Thúc tăng trưởng 2020, cần giải pháp trúng mục tiêu

Thúc tăng trưởng 2020, cần giải pháp trúng mục tiêu

(ĐTCK) Để giảm thiểu và khắc phục tác động từ các yếu tố rủi ro khách quan bên ngoài như suy giảm kinh tế toàn cầu, dịch bệnh…, giữ vững và thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu cho rằng, cần có các giải pháp hỗ trợ đúng và trúng mục tiêu. 

Trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, ảnh hưởng tới hàng loạt doanh nghiệp và hoạt động sản xuất, theo ông, cần có giải pháp gì để giảm thiểu tác động này?

Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần tăng cường giải ngân các dự án đầu tư công, lấy nguồn đó để bù đắp và tạo động lực cho phát triển kinh tế, thúc đẩy việc làm.

Dịch Covid-19 xét ở góc độ tích cực là cơ hội để thúc đẩy cải cách, tái cơ cấu trên hai khía cạnh, vừa làm cho nền kinh tế linh hoạt hơn, vừa nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất - kinh doanh và tổng thể hiệu quả của nền kinh tế.

Ở khía cạnh đầu tiên, tái cơ cấu giúp nền kinh tế trở nên linh hoạt, giúp doanh nghiệp nhanh chóng gia nhập thị trường cũng như giải thể, đóng cửa, một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần tiếp tục bãi bỏ để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi và sớm có các chu trình kinh doanh mới.

Thực tế, trong bối cảnh dịch bệnh, có không ít hoạt động sản xuất - kinh doanh mới xuất hiện và nhiều doanh nghiệp cho biết, họ có các đơn hàng mới ngoài Trung Quốc, tuy nhiên, đơn hàng đòi hỏi rất nhanh mới nắm bắt được cơ hội.

Điều này cho thấy sự thay đổi tư duy và cải thiện môi trường kinh doanh là đặc biệt quan trọng, giúp nền kinh tế linh hoạt hơn, trong đó các doanh nghiệp có thể phản ứng một cách nhanh nhất với thị trường và thích nghi với mọi điều kiện để phát triển.

Bên cạnh đó, phải sớm tính đến nền tảng cơ sở chuẩn bị cho sự phục hồi của hoạt động sản xuất - kinh doanh và toàn bộ nền kinh tế khi dịch bệnh chấm dứt.

Ví dụ, doanh nghiệp đồng loạt hoạt động trở lại sau dịch thì các yếu tố chi phối hoạt động sản xuất - kinh doanh như điện, lao động, giao thông, thủ tục hành chính, hải quan, xuất nhập khẩu gần như cùng lúc đặt ra, đòi hỏi chúng ta phải có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ, tránh gây ách tắc cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Đâu là các giải pháp thiết thực cần làm ngay để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp?

Các giải pháp hạn chế tác động tiêu cực, nhất là các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phải rất linh hoạt và phù hợp, đúng mục tiêu thì mới phát huy tác dụng.

Ví dụ, đối với các doanh nghiệp trong những lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi dịch, nếu chúng ta xác định nâng lên thành khu vực trụ cột để thúc đẩy sản xuất thì cần phải tập trung vốn cho các lĩnh vực này, đồng thời hỗ trợ thủ tục hành chính để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, đạt hiệu quả tối ưu.

Ngược lại, đối với những doanh nghiệp trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nhất thì những biện pháp hỗ trợ có thể sẽ trở nên vô nghĩa nếu họ không được chia sẻ để vực dậy và vượt qua khó khăn trước.

Với các đối tượng này, việc bơm vốn hoặc cải thiện thủ tục hành chính đôi khi không còn là vấn đề quan trọng hàng đầu ở thời điểm hiện tại.

Cái cần nhất hiện nay là sự chia sẻ, hỗ trợ của Nhà nước thông qua các giải pháp giãn thuế, giảm thuế, có thể tạm hoãn thực hiện các nghĩa vụ để họ tồn tại qua dịch.

Sau khi doanh nghiệp vượt qua được khó khăn thì lúc đó mới đến công đoạn bơm tiền và hỗ trợ cho họ phục hồi, phát triển.

Ông có cho rằng, gói kích cầu kinh tế là giải pháp nên cân nhắc trong thời gian tới hay không?

Nếu cân nhắc cần có gói kích cầu thì phải xác định rõ nhằm mục tiêu gì, thích hợp cho đối tượng nào. Gói kích cầu nhìn chung chỉ có tác dụng tích cực đối với những doanh nghiệp trong các ngành ít bị ảnh hưởng.

Với những doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19, chúng ta phải có các biện pháp khác.

Giải pháp thiết yếu hiện nay là giúp các doanh nghiệp cơ cấu lại, chuyển đổi sản xuất, tìm kiếm thị trường mới, đa dạng thị trường nguyên liệu, thị trường xuất nhập khẩu, bên cạnh việc thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Nếu chỉ kích cầu không mà không đi cùng các giải pháp này thì khó có thể phát huy tác dụng. Đồng thời, phải chú trọng việc duy trì nền tảng để tái sản xuất sau khi dịch kết thúc.

Gói kích cầu cần phải có, nhưng chúng ta phải xác định rất rõ các nhóm, các mục tiêu và các biện pháp, giải pháp khác nhau, chứ không thể có một gói kích cầu chung chung.

Vừa rồi, ngành ngân hàng đề xuất các phương án hỗ trợ như giãn nợ, giảm lãi suất cho vay. Theo ông, các giải pháp này liệu có giúp giải quyết ngay được những khó khăn trước mắt của doanh nghiệp hay không?

Tôi nghĩ, giải pháp đề xuất từ phía ngân hàng là khá thiết thực và hiệu quả trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn hiện nay.

Song để phát huy được hiệu quả này, các địa phương cần phải xác định rất rõ các nhóm đối tượng doanh nghiệp với mục tiêu và các biện pháp phù hợp.

Cần xác định 3 nhóm chính, đầu tiên là hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn để giúp họ giảm bớt khó khăn và tồn tại, vực dậy và phục hồi, tiếp theo giúp họ cơ cấu lại sản xuất.

Việc này rất quan trọng, cần có giải pháp tìm kiếm thị trường mới, vì các thị trường chủ chốt hiện đang bị tê liệt.

Ở đây có thể tính tới gói kích cầu tiêu dùng nội địa như giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nông sản, du lịch, lưu trú, vận tải, hàng không thông qua kích thích tiêu thụ nội địa để giúp tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp không xuất khẩu được.

Thứ hai là hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguyên liệu và liên kết doanh nghiệp trong nước, đồng thời tập trung mọi nguồn lực để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh ở các khu vực doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng, hay trong các ngành nghề mới.

Đối với nhóm doanh nghiệp này, cần tập trung “kích” cả về hành chính, thể chế và vốn để doanh nghiệp thuận lợi phát triển.

Với các giải pháp như vậy, liệu Việt Nam có thể hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay?

Tôi nghĩ, chúng ta không nên tính tới việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng và rõ ràng Chính phủ có lý do khi khẳng định điều này.

Nên coi dịch Covid-19 chỉ là một trong những yếu tố rủi ro, giống như rất nhiều rủi ro khác như dịch bệnh, chiến tranh thương mại, nội chiến ở một số nước... Việc phát triển kinh tế phải tính đến các rủi ro đó.

Chúng ta có thể tính đến các kịch bản tăng trưởng khác nhau, nhưng vẫn phải nỗ lực đạt kịch bản tối đa. Trong vấn đề về rủi ro này, cái chúng ta cần điều chỉnh là cách thức, quyết tâm phát triển kinh tế, cách thức tổ chức, cơ cấu lại nền kinh tế cho giai đoạn mới.

Do đó, cần tập trung suy nghĩ đến việc tăng tính linh hoạt của nền kinh tế đi đôi với phát triển bền vững, cũng như linh hoạt trong cơ hội kinh doanh, thích nghi, nhạy bén với sự biến động của thị trường.

Tôi không nghĩ chúng ta phải gắn việc đánh giá các tác động từ dịch bệnh với việc thay đổi kịch bản tăng trưởng, bởi không có dịch Covid-19 thì rất có thể sẽ có rủi ro khác.

Nên coi đây là một trong những yếu tố rủi ro có thể tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, chứ không phải là nguyên nhân để điều chỉnh chỉ tiêu.

Chúng ta phải quyết tâm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, vì tới đây có thể có những rủi ro khác xảy ra mà ta không lường trước được.

Tin bài liên quan