Thực phẩm Hà Nội (HAF) sống mòn trên đất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sở hữu nhiều cơ sở nhà đất mặt tiền ở các phố trung tâm Hà Nội nhưng tình hình kinh doanh của Công ty cổ phần Thực phẩm Hà Nội (mã HAF) vẫn lẹt đẹt nhiều năm nay.

Loay hoay hợp tác khai thác “đất vàng”

Nhà đầu tư từng mong đợi các dự án đầu tư bất động sản sẽ tạo sự đột biến về hiệu quả kinh doanh cho HAF như dự án 26 Cao Thắng, Trung tâm thương mại Bắc Qua, Tòa nhà thương mại HFC Lãng Yên…, song thực tế, việc triển khai một số dự án vẫn gặp trục trặc.

Hiện dự án 26 Cao Thắng đã hoàn thành, Công ty đã ghi nhận giá trị tài sản cố định hình thành sau đầu tư và khoản chi phí đầu tư xây dựng dở dang chưa đủ điều kiện vốn hóa để phân bổ vào chi phí trong năm 2020.

Với Dự án Trung tâm thương mại Bắc Qua, ông Vũ Thanh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị HAF đã thông tin tại Đại hội cổ đông của Công ty diễn ra vào ngày 13/10, dự án này do Công ty cổ phần Thương mại Bắc Qua (công ty con HAF sở hữu 53,61% vốn điều lệ) là chủ đầu tư.

Dự án có tổng diện tích đất là 2.200 m2, được phê duyệt xây dựng 67% tổng diện tích, quy mô công trình gồm 2 tầng hầm và 4 tầng nổi. Mới đây, đại hội cổ đông Công ty Bắc Qua đã phê duyệt tổng mức đầu tư dự án là 195 tỷ đồng.

Tương tự, dự án tòa nhà thương mại HFC Lãng Yên do Công ty cổ phần Thương mại Lãng Yên (HAF giữ cổ phần chi phối 51%) làm chủ đầu tư, có diện tích 4.200 m2 nhưng hiện tại chưa được triển khai.

HAF tiền thân là Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thực phẩm Hà Nội, được cổ phần hóa vào năm 2015. Ngoài các quỹ đất lớn, doanh nghiệp còn nổi tiếng là đơn vị quản lý nhiều cơ sở nhà đất mặt tiền ở phố trung tâm Hà Nội là các trung tâm thương mại, siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện ích.

Hội đồng quản trị Công ty cho biết, ngoài 11 địa điểm mạng lưới đã hoàn thành hồ sơ pháp lý thì còn một số địa điểm đang gặp vướng mắc như số 30 Hàng Đào, 61 Lương Ngọc Quyến, 26 Trần Nhật Duật. Có 4 địa điểm là nhà tài sản nhưng chưa làm được hồ sơ pháp lý gồm số 55 Mã Mây, 319 Tây Sơn, 94 Phố Huế, 162 Tựu Liệt do đang có tranh chấp.

Có 5 địa điểm là nhà thuê đã hết hạn gồm số 7 Đinh Liệt, 26 Hàng Buồm, 75 Trần Xuân Soạn, 46 Lương Ngọc Quyến, 24 Trần Nhật Duật. Ngoài ra, địa điểm 141 Trương Định chưa có phương hướng giải quyết về mặt pháp lý.

Công ty có 2 địa điểm là nhà tài sản nhưng trong quy hoạch là số 139 Tây Sơn và kios chợ Châu Long nên không làm được thủ tục thuê đất. Các địa điểm mạng lưới đang triển khai dự án là số 249 - 253 phố Vọng, số 54 ngõ 459 Bạch Mai…

Hiệu quả kinh doanh lẹt đẹt

Ít có doanh nghiệp nào sở hữu nhiều lô đất mặt tiền ở các phố trung tâm Hà Nội như HAF, nhưng đáng buồn là hoạt động kinh doanh của Công ty vẫn lẹt đẹt nhiều năm nay.

Có lợi thế quản lý và sở hữu nhiều khu đất vàng ở Thủ đô, nhưng hoạt động kinh doanh của HAF lại kém hiệu quả. Năm 2016, HAF lỗ 16 tỷ đồng. Năm 2017, Công ty lãi ròng 11,4 tỷ đồng. Năm 2018, Công ty lãi 3,1 tỷ đồng, năm 2019 lãi 8 tỷ đồng, chia cổ tức 4%. Đến năm 2020, doanh thu đạt 127,81 tỷ đồng, sụt giảm 22,78% so với năm 2019, lỗ 5 tỷ đồng.

HAF hoạt động ở 3 mảng chính gồm hoạt động bán lẻ, bán buôn và quản lý, khai thác mạng lưới địa điểm. Dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề đến mảng bán buôn và khai thác mạng lưới địa điểm để cho thuê hoặc hợp tác. Một số địa điểm đóng cửa trả lại mặt bằng, thanh lý hợp đồng trước thời hạn như số 30 Hàng Đào, các quầy cho thuê tại số 7 Đinh Liệt, 35 Lạc Trung.

Sáu tháng đầu năm nay, Công ty đạt doanh thu 71,6 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 225 triệu đồng.

Đáng chú ý, trong báo cáo soát xét bán niên năm nay, kiểm toán đưa ra nhiều ý kiến ngoại trừ.

Cụ thể, báo cáo tài chính của Công ty Bắc Qua phản ánh lỗ lũy kế 23,3 tỷ đồng nhưng HAF chưa trích lập dự phòng tổn thất khoản đầu tư này.

Ngoài ra, đơn vị kiểm toán chưa thu thập được báo cáo tài chính giữa niên độ của các công ty liên kết với HAF như Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh gia súc gia cầm, Công ty cổ phần Ẩm thực Hà Nội, Công ty cổ phần Sản xuất chế biến thực phẩm Hà Nội…

Ngoài ra, theo kiểm toán, tại ngày 30/6/2021, HAF còn một số khoản phải thu về cho vay là 15 tỷ đồng, khoản phải thu khách hàng là 1,7 tỷ đồng và khoản phải thu khác là 2,9 tỷ đồng. Các khoản này đã quá hạn thanh toán trên 3 năm…

Đơn vị kiểm toán cho rằng không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để đánh giá khả năng thu hồi các khoản nợ trên và giá trị dự phòng cần trích lập.

Tin bài liên quan