Thưa bà, cùng một đối tượng được thanh tra, kiểm toán, nhưng kết luận KTNN, Thanh tra Nhà nước khác với kết luận của thanh tra thuế thì thực hiện theo kết luận nào?
Theo Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi, KTNN và Thanh tra Nhà nước thực hiện kiểm toán, thanh tra các hoạt động đối với cơ quan quản lý thuế. Với chức năng kiểm toán tài chính công, tài sản công; phòng, chống tham nhũng…, KTNN và Thanh tra Nhà nước thực hiện kiểm toán, thanh tra trực tiếp tại doanh nghiệp nhà nước.
Trong trường hợp này, doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN, Thanh tra Nhà nước liên quan đến nghĩa vụ thuế (tăng số phải nộp, giảm khấu trừ, giảm chi phí, tăng doanh thu, giảm lỗ...). Cơ quan thanh tra, kiểm toán phải chịu trách nhiệm đối với kết luận của mình liên quan đến nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.
Nhưng Dự thảo Luật Quản lý thuế cũng có quy định, trong trường hợp kết luận, kiến nghị của KTNN, Thanh tra Nhà nước khác với kết luận của cơ quan thuế, thì doanh nghiệp thực hiện theo kết luận của cơ quan thuế?
KTNN chỉ kiểm toán trực tiếp đối với doanh nghiệp nhà nước - đối tượng quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Còn đối với doanh nghiệp khác, KTNN không kiểm toán trực tiếp tại doanh nghiệp, mà khi kiểm toán công tác quản lý thuế, kiểm toán quản lý chuyên đề về thuế, KTNN thực hiện đối chiếu, kiểm tra hồ sơ khai thuế, quyết toán thuế của doanh nghiệp (doanh nghiệp có nhiều rủi ro do cơ quan thuế lựa chọn) tại trụ sở cơ quan thuế. Sau khi đối chiếu hồ sơ khai thuế, quyết toán thuế, KTNN ra kết luận, kiến nghị cơ quan thuế phải thực hiện tăng thu vào ngân sách nhà nước, giảm khấu trừ, truy thu tiền hoàn thuế, giảm lỗ, tăng doanh thu, giảm chi phí… đối với doanh nghiệp vi phạm chính sách thuế.
Với chức năng quản lý nhà nước về các khoản thu nội địa và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước; tổ chức quản lý thuế, cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp thực hiện theo kết luận, kiến nghị của KTNN. Tuy nhiên, có không ít doanh nghiệp không đồng tình với kết luận, kiến nghị của KTNN và đã có văn bản phản hồi gửi cơ quan thuế, Tổng kiểm toán Nhà nước, các bộ, ngành hữu quan, thậm chí gửi cả Thủ tướng Chính phủ.
Trong rất nhiều trường hợp, doanh nghiệp thực hiện khiếu nại, khiếu kiện, nhưng không khiếu nại, khiếu kiện kết luận, kiến nghị của KTNN, mà khiếu nại, khiếu kiện cơ quan thuế ra quyết định yêu cầu doanh nghiệp thực hiện theo kết luận, kiến nghị của KTNN.
Vì vậy, Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi mới bổ sung quy định, trường hợp quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế về việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế có sự khác biệt với kiến nghị, kết luận của KTNN, Thanh tra Nhà nước thì thực hiện theo quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế.
Còn theo Luật Kiểm toán nhà nước, báo cáo kiểm toán của KTNN sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán?
Như tôi đã nói, doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN. Doanh nghiệp có khiếu nại, khiếu kiện thì khiếu nại, khiếu kiện kết luận, kiến nghị của KTNN, chứ không khiếu nại, khiếu kiện cơ quan thuế, vì KTNN trực tiếp kiểm toán doanh nghiệp nhà nước, nên phải chịu trách nhiệm đối với kết luận của mình liên quan đến nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp.
Còn đối với doanh nghiệp khác, KTNN không kiểm toán trực tiếp tại trụ sở doanh nghiệp, mà thực hiện đối chiếu, kiểm tra hồ sơ khai thuế, quyết toán thuế của doanh nghiệp tại cơ quan thuế trong khoảng thời gian ngắn, nên không thể nói 100% kết luận, kiến nghị đều đúng, khiến nhiều doanh nghiệp không đồng tình, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện.
Để tránh tình trạng này, sau khi doanh nghiệp khiếu nại, khiếu kiện, KTNN thường đề nghị Tổng cục Thuế chỉ đạo cục thuế địa phương thanh tra doanh nghiệp. Sau khi thanh tra, cơ quan thuế ban hành quyết định, có trường hợp quyết định của cơ quan thuế có nội dung có sự khác biệt với kiến nghị của KTNN hay kết luận của Thanh tra Nhà nước trước đó.
Trong trường hợp có sự khác biệt, thì doanh nghiệp phải thực hiện quyết định thanh tra cơ quan thuế và cơ quan thuế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận của mình. Nếu doanh nghiệp không đồng tình với kết luận của thanh tra thuế thì có thể khiếu nại, khiếu kiện.
KTNN cho biết, trên 90% số doanh nghiệp ngoài quốc doanh được kiểm tra, đối chiếu hồ sơ khai thuế, quyết toán vi phạm chính sách thuế. Bà bình luận gì về vấn đề này?
Cơ quan thuế thực hiện thanh tra người nộp thuế khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế; để giải quyết khiếu nại, tố cáo, hoặc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng; theo yêu cầu của công tác quản lý thuế trên cơ sở kết quả phân loại rủi ro; và theo kiến nghị của KTNN, kết luận của Thanh tra nhà nước hoặc các cơ quan có thẩm quyền.
Hiện có khoảng 715.000 doanh nghiệp đang hoạt động, căn cứ vào các quy định nêu trên, đặc biệt là dựa vào kết quả phân loại rủi ro (đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp dựa trên hệ thống các tiêu chí, thông tin về lịch sử quá trình hoạt động của doanh nghiệp; quá trình tuân thủ pháp luật và mối quan hệ hợp tác với cơ quan thuế trong thực hiện pháp luật thuế; mức độ vi phạm pháp luật thuế), hàng năm, cơ quan thuế chỉ thanh, kiểm tra khoảng 20% doanh nghiệp là những đơn vị có mức độ rủi ro cao về thuế.
Vì thế, tôi khẳng định, hiệu quả thanh tra, kiểm tra thuế rất cao. Cụ thể, năm 2018, cơ quan thuế đã thực hiện 95.940 cuộc thanh tra, kiểm tra, thu vào ngân sách nhà nước gần 19.000 tỷ đồng; giảm lỗ 40.900 tỷ đồng. Trong quý I/2019, thực hiện khoảng 8.100 cuộc thanh tra, tăng thu cho ngân sách nhà nước hơn 1.786 tỷ đồng; giảm khấu trừ 247,3 tỷ đồng; giảm lỗ 4.299,6 tỷ đồng.
Hồ sơ kê khai thuế, quyết toán thuế mà KTNN rà soát, đối chiếu tại cơ quan thuế là hồ sơ của doanh nghiệp nằm trong kế hoạch thanh tra của cơ quan thuế (các doanh nghiệp có mức độ rủi ro cao về thuế), KTNN đã rà soát, đối chiếu rồi thì chúng tôi không “làm” nữa. Nếu cơ quan thuế thanh tra đối tượng này thì tỷ lệ vi phạm được phát hiện được có khi còn cao hơn. Điều này cho thấy, việc phân tích rủi ro, lựa chọn đối tượng thanh tra căn cứ vào Bộ tiêu chí phân loại rủi ro của cơ quan thuế khá chính xác.