Nhiều thách thức
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV vừa diễn ra, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.
Đánh giá của Chính phủ cho thấy, tình hình kinh tế 4 tháng đầu năm nay diễn biến theo chiều hướng tích cực, khi kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm; tín dụng tăng cao, lãi suất ngân hàng được giữ ổn định…
Mặc dù vậy, nền kinh tế cũng đối mặt với không ít khó khăn như: sản xuất nông nghiệp vừa phục hồi, nhưng tình hình sâu bệnh bắt đầu có diễn biến phức tạp trên diện rộng, ngành chăn nuôi lợn rơi vào “khủng hoảng thừa” do mất cân đối nghiêm trọng giữa nguồn cung và thị trường, giá bán giảm mạnh; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng chậm trong bối cảnh chỉ số tồn kho toàn ngành vẫn ở mức cao; xuất khẩu tăng mạnh, nhưng nhập siêu có xu hướng gia tăng; tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển, nhất là nguồn vốn tư nhân và FDI chậm…
Chính phủ cần tiếp tục triển khai quyết liệt cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, bảo đảm sự phối hợp, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp, ngành và chính quyền địa phương
- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh
Trình bày trước Quốc hội Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đối với báo cáo trên của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản tán thành với kết quả đạt được trong 4 tháng đầu năm 2017 trên các lĩnh vực như Báo cáo của Chính phủ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế-xã hội vẫn bộc lộ một số khó khăn, thách thức, đó là: tăng trưởng chưa thực sự bền vững, GDP quý I/2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với nhiều năm gần đây chủ yếu là do tổng cầu gặp khó khăn, khu vực công nghiệp, xây dựng giảm so với cùng kỳ.
Trong đó, các nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng, điện tử, máy tính, xây dựng đều sụt giảm, thậm chí giảm sâu so với cùng kỳ...
Cẩn trọng với giải pháp “nóng”
Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7% như kế hoạch đề ra, các quý còn lại phải tăng trung bình trên 7%. Tuy nhiên, với điều kiện và tình hình thực tế năm nay, mục tiêu này là khó hiện thực, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3-6,5%.
Kết thúc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017, đã có những ý kiến cho rằng, cần xem xét tăng sản lượng khai thác dầu thô nói riêng, ngành khai khoáng nói chung, để góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý Chính phủ cần cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế như tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng...
Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chính phủ cần tập trung điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, định hướng chính sách tín dụng tập trung cho lĩnh vực sản xuất, hạn chế tín dụng không bền vững, tín dụng cho vay đầu tư bất động sản, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất phù hợp để phát triển doanh nghiệp; thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, kiểm soát và tăng cường kỷ luật ngân sách, giảm bội chi ngân sách...
Liên quan đến các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn, ông Thanh cho hay, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thống nhất đề nghị Chính phủ cần đổi mới tư duy, cải cách thể chế, thay đổi chính sách mang tính căn cơ, dài hạn như chính sách thu hút vốn FDI có chọn lọc, thay vì tận dụng chính sách năng lượng giá rẻ; nghiên cứu sớm việc tạo thể chế hình thành các khu hành chính-kinh tế đặc biệt, xây dựng các chính sách mang tính đột phá cho các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, TP.HCM...
“Chính phủ cần tiếp tục triển khai quyết liệt cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, bảo đảm sự phối hợp, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp, ngành và chính quyền địa phương. Triển khai quyết liệt cơ cấu lại các ngành kinh tế, trước mắt cần tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp để góp phần khai thác các nguồn lực thay thế do sự giảm sút của công nghiệp khai khoáng thời gian qua. Thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng, quản lý chặt chẽ sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…”, ông Thanh nói.