Những sản phẩm bất động sản được đầu tư bài bản, pháp lý đầy đủ vẫn hút khách. Ảnh: Việt Dũng

Những sản phẩm bất động sản được đầu tư bài bản, pháp lý đầy đủ vẫn hút khách. Ảnh: Việt Dũng

Thực hư chuyện cắt lỗ bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều thành viên thị trường cho rằng, động thái bán cắt lỗ nhà đất thời gian gần đây chủ yếu diễn ra tại nhóm nhà đầu tư sử dụng nợ vay nhiều và ở những dự án có hạ tầng, tiện ích chưa đồng bộ, chứ không phải trên diện rộng.

Mua một căn hộ tại dự án Chung cư Hausneo ở quận 9 cũ (nay là TP. Thủ Đức, TP.HCM) vào đầu năm 2019 để cho thuê, nhưng do vị trí dự án không thuận lợi cho việc đi lại nên không nhiều khách thuê, cộng với khó khăn về tài chính do ảnh hưởng dịch, chị Vũ Hương quyết định rao bán lại căn hộ với giá 2,2 tỷ đồng, thấp hơn 200 triệu đồng so với các căn hộ khác tại dự án.

Theo lời kể của chị Hương, số tiền hơn 12 triệu đồng trả nợ vay mua nhà hàng tháng là không quá lớn bởi được chủ đầu tư ân hạn nợ gốc đến tận lúc bàn giao nhà, nhưng vì khai thác cho thuê không như kỳ vọng nên chị phải bán lỗ để giảm bớt áp lực tài chính.

Tương tự là trường hợp của anh Đinh Văn Điềm (38 tuổi) ngụ tại quận Bình Thạnh (TP.HCM), sau nhiều năm lên thành phố làm việc, đầu năm 2020, vợ chồng anh quyết định mua một mảnh đất tại khu Đông TP.HCM với giá 1,8 tỷ đồng để xây nhà. Tính cả tiền mua đất và làm nhà, anh phải vay ngân hàng khoảng 1,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, niềm vui cất được căn nhà mới ở thành phố không kéo dài. Đầu tháng 3/2022, vợ chồng anh quyết định bán nhà, một phần để giảm áp lực nợ vay bởi sau 1 năm được ưu đãi lãi suất, từ đầu năm 2022 trở đi, tiền lãi vay (thả nổi) và nợ gốc phải trả ngân hàng tăng lên hơn 25 triệu đồng mỗi tháng.

“Đầu tháng 3 rao bán giá gốc không ai hỏi mua, nên từ tháng 4 tôi giảm giá bán 100 triệu đồng, trong đó có 50 triệu đồng là các khoản ưu đãi nhận được khi mua đất nhưng tới nay vẫn chưa có khách quan tâm. Nếu tiếp tục kéo dài, tôi sẽ bị lỗ tiền lãi suất, chưa kể khoản phí môi giới 2% giá trị hợp đồng”, anh Điềm lo lắng.

Thời gian gần đây, trên các trang giao dịch bất động sản xuất hiện nhiều thông tin rao bán các sản phẩm bất động sản với những lời rao như “Do cần vốn gấp nên bán…”, “Cắt lỗ lô đất gần 200 triệu đồng…”, “Bán cắt lỗ gấp...”,...

Việc thông tin rao bán cắt lỗ được đăng tải rầm rộ dễ tạo cảm giác nhiều nhà đầu tư đang tháo chạy khỏi thị trường bất động sản. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, điều này không diễn ra trên diện rộng mà chủ yếu tập trung tại các dự án nhỏ lẻ, cách xa trung tâm, tiện ích và hạ tầng kết nối chưa đồng bộ…, đặc biệt tại nhóm nhà đầu tư sử dụng nhiều vốn vay từ ngân hàng.

Tại talkshow “Sức hút bất động sản vùng ven” do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, ông Trần Thế Anh, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Thắng Lợi cho rằng, những động thái như kiểm soát chặt hơn dòng vốn vào thị trường bất động sản, siết chặt hơn quy hoạch dự án, phân lô tách thửa đất hay mạnh tay áp thuế chuyển nhượng bất động sản… dường như khiến thị trường địa ốc trầm lắng hơn. Tuy nhiên, điều này chỉ diễn ra trong ngắn hạn và tác động tới các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy nợ vay nhiều, trong khi nhà đầu tư sử dụng tiền “thịt” ít bị ảnh hưởng.

Đồng quan điểm, ông Trần Văn Đường, Tổng giám đốc Tập đoàn Quốc tế Năm Sao cho hay, việc nhà đầu tư bán cắt lỗ trong thời điểm hiện nay chủ yếu diễn ra ở các dự án có hạ tầng, tiện ích chưa hoàn thiện, còn những dự án được đầu tư bài bản, pháp lý hoàn chỉnh vẫn hút khách.

“Từ thực tế tại các dự án của Tập đoàn, chúng tôi chưa ghi nhận tình trạng khách hàng bỏ cọc hay bán cắt lỗ, ngược lại vẫn thu hút được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư và cư dân chuyển về sinh sống ngày một đông”, ông Đường chia sẻ thêm.

Tin bài liên quan