Tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm còn chậm so với kỳ vọng

Tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm còn chậm so với kỳ vọng

Thúc tín dụng nửa cuối năm vẫn khó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Tín dụng tăng trưởng nửa đầu năm đã đạt kế hoạch, nhưng các biện pháp “kỹ thuật” có thể ảnh hưởng tới kết quả tăng trưởng nửa còn lại của năm.

Tăng kỹ thuật?

Ông Trần Minh Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank chia sẻ, trong 6 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng đã quản trị rất chặt chẽ chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các gói tín dụng do Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra. Theo đó, tính đến ngày 30/6/2024, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đạt 6,7%.

Tại BIDV, ông Phan Đức Tú - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng cho biết, tính đến cuối tháng 6/2024, tăng trưởng tín dụng của BIDV đạt 5,9%. Vốn tín dụng tập trung cho các động lực tăng trưởng kinh tế và các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.

Ông Kim Byoungho - Chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank thông tin, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Chỉ thị 01/CT-NHNN, HDBank đã nhanh chóng triển khai, quán triệt đến đơn vị kinh doanh toàn hệ thống, ra mắt nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất cho vay thấp chỉ từ 5-6%/năm, tinh gọn quy trình cấp tín dụng và phối hợp chặt chẽ với khách hàng để nắm bắt rõ nhu cầu cũng như vướng mắc của từng đối tượng cụ thể và cho ra mắt sản phẩm, giải pháp phù hợp.

“Nhờ đó, tính đến ngày 30/6/2024, dư nợ tín dụng của HDBank đạt hơn 382.000 tỷ đồng, tăng 13,3% so với đầu năm”, ông Kim Byoungho nói.

Mặc dù con số 13,3% là khá cao so với mức trung bình của toàn hệ thống là 6%, nhưng tăng trưởng tín dụng cao nhất trong nửa đầu năm 2024 thuộc về NCB khi báo cáo tài chính quý II/2024 của ngân hàng này cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối quý này đạt 16% so với thời điểm cuối năm 2023. Còn tại LPBank, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 6/2024 đạt 15,23% so với thời điểm 31/12/2023. Đạt mức dư nợ tín dụng trên 10% trong 6 tháng đầu năm nay còn gọi tên một số ngân hàng khác như Techcombank với 14,2% và ACB là 12,8%.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một chuyên gia phân tích nhận định: “Số liệu của NHNN cho biết, tính đến ngày 15/6/2024, tín dụng nền kinh tế mới tăng 3,79% nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng trong những tuần cuối tháng 6 khá mạnh, đạt 6% tính đến ngày 28/6/2024, nên không loại trừ khả năng các tổ chức tín dụng đẩy mạnh tăng trưởng kỹ thuật nhằm đạt mục tiêu 6% trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đặt ra là làm thế nào để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đúng kế hoạch và bền vững trong nửa cuối năm”.

Liên quan đến câu chuyện tăng trưởng tín dụng, một báo cáo của NHNN vừa công bố về kết quả điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng cho biết, nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng được các tổ chức tín dụng nhận định chỉ phục hồi nhẹ trong 6 tháng đầu năm 2024, thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng ghi nhận tại kỳ điều tra trước.

Chặng đường còn nhiều chông gai

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng còn gặp khó khăn, tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm 2024 còn chậm hơn so với kỳ vọng, tại một số địa phương tăng trưởng tín dụng còn thấp… Điều đó cho thấy, về tổng thể, cầu tín dụng trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, nhiều ngành sản xuất, dịch vụ là các động lực truyền thống của nền kinh tế vẫn còn khó khăn nhất định.

“Một bộ phận khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa xây dựng được phương án sản xuất - kinh doanh khả thi, chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, cùng với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân”, lãnh đạo NHNN nói.

Bên cạnh đó, một số tổ chức tín dụng cấp tín dụng tập trung với tỷ trọng lớn đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như kinh doanh bất động sản, tập trung tín dụng vào các khách hàng lớn và người có liên quan (đặc biệt là các khách hàng có liên quan đến chủ sở hữu của ngân hàng); hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của một số tổ chức tín dụng còn nhiều tồn tại. Đáng chú ý, công tác cơ cấu lại nợ của các tổ chức tín dụng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; vẫn còn tình trạng đảo nợ, cán bộ tín dụng thông đồng với khách hàng, thủ tục hành chính rườm rà…

Ngoài ra, vẫn còn khó khăn trong triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng như gói vay 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội, một số dự án thuộc danh mục được công bố nhưng chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn. Nhiều dự án đang thi công phần móng hoặc đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu, đang giải phóng mặt bằng... nên chưa đủ điều kiện mở bán sản phẩm, do đó không phát sinh nhu cầu vay đối với người mua nhà.

Đa số người dân trên địa bàn thuộc khu vực nông thôn, có thu nhập thấp hoặc đối với công nhân trong các khu công nghiệp không có nhu cầu ở dài hạn nên không muốn mua nhà ở xã hội, mà chỉ muốn thuê. Đối với các gói cho vay tiêu dùng, thu nhập của người lao động sụt giảm do tình trạng thất nghiệp, mất việc làm tăng cao nên không có nguồn để trả nợ, dẫn đến cầu tín dụng tiêu dùng giảm; công nhân, người lao động chưa nắm bắt rõ thông tin liên quan đến những chương trình tín dụng của các công ty tài chính hoạt động theo quy định của pháp luật.

Mặc dù đã có cảnh báo, nhưng Phó Thống đốc thường trực NHNN thừa nhận, vẫn diễn ra tình trạng tăng trưởng tín dụng không đồng đều giữa các tổ chức tín dụng. Bên cạnh một số tổ chức tín dụng có mức tăng cao hơn mức tăng chung cả hệ thống, cũng có những tổ chức tín dụng có mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng chung, thậm chí tăng trưởng âm.

Định hướng về tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm, lãnh đạo SHB cho biết, Ngân hàng sẽ tiếp tục chủ động làm việc trực tiếp với khách hàng, cùng tìm cách tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn, đáp ứng kịp thời nguồn vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.

Ông Kim Byoungho khuyến nghị: “NHNN nên xem xét giao thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho những ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng tích cực trong 6 tháng đầu năm, đồng thời duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn. Chúng tôi tin rằng, điều này sẽ giúp toàn ngành đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% trong năm 2024 và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế”.

Về phía NHNN, ông Đào Minh Tú cho biết, cơ quan quản lý sẽ thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô và cân đối tình hình tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống, NHNN sẽ rà soát, chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng cũng như toàn hệ thống.

“Thực hiện điều hòa/điều chuyển chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng giữa các tổ chức tín dụng để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có khả năng tăng trưởng tín dụng tích cực, lành mạnh, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống theo định hướng đã đề ra để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế”, ông Tú nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai quyết liệt các giải pháp tăng trưởng tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ần rủi ro theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN, đảm bảo hiệu quả, thực chất; đa dạng hóa sản phẩm tín dụng, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...

“Các tổ chức tín dụng sẽ được đốc thúc tăng cường trao đổi, làm việc với khách hàng vay vốn để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc và phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các địa phương tháo gỡ, xử lý”, ông Tú cho hay.

Tin bài liên quan