Thúc tiến độ giải phóng mặt bằng của Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị UBND TP. Hà Nội thống nhất chủ trương GPMB một lần cho cả 2 giai đoạn và bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương thực hiện GPMB giai đoạn 2 của Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống.
Phối cảnh cầu đường sắt và cầu đường bộ vượt sông Đuống.

Phối cảnh cầu đường sắt và cầu đường bộ vượt sông Đuống.

Đây là một trong những nội dung chính trong công văn số 10941/BGTVT – CQLXD vừa được Bộ GTVT gửi UBND TP. Hà Nội về việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng của Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường bộ Đuống).

Theo Bộ GTVT, trên cơ sở quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt chỉ giới đường đỏ của Dự án cầu đường bộ Đuống với quy mô xây dựng cầu đường bộ mới có bề rộng mặt cầu là 56m (gồm cả 2 đơn nguyên, tương đương 8 làn xe).

Với mục tiêu tách riêng cầu đường bộ và cầu đường sắt nên cần hoàn trả hạ tầng cầu đường bộ hiện có, trong giai đoạn 1, Dự án chỉ đầu tư và thực hiện GPMB tương ứng 1 đơn nguyên, trong tương lai UBND TP. Hà Nội sẽ GPMB và đầu tư đơn nguyên còn lại.

Bộ GTVT cho rằng, việc phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn có thể dẫn đến việc một số hộ dân sẽ phải GPMB 2 lần, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân bị thu hồi; một số hộ dân không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được cấp phép xây dựng nhà ở theo quy định.

“Vấn đề này không nhận được sự đồng thuận của người dân, các địa phương sẽ rất khó khăn trong công tác GPMB giai đoạn 1 của Dự án. Đến nay, theo thông tin phản ánh của chính quyền địa phương, qua đối thoại, tiếp xúc cử tri, nhân dân đều kiến nghị GPMB một lần cho cả 2 giai đoạn, nội dung này cũng đã được các địa phương kiến nghị chủ đầu tư, UBND TP. Hà Nội”, công văn của Bộ GTVT nêu rõ.

Để tạo thuận lợi cho việc đầu tư Dự án giai đoạn mở rộng theo quy hoạch, tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân bị GPMB của giai đoạn 2, Bộ GTVT đề nghị UBND TP. Hà Nội nghiên cứu, thống nhất chủ trương GPMB một lần cho cả 2 giai đoạn và bố trí nguồn vốn ngân sách thành phố để thực hiện GPMB giai đoạn 2 của Dự án cầu đường bộ Đuống (bao gồm cả phạm vi khu vực đảo tam giác trên địa bàn quận Long Biên) theo nguyên tắc lồng ghép với nguồn vốn ngân sách trung ương đã bố trí cho Bộ GTVT thực hiện giai đoạn 1 của dự án (Khoản 3 Điều 64 Luật Đầu tư công).

“Trên cơ sở ý kiến của UBND TP. Hà Nội về nguồn vốn cho Dự án, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định”, công văn số 10941 nêu rõ.

Dự án cầu đường bộ Đuống được khởi công vào cuối tháng 7/2023, do Ban quản lý dự án Đường sắt làm chủ đầu tư, được triển khai trên địa bàn các phường Thượng Thanh, Đức Giang quận Long Biên và thị trấn Yên Viên huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội, gồm 2 hạng mục chính.

Dự án gồm hạng mục cầu đường sắt và đường dẫn có điểm đầu khoảng Km9+075, điểm cuối khoảng Km10+075 (lý trình đường sắt hiện hữu); tổng chiều dài 1.000m; tim cầu cách tim cầu Đuống cũ về phía thượng lưu khoảng 16,5 m, trùng vị trí dự kiến đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1.

Theo thiết kế, cầu đường sắt gồm 6 nhịp dầm thép và dàn thép dài 280m, được xây dựng đảm bảo cho đường sắt đơn khổ lồng 1.000mm và 1.435mm; tốc độ thiết kế 80km/h khổ giới hạn thông thuyền được phân kỳ đầu tư với tĩnh không thông thuyền với chiều cao 7 m, giai đoạn hoàn thiện cao 9,5m; bề rộng khoang thông thuyền lớn hơn 50m.

Cầu có bố trí đường người đi bộ 01 bên phải tuyến (phía hạ lưu cầu). Cầu đường bộ và đường dẫn có điểm đầu tại nút giao đầu cầu Đuống cũ trên đường Ngô Gia Tự, thuộc địa phận quận Long Biên; điểm cuối tại nút giao giữa đường Hà Huy Tập với đường Phan Đăng Lưu, thuộc địa phận huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội.

Hạng mục cầu đường bộ và đường dẫn có phạm vi đầu tư bao gồm tuyến chính chiều dài khoảng 700m và nút giao hai đầu cầu; tim cầu cách tim cầu Đuống cũ khoảng 100 m về phía hạ lưu (phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt).

Trong đó, cầu đường bộ vượt sông Đuống dài 382m, được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, kết hợp hệ dây văng; phân kỳ xây dựng 1 đơn nguyên theo quy hoạch, bề rộng cầu dẫn 16 m, bề rộng cầu chính 18,5m (bao gồm phần neo); khổ giới hạn thông thuyền có chiều rộng lớn hơn 50m, chiều cao 9,5m.

Dự án có tổng mức đầu tư 1.848,62 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 919.279 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng (theo quy mô giai đoạn phân kỳ) là 650,82 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án là 9,753 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng là 43,081 tỷ đồng; chi phí khác là 30,289 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 195.394 triệu đồng.

Nguồn vốn thực hiện Dự án là Ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 mức vốn dự kiến khoảng 1.787 tỷ đồng, phần còn lại chuyển tiếp sang giai đoạn sau.

Tin bài liên quan