay tình thế, để trả nợ thay vì là tái cấu trúc nghiêm túc, để hướng đồng tiền đi hiệu quả gắn liền với quyền lợi ngắn dài của cổ đông. Bất thường còn có thể là tình trạng huy động vốn "khủng" giữa thời buổi 'nợ châu vốn quế'. Việc "ưu tiên" một cổ phiếu cũ được mua thêm bốn hay năm cổ phiếu mới lúc này có thể đặt nhiều cổ đông vào ván bài "tố", rất khó hay không thể quyết định. Nhưng nếu có sự chào thua của cổ đông hiện hữu thì, với một số tình huống giá, đó có thể lại là miếng ngon cho những toan tính đợi sẵn. Không phê phán tốt xấu, nhưng tình huống có thể gây thiệt hại cho hoạt động đầu tư giá trị và khả năng theo đuổi của NĐT nhỏ.
Nếu NĐT có thua thiệt và tự trách mình đã quá dễ dãi, thì đến một lúc họ không còn dễ dàng mở túi, DN cũng cần tự hỏi tại sao? Lúc đó DN có thể cũng sẽ tự trách mình đã quá dễ dãi với đồng tiền của họ… Câu hỏi "tại sao" và lời tự thú "đã quá dễ dãi' ở đây nếu được cả thị trường, từ cao tới thấp, nhìn nhận nghiêm túc sẽ có giá trị nhắc nhở yêu cầu sửa sai. Thị trường đã liên tục sửa sai (correction/điều chỉnh), nhưng rất tiếc, từng thành viên trong đó có vẻ đã thụ động chấp nhận hậu quả chứ chưa nghĩ đến việc tự mình phải sửa sai! TTCK lại chẳng phải chỉ là những gì diễn ra trên các sàn giao dịch. Đó chỉ là bề nổi của tảng băng. Phần chìm ăn sâu vào nền kinh tế. Việc tỉnh táo nhìn nhận hướng đồng tiền đi do vậy không chỉ là việc của NĐT và DN mà là của thị trường, của cả nền kinh tế.
|
Chuyên gia Huy Nam |