Có thưởng, nhưng không quá cao
VP Bank vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2017 rất tích cực, với mức lãi lên tới 8.126 tỷ đồng. Hỏi ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank rằng chắc năm nay, Ngân hàng chia thưởng rất lớn, vị lãnh đạo cho biết: “Ngân sách dành cho thưởng Tết năm nay chắc chắn sẽ tăng, bởi nhân sự tăng. Mức thưởng cụ thể là bao nhiêu thì Hội đồng quản trị chưa quyết định, nhưng sẽ cao hơn năm 2016”.
Theo ông Vinh, bình quân năm 2016, mỗi cán bộ nhân viên trong Ngân hàng được thưởng 3,5 tháng lương, trong đó bao gồm cả tháng lương thứ 13. Năm 2017, VPBank đã chia thưởng một phần vào dịp Tết Dương lịch, mức thưởng vào dịp Tết Âm lịch sẽ phụ thuộc vào vị trí làm việc, kết quả kinh doanh của từng đơn vị…
“Có những cá nhân xuất sắc sẽ được thưởng Tết cao, nhưng những cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ không được thưởng mà chỉ có chút tiền Tết của Ngân hàng”, ông Vinh nói.
Với mức NIM thấp, hệ thống ngân hàng đâu có xứng đáng để hưởng một mức lương thưởng cao
- Chủ tịch HĐQT một ngân hàng thương mại
Ví vui “cả năm làm việc vất vả không thấy mệt bằng 2 ngày tính thưởng Tết cho cán bộ nhân viên”, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, năm nay, kết quả kinh doanh tốt nên ngân hàng dự kiến chia thưởng cho nhân viên bình quân khoảng 3 tháng thu nhập.
Thông tin thưởng Tết không chỉ là mối quan tâm của người lao động trong mỗi tổ chức, doanh nghiệp, mà còn là căn cứ để cổ đông, thị trường nắm được tình hình sức khỏe tài chính cũng như chính sách nhân sự của doanh nghiệp đó.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, Chủ tịch Hội đồng quản trị một ngân hàng thương mại khác cho rằng, kết quả kinh doanh năm qua dù khả quan hơn so với các năm trước, nhưng với đặc thù hoạt động của ngành ngân hàng thì việc thưởng tết “khủng” là không hợp lý.
Tại ngân hàng này, cán bộ nhân viên đã được trả tháng lương thứ 13 và có thể được thưởng thêm cùng lắm là 2 tháng lương nữa trong dịp Tết Nguyên đán.
“Doanh nghiệp không có tiền có thể dừng hoạt động, nhưng ngân hàng không thể không có tiền nên những lúc kinh doanh thuận lợi phải biết “tích cốc phòng cơ”. Một vấn đề nữa là, ngân hàng đã liên tục hạ lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nên hệ số NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) thấp. Chúng tôi cũng đang lên kế hoạch tăng vốn chủ sở hữu nên phải tiết giảm chi phí”, vị Chủ tịch nói.
Theo khuyến cáo của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm thế giới, để hệ thống các tổ chức tín dụng phát triển lành mạnh, hệ số NIM phải đạt ít nhất là 3,5%. Trong khi đó, NIM của các ngân hàng thương mại Việt Nam ước tính đến tháng 11/2017, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, chỉ đạt khoảng 2,82%, thấp hơn khuyến cáo, đồng thời thấp hơn một số nước trong cùng khu vực như Thái Lan (3,07%), Indonesia (5,82%), Philippines (3,58%)…
Vị Chủ tịch trên thẳng thắn: “Với mức NIM như vậy, hệ thống ngân hàng đâu có xứng đáng để hưởng một mức lương thưởng cao”.
Thực tế, lãnh đạo một số ngân hàng đang tái cơ cấu cho biết, cán bộ nhân viên nhiều năm nay không biết đến khoản thưởng tết là gì.
Thưởng tết khủng: Có thể là chiêu truyền thông!?
Về thông tin có ngân hàng thưởng tết đến 7 - 8 tháng lương, lãnh đạo cao cấp một ngân hàng thương mại chia sẻ, ngân hàng Việt Nam chưa lãi “kinh khủng để có thể xông xênh như vậy”.
“Có thể đây là một chiêu thức truyền thông, hoặc 8 tháng lương chỉ là lương kinh doanh. Nhiều ngân hàng chia lương thành 2 mức: lương cứng và lương kinh doanh. Lương cứng chiếm 80% và lương kinh doanh chỉ chiếm 20%. Do vậy, thực tế mức thưởng sẽ không cao như mọi người tưởng”, vị lãnh đạo trên nói.
Giám đốc một ngân hàng khác thì cho biết, mỗi ngân hàng có những cơ chế, chính sách lương thưởng riêng và thực tế, cơ chế này gần như mỗi năm thay đổi một lần. Việc đạt được mức lương, thưởng cao hay không là do từng cá nhân đàm phán được với ngân hàng.
Vị này lấy ví dụ, một nhân sự có thể thỏa thuận với ngân hàng mức lương là 100 triệu đồng/tháng, nhưng ngân hàng sẽ tách mức lương đó thành hai khoản: Lương cơ bản ngân hàng ký với người lao động để làm căn cứ nộp bảo hiểm xã hội chỉ có 28 triệu đồng, 72 triệu đồng còn lại được thanh toán dưới tên gọi “chi phí kêu gọi nhân tài”.
“Ngoài tháng lương thứ 13 do thỏa thuận ban đầu, cuối năm, ngân hàng chi thưởng 2 tháng lương cơ bản. Con số này thực tế không lớn”, vị giám đốc trên nói.
Thông tin chia thưởng 7-8 tháng lương có thể là một chiêu thức truyền thông, hoặc 8 tháng lương chỉ là lương kinh doanh. Nhiều ngân hàng chia lương thành 2 mức: lương cứng và lương kinh doanh. Lương cứng chiếm 80% và lương kinh doanh chỉ chiếm 20%
Giải thích về căn cứ tính lương thưởng cho nhân sự, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết, thông thường, các ngân hàng giao chỉ tiêu cho các đơn vị kinh doanh cho năm hoạt động bao gồm: số tuyệt đối và tỷ lệ tăng trưởng cho huy động thị trường 1, huy động thị trường 2, cho vay thị trường 1, cho vay thị trường 2, lợi nhuận trước thuế, doanh thu từ dịch vụ, nợ xấu, quỹ lương.
Trên bình diện toàn ngân hàng, các ngân hàng có thể đưa ra những chỉ tiêu phải thực hiện bao gồm số tuyệt đối và tỷ lệ tăng trưởng của tổng tài sản, huy động, cho vay, tài sản có tính thanh khoản cao, đầu tư, nợ xấu toàn ngân hàng và các chỉ tiêu lợi nhuận bao gồm lợi nhuận trước thuế, chi phí hoạt động, ROA, ROE và hệ số an toàn vốn CAR.
Các ngân hàng thẩm định kết quả kinh doanh và việc thực hiện các chỉ tiêu hàng tháng, hàng quý và thông thường tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng và hội nghị tổng kết 12 tháng để đánh giá kết quả kinh doanh cho toàn ngân hàng. Vào dịp tổng kết năm (thường được tổ chức vào tháng 1 hàng năm), ban lãnh đạo ngân hàng tuyên bố lương thưởng cho các cán bộ nhân viên.
Về năng lực tài chính của hệ thống ngân hàng, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết:
Tính đến thời điểm 30/11/2017, tổng tài sản của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đạt gần 9,5 triệu tỷ đồng, tăng gần 12% so với cuối năm 2016 và tăng gần 30% so với cuối năm 2015. Trong tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng ở Việt Nam, khối ngân hàng thương mại nhà nước chiếm xấp xỉ 48%, tiếp theo là các ngân hàng thương mại cổ phần chiếm gần 41%.
Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt gần 650.000 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cuối năm 2016 và tăng gần 17% so với cuối năm 2015. Trong đó, khối ngân hàng thương mại nhà nước tăng gần 8% so với cuối năm 2016 và tăng xấp xỉ 15% so với cuối năm 2015; khối ngân hàng thương mại cổ phần tăng gần 12% so với cuối năm 2016 và tăng xấp xỉ 18% so với cuối năm 2015.
Vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 500.000 tỷ đồng, tăng gần 3% so với cuối năm 2016; trong đó, khối NHTM nhà nước tăng gần 1%, khối NHTM cổ phần tăng gần 5%, khối ngân hàng liên doanh và nước ngoài tăng gần 5%. So với cuối năm 2015, vốn điều lệ của toàn hệ thống tăng gần 10%; trong đó khối NHTM nhà nước tăng gần 8%, khối NHTM cổ phần tăng gần 9%, khối ngân hàng liên doanh và nước ngoài tăng gần 17%.
Tuy nhiên, so với các quốc gia trong khu vực, quy mô của hệ thống tài chính Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. NHNN đang hoàn thiện phương án nâng cao năng lực tài chính cho 4 NHTM do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tích cực chỉ đạo các NHTM nhà nước rà soát kế hoạch tăng vốn nhằm đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực vốn Basel 2…