Thực hiện Di chúc thiêng của Bác, thực hiện “mong muốn cuối cùng” đó của Bác, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giành độc lập dân tộc, thống nhất non sông, và nay, tiếp tục noi gương Bác, đang làm tất cả vì một nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường.
Chúng ta có thể tự hào rằng, thực hiện mong muốn của Bác, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, đặc biệt là hơn 30 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, đất nước ta đã tự tin hội nhập, đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Từ đau thương, đổ nát, đói nghèo do chiến tranh, người dân Việt Nam đã không chỉ “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, mà còn vượt lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình trên thế giới; là địa chỉ đầu tư, làm ăn hấp dẫn; là bạn bè, đối tác tin cậy của nhiều quốc gia trên thế giới; là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Có thể tự hào rằng, noi gương Bác, chúng ta đã và đang tiếp tục công cuộc chỉnh đốn Đảng, với những chuyển biến tích cực và rõ nét, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, với con đường đi lên mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.
Nhưng, để thực hiện trọn vẹn lời thề thiêng liêng với Bác, thực hiện trọn vẹn di nguyện của Người về xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường, vẫn còn đó không ít điều mỗi cán bộ, đảng viên phải trăn trở, suy tư và hành động.
Phải làm sao để đất nước ổn định về chính trị và xã hội, giữ vững những thành quả của sự nghiệp cách mạng, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững trong bối cảnh thế giới đa cực ngày càng biến động khó lường?
Phải làm gì để tận dụng đà chạy của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với bao cơ hội rộng mở, nhưng cũng đầy những thách thức có thể cản trở, kéo lùi sự phát triển nếu chúng ta không đủ năng lực, trí tuệ để nắm bắt?
Phải làm sao để doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt tự tin, vững bước ra thế giới, đứng vững trước sóng gió thương mại toàn cầu?
Cùng với những thách thức khách quan trên là những vấn đề nội tại cần được giải quyết. Đó là những tồn tại, yếu kém cố hữu của nền kinh tế và doanh nghiệp Việt liên quan đến năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh. Đó là những vướng mắc về cơ chế, chính sách còn đang lúc này, lúc khác ngáng trở bước tiến của nền kinh tế và doanh nghiệp. Đó là tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, tình trạng tham nhũng, lãng phí còn nhức nhối, làm suy giảm niềm tin của nhân dân…
Chỉ khi trả lời một cách thuyết phục những câu hỏi nêu trên, nghĩa là giải quyết triệt để được những tồn tại, yếu kém đó, chúng ta mới có thể tạo nên một sức mạnh thống nhất, toàn lực, để thực hiện trọn vẹn mong muốn cuối cùng của Bác, dựng xây được một quốc gia giàu mạnh, dân tộc trường tồn.