Thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế, bội chi có thể tăng thêm 1 điểm phần trăm

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, bội chi ngân sách năm 2022 có thể tăng thêm 1% nếu Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được thực hiện từ năm 2022, nhưng dư địa đang có.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Chương trình phục hồi kinh tế cần có quy mô đủ lớn

Trả lời chất vấn về mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được Chính phủ giao nghiên cứu, xây dựng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đang hoàn thiện để trình Chính phủ, trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm.

“Nếu được thông qua, Chương trình sẽ được thực hiện ngay từ đầu năm 2022, đảm bảo yêu cầu phục hồi nhanh nền kinh tế”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Trước đó, đại biểu Ma Thị Thúy, đoàn Tuyên Quang đã đặt câu hỏi về quan điểm, mục tiêu, yêu cầu của Chương trình này.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các vấn đề này đang được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu tình hình trong nước, quốc tế, tiếp thu ý kiến chuyên gia, các bộ, ngành, địa phương.

“Chúng tôi xác định, Chương trình này sẽ cần quy mô đủ lớn, thời gian thực hiện phù hợp, nhưng sẽ phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Chương trình này sẽ thực hiện các gói chính sách hỗ trợ cả phía cung, phía cầu, thực hiện linh hoạt công cụ tài khóa, tiền tệ.

Đặc biệt, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế phải gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021- 2030; Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, các kế hoạch ngân sách, tài chính công và Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025.

“Quan điểm của chúng tôi là Chương trình sẽ phải đảm bảo yêu cầu khả thi, thực tiễn, hiệu quả với nguyên tắc hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, gắn với nguồn lực và khả năng vay trả của nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời tại Quốc hội.

Theo thông tin của Bộ trưởng, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế sẽ nhằm phục hồi và phát triển triển cơ sở thích ứng an toàn, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Các mục tiêu cụ thể được xác định như đảm bảo tốc độ tăng trưởng GDP của cả giai đoạn là 6,5-7%, nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách, đảm bảo an sinh - xã hội, tránh giải thể, phá sản, thâu tóm doanh nghiệp.

Thời gian thực hiện, theo Bộ trưởng, nếu được Quốc hội thông qua trong kỳ họp cuối năm, sẽ thực hiện trong 2 năm 2022-2023.

Có thể sẽ làm tăng bội chi ngân sách thêm 1 điểm phần trăm

Tuy nhiên, các gói giải pháp chính sách để phục hồi kinh tế có thể sẽ làm tăng bội chi ngân sách năm 2022 thêm 1 điểm phần trăm. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời câu chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, đoàn Hải Dương

Hiện tại, trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đang trình Quốc hội, Chính phủ đang đề nghị tỷ lệ bội chi là 4%.

Trong nhiều phiên thảo luận về Kế hoạch này, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã đề nghị cân nhắc lại chỉ tiêu này theo hướng nới rộng hơn, để có nguồn dành cho các giải pháp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi nhanh khi dịch bệnh được kiểm soát, tốc độ tiêm vắc-xin cũng đang được đẩy nhanh.

Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, nền kinh tế không thể sớm phục hồi và tăng trưởng. Từ đó, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu hằng năm, 5 năm, 10 năm, làm suy yếu thành quả, nỗ lực của cả đất nước sau hơn 35 năm “Đổi mới”, nguy cơ tụt hậu so với khu vực và thế giới.

“Quan trọng là chúng ta đang có dư địa để thực hiện các gói chính sách này”, Bộ trưởng phân tích.

Trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp về quản trị rủi ro gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi các đại biểu Quốc hội về các nội dung dự kiến của Chương trình này, việc tính toán và xác định mức bội chi, nợ công, lạm phát phù hợp cho giai đoạn phục hồi đã được xác định là một nhiệm vụ ưu tiên.

Cụ thể, là theo dõi sát diễn biến giá cả, nhất là giá nguyên vật liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng; bảo đảm nguồn cung nguyên, vật liệu cho các công trình xây dựng. Cân đối giữa đầu tư công và đầu tư ngoài nhà nước, phù hợp với nhu cầu huy động nguồn lực đầu tư xã hội.

Giám sát chặt chẽ, kịp thời, đầy đủ và chính xác diễn biến nợ xấu trong nền kinh tế để có phương án xử lý thích hợp; hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý nợ xấu, phát triển thị trường mua bán nợ....

Tin bài liên quan