Lãi suất cao nhưng không có tài sản đảm bảo
Đầu năm 2021, thông tin Tập đoàn APEC phát hành lô trái phiếu với lãi suất 13%/năm khiến thị trường tiếp tục ồn ào.
APEC có tiếng là “chịu chi” khi năm 2020 áp dụng lãi suất đến 18%/năm cho lô trái phiếu 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả phát hành cho thấy, không có nhiều nhà đầu tư tham gia mua trái phiếu này, chỉ có khoảng 8 tỷ đồng được đặt mua.
Nay, trên trang web traiphieu.abond.com.vn của Tập đoàn APEC tiếp tục giới thiệu loại trái phiếu Abond mức lãi suất 13%/năm, nhận lãi trực tiếp qua thẻ ATM. Đặc biệt, theo lời quảng bá, lô trái phiếu đợt này có rủi ro thấp do được đảm bảo bởi tài sản doanh nghiệp trị giá gần 2.000 tỷ đồng, thanh khoản cao (rút tiền bất kỳ lúc nào sau 3 tháng kể từ ngày phát hành), thủ tục nhanh gọn.
Trên nhiều website, trang thông tin về tài chính cũng hiển thị banner quảng bá cho đợt phát hành trái phiếu này.
Tìm hiểu các thông tin về trái phiếu APEC, được biết, Hội đồng quản trị Công ty ban hành Nghị quyết ngày 31/12/2020 về việc dự kiến phát hành các gói trái phiếu riêng lẻ với tổng mệnh giá tối đa là 400 tỷ đồng. Trong đó, gói trái phiếu Abond.AG.H.21.24.001 là 1 triệu trái phiếu, tổng giá trị phát hành dự kiến khoảng 100 tỷ đồng.
Mục đích phát hành nhằm bổ sung nguồn vốn lưu động và cung cấp vốn để thực hiện việc đấu giá, phát triển các quỹ đất mới cho Công ty, M&A các doanh nghiệp sở hữu đất vàng, đầu tư mới các dự án tiềm năng trong lĩnh vực bất động sản, chung cư, thương mại, khu công nghiệp và căn hộ du lịch.
Theo bảng lãi suất do doanh nghiệp này cung cấp thì trái phiếu kỳ hạn 24 tháng là 11%/năm, 36 tháng có lãi suất lên tới 13%/năm. Với trái phiếu có lãi suất 13%/năm, nhà đầu tư không được bán trước hạn.
Đây là các lô trái phiếu được phát hành riêng lẻ, là loại trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo.
Đi giữa lằn ranh
Trong vòng 2 năm trở lại đây, hệ sinh thái APEC được khá nhiều người chú ý khi gắn với nhiều dự án bất động sản. Trong đó có APEC Group, Đầu tư APEC (mã cổ phiếu API, đang niêm yết trên HNX), Chứng khoán APEC (mã cổ phiếu APS, đang niêm yết trên HNX) và IDJ (mã cổ phiếu IDJ).
Sự khởi sắc của hệ sinh thái này gắn với mảng kinh doanh bất động sản, với các dự án như Dimond Park Lạng Sơn, Madala Grand Phú Yên, Dự án Hải Tân - Hải Dương, Mũi Né - Bình Thuận, khách sạn hạng sang tại Bắc Ninh...
Tuy không sở hữu cổ phiếu chồng chéo lẫn nhau quá lớn, ngoại trừ Công ty cổ phần Đầu tư APEC Holding trở thành cổ đông lớn của IDJ từ tháng 7/2020 nhưng nhiều nhà đầu tư cho rằng, các doanh nghiệp trong hệ sinh thái này đều được sở hữu tỷ lệ lớn bởi một nhóm cổ đông, do ông Nguyễn Đỗ Lăng, hiện là Chủ tịch APEC Group đứng đầu.
Tổng mức đầu tư các dự án của IDJ theo các kế hoạch đã được công bố lên đến hơn 4.500 tỷ đồng, còn tổng mức đầu tư một số dự án do APEC Group đầu tư vào khoảng 500 tỷ đồng. Do đó, vốn luôn là bài toán mà các doanh nghiệp này phải xem xét, tính toán.
Trở lại với đợt phát hành trái phiếu của APEC Group, nhiều nhà đầu tư cá nhân đặt câu hỏi, họ có thể mua trái phiếu dạng này hay không?
Các thông tin trên Internet về đợt phát hành trái phiếu có đáng tin cậy hay không khi các Nghị định 163/2018/NĐ-CP, Nghị định 153/2020 đều yêu cầu các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc Internet để công bố thông tin chứa đựng nội dung có tính chất quảng cáo, mời chào.
Đồng thời, từ ngày 1/1/2021, quy định của Luật Chứng khoán yêu cầu các đợt phát hành riêng lẻ chỉ dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với rất nhiều điều kiện chứng minh ngặt nghèo.
Ông Nguyễn Văn Quân, Phó tổng giám đốc APEC Group cho biết, do đợt phát hành hiện nay thực hiện theo Nghị quyết Hội đồng quản trị Công ty ban hành ngày 30/12/2020 nên Công ty chưa phải tuân thủ theo Luật Chứng khoán mới.
Theo đó, các đợt phát hành riêng lẻ chỉ được dành cho dưới 100 nhà đầu tư cá nhân và không hạn chế nhà đầu tư chuyên nghiệp. Với quy định như vậy, các nhà đầu tư mua trái phiếu APEC không cần có xác nhận chứng minh nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Ông Quân cũng khẳng định lại, đây là đợt phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo, trái phiếu có lãi suất 13%/năm, nhà đầu tư không được bán trước hạn.
Còn riêng việc vì sao trên môi trường Internet có nhiều thông tin quảng bá về đợt phát hành của APEC Group, ông này cho biết, Công ty không thực hiện đăng tải những thông tin này và nhiều khả năng, các đơn vị hợp tác về thông tin với Công ty vẫn giữ thông tin cũ từ các đợt phát hành trước.
Có chủ động về dòng tiền?
APEC Group không phải công ty đại chúng nên khác với IDJ, nhà đầu tư phần nào có thể kiểm tra sức mạnh tài chính qua các báo cáo tài chính, với doanh nghiệp này, nhà đầu tư chỉ có thể dựa vào bản công bố thông tin của doanh nghiệp đưa ra khi phát hành trái phiếu.
Dù vậy, qua công bố thông tin trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội vào cuối năm 2020, đầu năm 2021, các công ty trong hệ sinh thái này có thực hiện mua lại trái phiếu theo yêu cầu của nhà đầu tư (bán trước hạn).
Thẳng thắn mà nói, quy mô trái phiếu đã bán được của hệ thống APEC không chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp, xét trên các dự án mà họ đã triển khai và có sản phẩm thực đem ra thị trường như Royal Park (Bắc Ninh), Madala Wyndham (Mũi Né), Diamond Lạng Sơn... Nhưng tới đây, các doanh nghiệp còn chào bán trái phiếu, cộng với lãi suất mà APEC và IDJ đưa ra thường cao hơn mặt bằng chung của thị trường nên nhà đầu tư khá băn khoăn về dòng tiền và phương án kinh doanh để đảm bảo khả năng chi trả gốc và lãi cho trái chủ.
Đợt phát hành với lãi suất 18%/năm trước đây, Công ty đưa ra điều kiện khá ngặt nghèo... nên lường trước khả năng không dễ huy động thành công, mà chủ yếu tạo ra một ấn tượng như một lời chào với các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu.
Về điểm này, ông Quân cho biết, đợt phát hành với lãi suất 18%/năm trước đây, Công ty đưa ra điều kiện khá ngặt nghèo, chẳng hạn kỳ hạn tới 5 năm... nên lường trước khả năng không dễ huy động thành công, mà chủ yếu tạo ra một ấn tượng như một lời chào với các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu.
Còn với các trái phiếu có lãi suất 11-13%/năm như hiện nay, nếu so sánh cũng không phải là mức lãi suất quá cao so với bản chào của các doanh nghiệp khác (chỉ chênh lệch 1 - 2%/năm), còn so với lãi suất vay vốn ngân hàng, mức lãi chi trả cho nhà đầu tư là tương đương.
Với cơ cấu huy động 100 tỷ đồng, thực sự không phải là số tiền lớn với doanh nghiệp, song thông qua kênh trái phiếu, Công ty muốn đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, để chủ động hơn trong các kế hoạch kinh doanh.
Điều quan trọng, để đảm bảo dòng tiền cho các dự án, theo chia sẻ của vị phó tổng giám đốc này, các công ty trong hệ sinh thái APEC thường tham gia đấu giá đất nhà nước chào bán công khai nên pháp lý rất chắc chắn, có thể đưa vào triển khai nhanh để có sản phẩm bán ra thị trường.
“Chúng tôi chọn các sản phẩm có giá trị xoay quanh 1 tỷ đồng/sản phẩm với mục tiêu chú trọng thanh khoản, hướng đến phân khúc số đông khách hàng, nhà đầu tư. Bởi vậy, APEC Group tin tưởng và đảm bảo vấn đề này”, ông Quân khẳng định.