Chi phí và cơ hội
Năm 2022, chúng tôi lần đầu thực hiện khảo sát với các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam. Kết quả cho thấy, 80% doanh nghiệp đã đặt ra cam kết hoặc đang lên kế hoạch sớm thực hành ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị). Điều này phần lớn xuất phát từ tác động của người tiêu dùng, người lao động và các nhà đầu tư. Đồng thời, trên phương diện quốc gia, Việt Nam cũng đưa ra những cam kết mạnh mẽ về hành động chống biến đổi khí hậu với thế giới tại Hội nghị COP26 (năm 2021) cũng như đưa ra các chiếc lược, luật định liên quan đến bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh, Quy hoạch điện 8, kiểm kê khí nhà kính, đề án phát triển kinh tế tuần hoàn, quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.
Thời gian gần đây, khi tiếp xúc với doanh nghiệp, tôi nhận thấy rõ sự chuyển biến nhanh và rõ rệt trong nhận thức và hành động ESG. Không chỉ ưu tiên khía cạnh quản trị, mà các doanh nghiệp đã dần quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề liên quan đến môi trường, xã hội.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó tổng giám đốc Dịch vụ Kiểm toán, Lãnh đạo Dịch vụ ESG, PwC Việt Nam |
Nếu xét chi phí thì nên phân tích ở phương diện lợi ích và chi phí, chứ không chỉ chi phí đơn thuần. Bỏ chi phí mà lợi ích cao hơn thì đó là hiệu quả.
Thực hành ESG dù phát sinh chi phí nhưng đó là chi phí cân bằng. Ban đầu, doanh nghiệp có thể tốn tiền cho xây dựng quy trình, chuẩn mực và mô hình cũng phải chuyển đổi nên phần nào đó tác động đến chi phí. Nhưng về lâu dài, hành trình ESG sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao tính tuân thủ, tăng hiệu quả sản xuất - kinh doanh và quản trị rủi ro, tạo ra các giá trị mới. Đến lúc nào đó, các yếu tố này sẽ giúp doanh nghiệp nằm trong nhóm dẫn đầu, tiên phong.
Đặc biệt, khi thực hành ESG, doanh nghiệp tạo dựng được niềm tin trong chính lãnh đạo và đội ngũ nhân viên công ty. Mọi người cùng tin tưởng về định hướng phát triển bền vững ở doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích không chỉ ở lương bổng, thu nhập mà còn là sự vững chắc về công việc, phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
Các đối tác, khách hàng, nhà cung cấp, cộng đồng, xã hội… cũng an tâm tin tưởng khi làm việc với các công ty thực hành tốt ESG. Gần đây, các tổ chức tài chính quốc tế cũng quan tâm tài trợ tài chính với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí thực hành ESG tốt. Đây chính là các lợi ích mang lại, có thể vượt xa chi phí đầu tư ESG mà các doanh nghiệp nhận thấy trong hành trình kinh doanh trung và dài hạn.
Nhìn về khía cạnh rủi ro, doanh nghiệp có thể đối mặt với rủi ro khí hậu, gồm rủi ro vật lý và rủi ro chuyển đổi. Rủi ro vật lý là rủi ro đối với hoạt động vận hành, cơ sở hạ tầng hoặc chuỗi cung ứng. Trong khi đó, rủi ro chuyển đổi là những rủi ro tiềm tàng trong quá trình chuyển đổi quy mô lớn cần thiết để chuyển sang nền kinh tế ít các-bon, phát sinh từ những thay đổi trong chính sách và công nghệ mới, chẳng hạn như sự phát triển của năng lượng tái tạo. Không chỉ trên bình diện toàn cầu mà ở trong nước, Việt Nam đã cam kết đạt Net Zero vào năm 2050 và sẽ có kế hoạch hành động cụ thể nên Chính phủ Việt Nam sẽ ban hành nhiều chính sách tác động hoạt động tới kinh doanh của các doanh nghiệp nhằm thực hiện cam kết này.
Nhìn về khía cạnh cơ hội, doanh nghiệp đứng ngoài xu hướng ESG sẽ chịu các cơ phí cơ hội từ tài chính xanh, ưu đãi chính sách, cơ hội định vị lại chiến lược và kế hoạch kinh doanh cũng như chuyển hướng mô hình và hợp tác. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là cơ hội xây dựng niềm tin với các bên liên quan, đáp ứng mong đợi của nhà đầu tư, người tiêu dùng và nhân viên.
Những điểm cần lưu ý
Quay trở lại việc các doanh nghiệp Việt Nam khởi động hay tăng tốc hành trình ESG của mình, cần khởi sự từ việc đánh giá lại rủi ro, cơ hội mới từ các yếu tố ESG, chứ không phải triển khai ESG vì phong trào, xu thế.
Ban đầu, ở giai đoạn quản trị rủi ro (cả rủi ro vật lý và rủi ro chuyển đổi), doanh nghiệp sẽ rà soát lại các mảng kinh doanh để hướng đến hai mục tiêu: Đảm bảo tính tuân thủ và tăng hiệu suất kinh doanh. Mỗi doanh nghiệp cần đánh giá các tác động, rủi ro này và xây dựng phương án hành động khác nhau. Từ phân tích rủi ro và cơ hội, doanh nghiệp sẽ nhìn nhận, định vị lại chiến lược và kế hoạch kinh doanh cũng như định vị lại những tiêu chí trong hợp tác với các đối tác và có thể chuyển hướng mô hình, lập các báo cáo, công bố ra bên ngoài.
Sang giai đoạn 2, doanh nghiệp chú ý tạo giá trị từ những yếu tố ESG, đưa mô hình kinh doanh có thực hành ESG vào thị trường để đạt tăng trưởng và vị thế.
Giai đoạn 3 của hành trình ESG là doanh nghiệp đạt lợi thế chiến lược, dẫn đầu thị trường, đạt quy mô lớn nhất định và vươn đến phát triển hợp xu thế trong tương lai. Lúc này, các đối tác, khách hàng, nhà cung cấp đều thích làm việc với công ty.
Tóm lại, thực hành ESG phải bắt đầu từ phân tích rủi ro, cơ hội và tích hợp các yếu tố ESG vào chiến lược, kế hoạch kinh doanh và đánh giá lại hiệu quả hoạt động trong từng năm. Những việc làm này chỉ có giá trị tốt khi công bố thành báo cáo phát triển bền vững ra bên ngoài. Báo cáo nên được kiểm toán để đạt giá trị tin cậy cao hơn.
Tập trung vào kinh doanh có đạo đức và chính trực
Hiệu quả của việc thực hành ESG đang được giám sát ngày càng chặt chẽ, có nghĩa là các mục tiêu đầy tham vọng phải phù hợp với các hành động có chất lượng. Ngoài ra, nhiều hành động pháp lý và quy định khác liên quan đến các yêu cầu và hiệu quả hoạt động của ESG dự kiến thực hiện trên toàn thế giới và ở Việt Nam.
Quảng cáo xanh (greenwashing) ngày trở nên khó khăn hơn cho doanh nghiệp, bởi các bên liên quan sẽ quan tâm xem xét đến những tuyên bố không trung thực, hoặc phóng đại về tính bền vững và đòi hỏi trách nhiệm giải trình. Đồng thời, các nhà đầu tư và các bên liên quan sẽ ngày càng yêu cầu sự minh bạch về dữ liệu ESG.
An ninh, khả năng phục hồi và tính minh bạch của chuỗi cung ứng
Sự mong manh và dễ bị tổn thương của chuỗi cung ứng đã được thể hiện rõ ràng trong những năm gần đây dưới tác động của vấn đề địa chính trị và đại dịch Covid-19. Chuỗi cung ứng có thể gây ra rủi ro về hoạt động và danh tiếng, nhưng chúng cũng có thể mang đến cơ hội mới cho những tiến bộ về hiệu quả, đổi mới về ESG.
Khi nói đến chuỗi cung ứng, nguồn gốc của sản phẩm sẽ càng được chú ý trong thời gian tới. Thêm vào đó, các công ty cần kiểm soát lượng khí thải các-bon của mình và phải tập trung vào việc cung cấp dữ liệu liên quan.
Khả năng phục hồi trước các cú sốc địa chính trị và môi trường trong tương lai cũng sẽ trở thành trọng tâm chính vào năm 2023 và tiếp theo. Điều đó sẽ bao gồm an ninh mạng, với những chuyển đổi kỹ thuật số tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các mối đe dọa mạng.
Chuyển đổi lực lượng lao động
Sẽ cần thêm nhiều nhân lực, đào tạo kỹ năng mới để cung cấp và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Quá trình chuyển đổi cần tính đến việc chuẩn bị cho lực lượng lao động và cộng đồng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những thay đổi lớn trong ngành. Cần tính đến cơ cấu và văn hóa tổ chức để thực hiện quá trình chuyển đổi mang tính bền vững. Trong tương lai, việc các doanh nghiệp tổ chức thực hành ESG mạnh mẽ sẽ giúp thu hút nhân tài mới cũng như giữ chân nhân tài hiện có.
Bối cảnh chính trị và pháp lý biến động
Hiện đang có nhiều vấn đề toàn cầu thúc đẩy các chính phủ phải ứng phó. Điều này có thể tạo nên khó khăn trong việc chạy đua giành các hỗ trợ tài chính xanh cho các ngành công nghiệp nói chung.
Nhiều thay đổi về quy định hơn vào năm 2023 và tiếp theo trên toàn cầu và trong nước đòi hỏi doanh nghiệp phải thích ứng và duy trì sự năng động.
Báo cáo ESG đang dần được tiêu chuẩn hóa. Ủy ban Chuẩn mực Bền vững Quốc tế (ISSB) đã ban hành các chuẩn mực quốc tế về báo cáo bền vững và khí hậu. Việc chuẩn bị sớm sẽ giúp việc điều chỉnh nhanh chóng và dễ dàng hơn khi các yêu cầu mới có hiệu lực.