Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương hồi tháng 6/2023. (Ảnh: VGP)
Mục tiêu được xác định rất rõ ràng, đó là tiết giảm thi phí, tăng khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn cho doanh nghiệp; cải cách đồng bộ, hiệu quả, thực chất thủ tục hành chính; bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành…
Thêm một lần nữa, Chính phủ gửi đi thông điệp đặt trọng tâm vào kỷ luật, kỷ cương trong điều hành để triển khai nhanh hơn, hiệu quả hơn các giải pháp đẩy nhanh tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Nhưng điều này cũng cho thấy, bài toán thực thi tiếp tục không dễ giải.
Cho tới thời điểm này, các ý kiến khá đồng thuận cho rằng, phần lớn những giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tháo gỡ các điểm ách tắc của nền kinh tế đều đã có, được Chính phủ đặt ra, được Quốc hội đồng thuận.
Từ tháng 7/2023, hàng loạt chính sách giảm thuế, lệ phí, chính sách mới về visa… bắt đầu được triển khai; nhiều dự án quy mô lớn, quan trọng quốc gia được khởi công; các phần vốn còn lại của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đã được phân bố, tạo điều kiện để hoạt động giải ngân vốn đầu tư công tăng tốc…
Tuy nhiên, những băn khoăn trong thực thi vẫn chưa hết. Ngay trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 6 diễn ra ngày 4/7, tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc ở một số cấp thực thi tiếp tục được nhắc đến. Đây cũng chính là lo ngại lớn nhất của doanh nghiệp mỗi khi bàn tới nỗ lực gỡ khó cho khu vực này.
Cũng phải nhắc lại, từ đầu năm đến nay, hàng loạt kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp liên quan tới các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, quy định về quy chuẩn, tiêu chưa phù hợp, làm khó, thậm chỉ buộc doanh nghiệp phải dừng hoạt động như các quy định về phòng cháy chữa cháy, tiêu chuẩn nước thải nuôi trồng thủy sản, hay đề xuất cơ sở lưu trú du lịch được áp giá điện sản xuất… được gửi tới rất nhiều cuộc đối thoại, làm việc giữa doanh nghiệp và các bộ, ngành, địa phương, nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Vào thời điểm này, khi chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng 2% đã có hiệu lực, cơ hội tiếp cận lãi suất cho vay hợp lý hơn đã rõ nét dần sau 4 lần Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành, song doanh nghiệp vẫn tiếp tục đặt câu hỏi, rằng chi phí tuân thủ có quá lớn, thủ tục có quá phức tạp?…
Trong giai đoạn bình thường, doanh nghiệp có thể chờ đợi để được giải quyết, nhưng khi nhiều doanh nghiệp đang đau đầu cân đong trước việc nên tiếp tục hay dừng lại, thì chờ đợi đồng nghĩa với dừng lại, phá sản, rút lui.
Rõ ràng, trong bối cảnh hiện tại, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi không chỉ là giảm thuế, giảm lãi suất, mà cần sự hỗ trợ của cả hệ thống một cách động bộ, thống nhất trong thực thi các quy định. Chỉ cần một khâu nào đó trong hệ thống không hành động, hoặc chậm thực thi, hay thực thi không quyết liệt, thì cả hệ thống chính sách sẽ ách tắc…
Có lẽ, cũng phải nhắc đến các kịch bản tăng trưởng với những thách thức vô cùng lớn trong 2 quý còn lại của năm 2023 đang là trọng tâm bàn thảo của Chính phủ, để có những giải pháp điều hành phù hợp. Tuy nhiên, các con số tuyệt đối dường như không phải là mối quan tâm lớn nhất vào lúc này, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục bất định, chưa thể sớm phục hồi và nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn.
Thực thi chính sách, đảm bảo tối đa hóa hiệu quả thực tế của các giải pháp chính sách vẫn đang là bài toán cần ưu tiên vào lúc này.