Là thành viên của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), năm 2015, CTCP Thực phẩm Hà Nội thực hiện IPO thành công 3,4 triệu cổ phần, giá trúng bình quân 15.292 đồng/CP. Công ty bắt đầu hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 5/2015, vốn điều lệ 145 tỷ đồng, đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM năm 2017 với mã chứng khoán HAF, ngành nghề kinh doanh chính là chế biến và bảo quản các loại thực phẩm thịt, thủy sản, rau quả, sản xuất chế biến thức ăn sẵn, bán buôn gạo, ngũ cốc khác, thực phẩm và nhiều đồ dùng khác. Công ty có 6 điểm bán lẻ theo mô hình Hapro Food.
Theo quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa, HAF được để lại 32 cơ sở nhà đất tiếp tục quản lý và sử dụng. Ngoài ra, còn nhiều cơ sở nhà đất khác nằm ở 2 công ty con là CTCP Thương mại dịch vụ Bắc Qua (HAF nắm giữ 53% vốn) và CTCP Thương mại Lãng Yên (HAF nắm giữ 51% vốn).
Phần lớn các cơ sở nhà đất này có diện tích vài trăm m2 nằm ở nhiều phố trung tâm Hà Nội như Đinh Liệt, Hàng Đào, Lương Ngọc Quyến, Hàng Buồm, Trần Nhật Duật, Giảng Võ..., trong đó nhiều địa điểm là nhà hàng, khách sạn hay cửa hàng.
Với những cơ sở nhà đất có diện tích lớn, HAF đầu tư xây dựng một số dự án như dự án Khu nhà ở tại số 54, ngõ 459 Bạch Mai với tổng mặt bằng 2.085 m2, hình thức là hợp đồng hợp tác kinh doanh, đối tác là CTCP Đầu tư và xây dựng Thành Nam làm chủ đầu tư thực hiện toàn bộ việc triển khai dự án; dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ và chung cư cao tầng tại số 249-253 Phố Vọng, tổng mặt bằng 3.255 m2 đang xin chấp thuận chủ trương đầu tư, hình thức hợp tác với Liên doanh Công ty TNHH Dân dụng và công nghiệp Delta - CTCP Tư vấn đầu tư xây dựng và ứng dụng công nghệ mới Vinaconex R&D...
Tuy sở hữu nhiều nhà đất, nhưng trong 4 năm kể từ khi cổ phần hóa, HAF liên tục kinh doanh kém hiệu quả, có năm thua lỗ, không chia cổ tức. Cụ thể, năm 2016, HAF lỗ 16 tỷ đồng. Năm 2017, lãi ròng 11,4 tỷ đồng, nhưng chưa đủ bù đắp lỗ lũy kế. Năm 2018, HAF đạt doanh thu 192 tỷ đồng, nhưng chỉ lãi sau thuế 3,1 tỷ đồng LNST, không đạt kế hoạch đề ra, nên HĐQT HAF đề xuất không chia cổ tức như dự kiến là 3%. Năm 2019, HAF đặt kế hoạch doanh thu 220 tỷ đồng, lãi trước thuế 8 tỷ đồng, chia cổ tức 4%.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, Chủ tọa Đại hội giải trình ngắn gọn với cổ đông nguyên nhân kết quả kinh doanh yếu kém: "Lợi nhuận không đạt kế hoạch là do việc khai thác cho thuê tài sản tại dự án 26 Cao Thắng không thực hiện đúng tiến độ. Quá trình xây dựng xảy ra tranh chấp với các hộ dân liền kề và phải tạm dừng theo ý kiến của cơ quan chức năng.
Sau khi giải quyết đền bù cho các hộ dân, Công ty tiếp tục xây dựng và hoàn thành vào tháng 1/2019". Được biết, dự án 26 Cao Thắng tuy đã hoàn thành, nhưng còn vướng mắc việc bãi xe thương binh lấn chiếm mặt tiền. HAF đặt mục tiêu sẽ giải phóng mặt bằng trong năm 2019 và tìm đối tác cho thuê một số căn thương mại để đảm bảo nguồn thu.
Hai công ty con là Công ty Bắc Qua có dự án ở 19 Hàng Khoai và Công ty Lãng Yên có dự án ở 21 Trần Khánh Dư từ nhiều năm trước, nhưng theo ông Ngô Đức Long, Giám đốc HAF, các dự án này đều chưa có tiến triển.
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2015-2018, báo cáo tài chính của HAF đều có nhiều điểm kiểm toán lưu ý, ngoại trừ. Cụ thể, năm 2015, kiểm toán ngoại trừ khoản doanh thu nội bộ hơn 6,5 tỷ đồng do các đơn vị thuộc HAF không theo dõi riêng hàng hóa mua vào trong nội bộ, dẫn đến không có cơ sở loại trừ doanh thu, giá vốn nội bộ, lãi lỗ chưa thực hiện. HAF có nhiều khoản công nợ không có bản đối chiếu, nhiều khoản phải thu chưa được trích lập theo quy định. Một số khoản đầu tư tài chính chưa có cơ sở để đánh giá, khoản đầu tư vào Công ty Bắc Qua kém hiệu quả, cần trích lập...
Năm 2016, kiểm toán tiếp tục đưa ý kiến ngoại trừ về một số khoản cho vay ngắn hạn có nợ gốc là 13,1 tỷ đồng đã quá hạn thanh toán nhưng chưa thu hồi được và chưa được trích lập dự phòng (dự phòng nợ khó đòi phải trích lập theo quy định hiện hành là 5,6 tỷ đồng). Lỗ lũy kế theo báo cáo tài chính của Công ty Bắc Qua là 19 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn 920 triệu đồng, dự phòng giảm giá cần trích lập là 10,1 tỷ đồng. Báo cáo tài chính hợp nhất chưa loại trừ doanh thu và giá vốn hàng bán nội bộ...
Năm 2017, kiểm toán ngoại trừ khoản phải thu khách hàng gần 1,5 tỷ đồng quá hạn trên 3 năm chưa được trích lập dự phòng. Các khoản cho vay ngắn hạn đã quá hạn vẫn tồn tại, không trích lập dự phòng giảm giá. Dự án Siêu thị Thương mại Bắc Qua tạm dừng thi công dẫn đến chậm đưa dự án vào khai thác, thiếu hụt nguồn thu để thanh toán công nợ phải trả nhà thầu, tiền vay, tiền thuê đất...
Năm 2018, HAF có nhiều khoản ngoại trừ như khoản công nợ 1,8 tỷ đồng đã quá hạn trên 3 năm và chưa được trích lập dự phòng. Các khoản phải thu cho vay ngắn hạn từ năm 2016 chưa được giải quyết, chưa được trích lập. Công ty Bắc Qua nợ Công ty TNHH Dân dụng và công nghiệp Delta hơn 19 tỷ đồng từ nhiều năm trước chưa trả nhưng không thực hiện việc xác nhận công nợ, chưa xác định số lãi chậm trả...