Thực thi CPTPP, Australia là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của thủy sản

0:00 / 0:00
0:00
Sau 4 năm thực thi Hiệp định CPTPP, Australia đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của thủy sản Việt Nam, trong khi thời điểm trước khi có CPTPP đứng thứ 9.
Năm 2022, xuất khẩu tôm sang Australia đạt 259,5 triệu USD, tăng 171% so với 112 triệu USD của năm 2018

Năm 2022, xuất khẩu tôm sang Australia đạt 259,5 triệu USD, tăng 171% so với 112 triệu USD của năm 2018

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, sau 4 năm thực thi Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Australia đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của thủy sản Việt Nam.

CPTPP có hiệu lực với Việt Nam từ đầu năm 2019. Trước đó, vào năm 2018, Australia từng là thị trường nhập khẩu thủy sản đứng thứ 9 của Việt Nam, nhưng sau 4 năm thực thi CPTPP, Australia đã trở thành thị trường đơn lẻ đứng thứ 6 của thủy sản Việt Nam.

Cụ thể, từ 2018-2022, trong top 6 thị trường, chỉ có Australia có kim ngạch nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam tăng trưởng liên tục. Từ mức 197 triệu USD năm 2018 đã tăng lên 365 triệu USD năm 2022.

Thị trường mở rộng cửa nhờ thuận lợi hóa thương mại và ưu đãi thuế quan từ CPTPP đã tạo cú hích để xuất khẩu thủy sản sang Australia có bước nhảy vọt.

Theo Vasep, tăng đột phá và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các sản phẩm xuất khẩu sang Australia 4 năm qua là tôm chân trắng, với kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 259,5 triệu USD, tăng 171% so với 112 triệu USD năm 2018, trước khi hiệp định CPTPP có hiệu lực.

Doanh thu từ xuất khẩu tôm đã chiếm 71% giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2022, so với năm 2018 con số này là 49%.

Trái lại, xuất khẩu cá tra sang Australia bị giảm tỷ trọng từ 24% xuống còn 10%. So với năm 2018, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Australia giảm 18%, từ 47 triệu USD xuống còn 38 triệu USD.

Nằm trong top 3 các mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang Australia có cá chẽm (barramundi), chiếm 6% doanh số xuất khẩu với trị giá gần 21 triệu USD năm 2022. Cá chẽm của Việt Nam chủ yếu là sản phẩm nuôi của công ty Australis tại Việt Nam. Đây là loài cá được ưa chuộng không chỉ ở Australia mà cả ở Mỹ vì dễ chế biến, thịt nạc, ít xương.

Ngoài ra Australia cũng nhập khẩu một lượng đáng kể các sản phẩm hải sản khác của Việt Nam và có doanh số tăng mạnh trong những năm qua. Đơn cử: cá trích tăng 158% sau 5 năm, cá ngừ tăng 81%, cá đục tăng 143%, cá chai tăng 255%, nghêu tăng 68%, nước mắm tăng 190%...

Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Australia những năm qua đã phát triển mạnh mẽ, trong đó, hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước là điểm sáng, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt gần 15,7 tỷ USD, tăng gần 27% so với năm 2021, đưa Australia trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia.

Riêng lĩnh vực thủy sản, Việt Nam đang giữ vị trí số 1 trên thị trường Australia, chiếm 23% nhập khẩu thủy sản của Australia năm 2022.Tỷ trọng này cao hơn rất nhiều so với con số 13% cách đây 5 năm, cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ của hàng thủy sản Việt Nam sang Australia nhờ mối quan hệ hợp tác thương mại tốt đẹp và các hiệp định FTA với thị trường này gồm AANZFTA, CPTPP và RCEP.

Đặc biệt, sau hiệp định CPTPP, các sản phẩm thủy sản như tôm, cá tra, hải sản của Việt Nam nhập khẩu vào Australia đều được hưởng mức thuế 0%.

Quý I/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Australia đạt 63 triệu USD, giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm chân trắng giảm 34%, cá tra giảm 26%, cá chẽm giảm 34%...Bối cảnh của năm 2023 thị trường Australia cũng không tránh khỏi tác động của vòng xoáy lạm phát thực phẩm khiến cho tiêu thụ bị ảnh hưởng và sụt giảm.

Lạm phát của Australia ở mức 6,7%, vẫn cao hơn nhiều so với phạm vi mục tiêu 2-3% của Ngân hàng Dự trữ Australia. Nhưng báo cáo mới nhất cho thấy lạm phát tại nước này đang giảm nhanh hơn dự kiến. Do vậy, thương mại thủy sản với Australia dự báo sẽ hồi phục dần trong nửa cuối năm 2023 này.

Tin bài liên quan