Tại Việt Nam, cần tổ chức truyền thông, đào tạo, hướng dẫn nhiều hơn nữa để doanh nghiệp ý thức được PTBV là một xu hướng tất yếu của thời đại.
Ông Tôn Thất Hạc Minh
Theo ông, đâu là bí quyết để thành công trong quá trình thực hiện chiến lược PTBV tại một số doanh nghiệp quốc tế?
Trong gần 20 năm, tôi giữ vai trò là người triển khai và áp dụng các yêu cầu về PTBV khi còn làm tại nhà máy, hay ở vị trí của người giám sát, thẩm định việc tuân thủ quá trình này tại các đối tác của Tập đoàn IKEA. Tôi thấy rằng, cam kết của lãnh đạo cao cấp quyết định hơn 50% khả năng thực hiện thành công PTBV, những người luôn đặt PTBV trong định hướng và đường lối phát triển chung của công ty.
Thông thường, chiến lược PTBV có tầm nhìn khoảng 8-10 năm, được đặt ra với các cam kết và mục tiêu cụ thể theo nguyên tắc “đòi hỏi rất cao, nhưng cũng rất thực tế” (stretch but remain realistic). Đi kèm là các “động lực thay đổi” (change drivers) gắn kết với khách hàng, chuỗi cung ứng và cộng đồng cũng được đề ra cụ thể, trên phạm vi có thể ảnh hưởng của doanh nghiệp. Sau đó, một quy trình hoạch định và triển khai được đặt ra nhằm hiện thực hóa các chiến lược tới từng các đơn vị cơ sở và trở thành kế hoạch hành động cho từng năm. Một khi được duyệt, các hành động này sẽ được đo đếm định kỳ, với các chỉ tiêu được giao đến từng nhân viên, bên cạnh các chỉ tiêu hoạt động khác. Đó là các yếu tố quyết định sự thành công trong việc thực hiện PTBV của doanh nghiệp nước ngoài.
Hiệu quả của việc gắn liền hoạt động kinh doanh với định hướng và thực hiện PTBV trong dài hạn của những doanh nghiệp này như thế nào, thưa ông?
Khi nói đến PTBV trong doanh nghiệp, trước hết là nói đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cụ thể là với người lao động. Nếu doanh nghiệp tạo được môi trường lao động lành mạnh, nhiều tin cậy cho người lao động với thu nhập công bằng, ổn định, sẽ giúp bình ổn được lực lượng lao động. Kéo theo đó là thu hút và giữ được nhân viên giỏi, nền tảng quan trọng cho mọi hoạt động cải tiến hiệu suất lao động và tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Kế đó, một hệ thống quản lý PTBV hiệu quả sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn lao động, giảm thiểu ô nhiễm, được cộng đồng ủng hộ. Đây sẽ là động lực thúc đẩy tiến trình “cải thiện liên tục”, giúp bổ trợ, củng cố và cải thiện các quy trình hoạt động khác như quản lý chất lượng, quản lý nhân sự, quản lý sản xuất, từ đó giảm thiểu chi phí hoạt động, tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Hơn thế nữa, sự minh bạch trong hoạt động, uy tín doanh nghiệp sẽ làm tăng giá trị thương hiệu, tạo nên lợi thế trong việc thu hút khách hàng, thu hút đầu tư. Qua đó, giúp doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận ổn định để phát triển vững chắc.
Vậy theo ông, việc thực hiện PTBV tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện ra sao?
Phát triển bền vững ở Việt Nam đến nay không còn là một khái niệm mới, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007 và ký kết các hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác. Tuy vậy, tại nhiều doanh nghiệp, PTBV vẫn còn được xem như một phần cam kết kinh doanh, điều kiện của hợp đồng buộc phải thực hiện… chứ chưa trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống quản lý, hoặc được dùng như một đòn bẩy kinh tế, một công cụ cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất bằng tiết giảm năng lượng.
Quan điểm xem PTBV là chi phí (buộc phải bỏ ra), thay vì là sự đầu tư khôn ngoan cũng khá phổ biến ở các doanh nghiệp có trình độ phát triển chưa cao. Các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là tại châu Âu, thường tích hợp PTBV trong chiến lược kinh doanh, dùng PTBV để tạo ra “bản sắc doanh nghiệp” (corporate identity), thậm chí như một chính sách phòng vệ (defensive policy) nhằm đảm bảo các điều cần thiết cho việc kinh doanh của mình.
Theo tôi, có sự khác biệt trong cách nhìn nhận về PTBV giữa các doanh nghiệp tại châu Âu và Mỹ. Cụ thể, các doanh nghiệp Mỹ thường truyền thông về PTBV bằng ngôn ngữ thực dụng của nhà kinh tế, trong khi các doanh nghiệp châu Âu thường đặt nặng vấn đề trách nhiệm công dân, các cam kết mang tính đạo đức, gắn kết với văn hóa và giá trị doanh nghiệp… Gần đây, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển đổi mạnh mẽ trong thực thi PTBV và tôi tin rằng, đó là lựa chọn đúng và duy nhất nếu doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển trong bối cảnh hội nhập sâu rộng trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, còn rất nhiều doanh nghiệp bỡ ngỡ trong việc lập báo cáo PTBV, chia sẻ của ông cho những doanh nghiệp này?
Theo tôi, như bất kỳ một báo cáo nào, trước tiên, lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp cần có được một cái nhìn xuyên suốt trong việc lập báo cáo bằng cách tự hỏi và trả lời các câu hỏi: Vì sao doanh nghiệp cần lập báo cáo? Doanh nghiệp nên báo cáo vấn đề gì? Ai sẽ là người đọc báo cáo này? Làm sao để người đọc thấy rằng, báo cáo là đáng tin cậy?
Sau đó, chọn đọc báo cáo của một số doanh nghiệp cùng ngành nghề khác, có quy mô tương tự để dễ hình dung báo cáo công ty mình một cách sơ lược. Khi bắt tay thực hiện báo cáo, doanh nghiệp nên lựa chọn một chuẩn mực báo cáo phù hợp, chẳng hạn theo “Hướng dẫn lập báo cáo PTBV” của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), hay Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (GRI) G4…Việc thành lập một nhóm dự án thực hiện là điều cần thiết, nếu doanh nghiệp có thể sử dụng các đơn vị tư vấn có kinh nghiệm sẽ giúp thúc đẩy tiến trình thực hiện được nhanh chóng và chuyên nghiệp hơn.
Vậy khâu quan trọng nhất để thực hiện một báo cáo PTBV tốt là gì, thưa ông?
Ngoại trừ có được sự cam kết cao và hậu thuẫn mạnh từ lãnh đạo doanh nghiệp, không có một khâu đơn lẻ nào được xem là tối quan trọng, mà tất cả các khâu đều quan trọng như nhau. Một báo cáo PTBV tốt là một báo cáo kết hợp hài hòa trong việc trình bày một cách hiệu quả và đầy đủ về nội dung, với độ tin cậy cao của thông tin, cũng như tiêu chí bình chọn.
Báo cáo tốt về mặt nội dung phải đầy đủ, súc tích và thể hiện được năng lực doanh nghiệp trong việc tiến lên phía trước với một tầm nhìn dài hạn. Người viết phải thực sự nhạy cảm với nhu cầu của người đọc và thể hiện được cam kết cao của lãnh đạo trong việc tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp và các bên liên quan.
Về hình thức, trình bày, “chìa khóa” tạo nên sức hấp dẫn của báo cáo chính là việc lựa chọn một phương thức truyền thông đơn giản, hiệu quả; trình bày báo cáo dễ đọc, giúp người đọc tìm được các nội dung quan tâm một cách dễ dàng. Nói cách khác, nếu được cung cấp một tấm bản đồ đẹp về hình thức, súc tích về mặt nội dung và đơn giản trong việc tìm điểm cần đến, du khách sẽ rất hứng khởi và mạnh dạn cất bước lữ hành.
Theo ông, bên cạnh những lợi ích dài hạn nêu trên, việc thực hiện tốt một báo cáo PTBV còn có lợi ích như thế nào đối với doanh nghiệp Việt Nam?
Xin mượn lời của IFC trong Lời nói đầu của cuốn “Hướng dẫn lập báo cáo phát triển bền vững” để trả lời cho câu hỏi này.
“…báo cáo PTBV là xu hướng tất yếu để tăng cường tính minh bạch và hướng tới cải thiện tính bền vững của các hoạt động đầu tư của mình. Đây cũng là công cụ quản lý có thể giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới sản phẩm, dịch vụ, củng cố quan hệ với các bên liên quan, gia tăng giá trị tên tuổi và thu hút đầu tư”.
Điều này càng có ý nghĩa hơn khi mức độ cam kết hội nhập kinh tế quốc tế đã chuyển dần từ thấp lên cao, từ hẹp sang rộng, phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế khu vực và thế giới.