Thực hư chuyện "ép" học sinh mua bảo hiểm

Thực hư chuyện "ép" học sinh mua bảo hiểm

(ĐTCK) Phụ huynh học sinh yêu cầu phải rõ ràng giữa hai loại bảo hiểm.

>> Cấm gây sức ép bán bảo hiểm học sinh

>> Bảo hiểm học sinh: “Cửa hẹp” với DN “ngoại”

>> Bảo hiểm học sinh: Mải bán, quên tư vấn  

 

Sau loạt bài về bảo hiểm học sinh như: “Cấm gây sức ép bán bảo hiểm học sinh”, “Bảo hiểm học sinh: Mải bán, quên tư vấn”, ĐTCK đã nhận được không ít quan điểm đồng tình của phụ huynh học sinh về việc phải có giải pháp hạn chế tình trạng gây sức ép bán bảo hiểm học sinh. Đồng thời, một số phụ huynh phản ánh, có trường còn “ép” học sinh mua bảo hiểm, nếu không mua sẽ bị “này nọ”.

Thực hư chuyện "ép" học sinh mua bảo hiểm ảnh 1

Bảo hiểm thân thể (tự nguyện) có tỷ lệ học sinh tham gia cao

Một phụ huynh cho biết qua email: “Ở Trường THCS Hoàng Xuân Hãn, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh nơi con tôi học đặt ra tiêu chí, nếu học sinh không mua bảo hiểm thân thể thì cuối năm bị hạ một mức hạnh kiểm và bị xét đánh giá tới thi đua của lớp. Thật là phi lý. Mong các phụ huynh khác hãy cùng lên tiếng với tôi”.

ĐTCK đã liên hệ với Trường THCS Hoàng Xuân Hãn. Trao đổi qua điện thoại, bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn nhà trường cho biết, không có chuyện nhà trường quy định học sinh không mua bảo hiểm thân thể thì cuối năm sẽ bị hạ một mức hạnh kiểm và bị xét đánh giá tới thi đua của lớp.

“Chúng tôi cam đoan là nhà trường không ép học sinh mua bảo hiểm thân thể (bảo hiểm tự nguyện được cung cấp từ các DN bảo hiểm). Thậm chí, ngay cả với sản phẩm bảo hiểm y tế bắt buộc, nhà trường cũng không ép mua hay có hình thức kỷ luật nào. Mọi thứ chỉ dừng ở việc vận động, khuyến khích học sinh mua bảo hiểm, chứ không o ép”, bà Vân nói.

Bà Vân cho biết thêm, đa số học sinh theo học tại Trường đều xuất thân từ gia đình có điều kiện, lại có ý thức cao về bảo vệ sức khỏe, nên tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế hầu như năm nào cũng đạt 100%, lại tham gia sớm (ngay từ đầu năm học đã hoàn thành việc tham gia bảo hiểm), do đó luôn được Bảo hiểm Tỉnh xét thưởng vào dịp cuối năm. Còn đối với sản phẩm bảo hiểm thân thể cũng thu hút nhiều học sinh tham gia.

ĐTCK trao đổi với một số trường học khác thì được chia sẻ, ngay từ năm học mới, nhà trường nhận được công văn yêu cầu tham gia bảo hiểm y tế, nhưng tất cả chỉ mang tính động viên, khuyến khích, chứ không đưa ra hình thức kỷ luật nào đối với trường nếu học sinh không tham gia đủ. Thậm chí, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện con nhà chính sách hay diện nghèo vượt khó, còn được nhà trường hỗ trợ mua bảo hiểm y tế.

Mặc dù vậy, về phía phụ huynh học sinh, nhiều ý kiến cho rằng, tuy không chính thức hóa việc ra “kỷ luật” đối với học sinh nếu không tham gia bảo hiểm, nhưng tại một số trường, hiện tượng cưỡng chế thông qua hình thức nói miệng là có.

Thực tế, dù là loại hình bảo hiểm nào, bắt buộc hay tự nguyện, cũng đều có lợi khi góp phần trang trải chi phí khám, chữa bệnh của những người tham gia bảo hiểm. Trong khi đó, mức phí bảo hiểm không cao. Vấn đề là phụ huynh học sinh yêu cầu phải rõ ràng giữa hai loại bảo hiểm này, không được gây áp lực cho học sinh hoặc “mập mờ” để phải tham gia cả hai, nhất là đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.  

 

Luật Bảo hiểm y tế quy định, trẻ em dưới 6 tuổi và học sinh, sinh viên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Theo Nghị định số 92/2011/NĐ-CP, nếu không đóng bảo hiểm y tế của đối tượng có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế thì sẽ bị:

1. Cảnh cáo;

2. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:      

a) Buộc tham gia BHYT theo quy định pháp luật về BHYT;

b) Buộc nộp số tiền phải đóng vào tài khoản thu của Quỹ BHYT.