Mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã lên tiếng về việc dừng cho vay mua nhà ở hình thành trong tương lai. Theo BIDV, ngân hàng này vẫn triển khai cho vay và nhận thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, đối với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, từ ngày 10/12/2015 đến 18/1/2016, BIDV vẫn tiếp tục đẩy mạnh cho khách hàng vay theo gói 30.000 tỷ đồng, tiếp nhận và giải quyết cho vay 653 hồ sơ cá nhân vay vốn, dư nợ tăng thêm 630 tỷ đồng, đạt 4.686 tỷ đồng; tiếp tục giải ngân cho các doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội, dư nợ tăng thêm 246 tỷ đồng, đạt 1.949 tỷ đồng.
"Một số ngân hàng từ chối cho người mua nhà dùng tài sản hình thành trong tương lai làm căn hộ thế chấp là do hiểu chưa đúng về quy định này" - ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM.
Tuy nhiên, BIDV cũng cho biết, Ngân hàng đang gặp vướng mắc về việc thế chấp một số tài sản đảm bảo là nhà ở mua của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng, nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản; nhà ở của cá nhân, hộ gia đình, tổ chức được xây dựng trên khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình, đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng, nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản; quyền tài sản liên quan đến dự án xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai.
Cụ thể, theo quy định của pháp luật về nhà ở và các văn bản hướng dẫn, việc nhận thế chấp quyền tài sản liên quan đến dự án đầu tư xây dựng nhà ở/nhà ở hình thành trong tương lai được thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở 2014, Nghị định 99/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên, Luật Nhà ở, Nghị định 99/2015/NĐ-CP và Thông tư số 26/2015/TT-NHNN đều chưa có hướng dẫn cụ thể về việc nhận thế chấp quyền tài sản liên quan đến dự án đầu tư xây dựng nhà ở/nhà ở hình thành trong tương lai.
Mặt khác, hiện nay, do các hướng dẫn và quy định của pháp luật chưa cụ thể, nên phần lớn các văn phòng đăng ký đất đai địa phương từ chối xác nhận đăng ký giao dịch bảo đảm đối với việc nhận thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai. Vì vậy, cũng như các tổ chức tín dụng khác, ngày 5/1/2016, BIDV đã có Văn bản số 43/BIDV-PC đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành liên quan có hướng dẫn để tháo gỡ các vướng mắc nêu trên cho BIDV nói riêng và các tổ chức tín dụng nói chung.
BIDV cho biết, để đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, trong thời gian chờ hướng dẫn cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan chức năng và tránh rủi ro pháp lý liên quan đến việc nhận tài sản đảm bảo đối với các tài sản nói trên, BIDV tạm thời ngừng nhận thế chấp đối với các tài sản này, mà chỉ nhận làm tài sản bảo đảm bổ sung.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho hay, đã tạm ngưng nhận thế chấp những tài sản hình thành trong tương lai đối với những dự án mà Ngân hàng không liên kết với chủ đầu tư. Đối với những dự án mà Vietcombank và chủ đầu tư có ký kết thì vẫn triển khai bình thường. Còn Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vẫn cho vay với điều kiện hồ sơ pháp lý của dự án phải đầy đủ và chỉ phối hợp với những chủ đầu tư dự án chưa vay vốn ở ngân hàng khác…
Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho rằng, một số ngân hàng từ chối cho người mua nhà dùng tài sản hình thành trong tương lai làm căn hộ thế chấp là do hiểu chưa đúng về quy định này. Hiện nay, khách hàng vẫn được vay mua nhà bình thường. Tài sản hình thành trong tương lai là tài sản của người mua nhà. Người mua nhà được quyền thế chấp tài sản đó, được công chứng thế chấp và được vay vốn theo quy định của pháp luật.
Theo ông Minh, khả năng trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản hướng dẫn, giải thích rõ để các ngân hàng cũng như người mua nhà hiểu rõ hơn về vấn đề này nhằm tạo thuận lợi trong quá trình làm các thủ tục mua nhà. Cũng như đối với vay mua nhà thông thường, gói vay 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người thu nhập thấp vẫn tiếp tục được giải ngân, không đòi hỏi người mua phải có tài sản khác được thế chấp.