Thay đổi để tồn tại, phát triển
“Tôi mong rằng trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tiếp cận theo hướng đây là một cuộc chiến sống còn, buộc doanh nghiệp phải chiến đấu để tồn tại”, PGS-TS Nguyễn Đình Thọ chia sẻ tại hội thảo “Tìm động lực tăng trưởng từ ESG" do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty TNHH Hệ thống và Giải pháp WBS tổ chức ngày 23/5.
Ông Thọ dẫn chứng, khi Việt Nam tham gia WTO, buộc phải thay đổi nhiều thứ theo luật chơi thương mại quốc tế. Khi quy định đội mũ bảo hiểm, kiểm tra nồng độ cồn là yêu cầu bắt buộc, mọi người phải thực hiện. Đối với ESG, không dừng ở khuyến khích doanh nghiệp nữa mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc.
PGS-TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Hội thảo "Tìm động lực tăng trưởng từ ESG" ngày 23/5. |
Cơ quan quản lý nhà nước đã và đang đi theo hướng hướng dẫn cho doanh nghiệp tận tình, chu đáo để doanh nghiệp có thể tiếp cận và tuân thủ các yêu cầu phù hợp với tiêu chuyển quốc tế.
“Khi tham gia thực thi ESG, chắc chắn sẽ đặt gánh nặng lên cho doanh nghiệp theo nguyên tắc chung là người phát thải phải trả phí. Chính vì vậy, xuyên suốt Luật Bảo vệ môi trường, chúng ta đã thay đổi cách tiếp cận, trong đó không chỉ Nhà nước hỗ trợ, mà chúng ta có công cụ thị trường. Một trong những yếu tố quan trọng nhất để áp dụng công cụ thị trường đó là thị trường sẽ tự điều tiết”, PGS-TS Nguyễn Đình Thọ cho hay.
Ông phân tích, nếu như VinFast ở Mỹ sẽ rất thuận lợi và tại Mỹ người ra quy định các công ty sản xuất ô tô phải có hạn ngạch phát thải. Một xe ô tô phát thải 4,6 kg carbon trong một năm. Trong nước, sắp tới Việt Nam sẽ bổ sung 1.000 doanh nghiệp phải làm báo cáo kiểm kê khí nhà kính. Nếu doanh nghiệp phát thải ít thì họ sẽ có cơ hội để bán tín chỉ carbon cho doanh nghiệp có nguồn phát thải lớn.
“Doanh nghiệp không chỉ trông chờ vào hỗ trợ của Chính phủ, mà bây giờ cơ chế thị trường buộc các doanh nghiệp phát thải lớn phải trả tiền”, ông Thọ nói.
80-90% doanh nghiệp đã có nhận thức về ESG
Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước về nhận thức của doanh nghiệp với ESG, bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng phụ trách, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, doanh nghiệp đã có nhận thức 80-90% về ESG nhưng giờ cần phải làm gì lại là một thách thức. Hiện đã có chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh nhưng còn nhiều điều phải làm để cụ thể hoá thực hiện mục tiêu đề ra để đạt được Net Zero vào năm 2050.
Theo bà Thủy, người tiêu dùng hiện đã nâng cao nhận thức, ví dụ giữa việc sử dụng Grab và Xanh SM, nhiều người sẽ chọn dịch vụ xanh hơn, để hưởng ứng và bảo vệ môi trường.
Bà Bùi Thu Thuỷ, Phó Cục trưởng phụ trách, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ tại hội thảo. |
“Doanh nghiệp nhận thức sự cần thiết của ESG nhưng làm thế nào và làm từ đâu, họ có lợi ích gì hơn không…, các vấn đề này họ chưa rõ. Cả trong 3 yếu tố ESG, trong đó G – governance (quản trị) là yếu tố khó khăn nhất. Khi đến doanh nghiệp, chúng tôi rất muốn cải thiện quản trị doanh nghiệp tại đó, nhưng doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là hộ gia đình, quy mô siêu nhỏ, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, để đạt yếu tố G chuyên nghiệp thì quá khó, mà đạt được G thì mới dễ thực hiện các yếu tố E (môi trường) và S (xã hội) được”, bà Thủy cho hay.
Theo bà Thủy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Thủ tướng Chính phủ hệ thống phân ngành kinh tế xanh, từ hệ thống các ngành kinh tế hiện nay, ví dụ trong ngành vận tải, tiêu chuẩn nào để xác định mỗi dự án là xanh hay không…
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, Chính phủ có thể hỗ trợ gì cho Vinfast làm trạm sạc chẳng hạn, các địa phương hỗ trợ địa điểm… có trạm sạc thì người tiêu dùng mới mua xe xanh, dùng xe xanh. Nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ, sẽ rất lâu chúng ta mới đạt được các mục tiêu chiến lược đề ra", bà Thủy nói
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nỗ lực hợp tác với các nhà tài trợ quốc tế. Với USAID có công bố doanh nghiệp thực hành ESG, trong 2 năm triển khai đã tăng cường nhận thức cho khoảng 10.000 doanh nghiệp, sàng lọc 300 doanh nghiệp để có hỗ trợ nâng cao năng lực, kiểm kê khí nhà kính, xây dựng lộ trình chuyển đổi mô hình kinh doanh thông thường sang kinh doanh bền vững. Nhưng cái khó là các doanh nghiệp không có nguồn lực, hiện chỉ có doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp lớn… có khả năng đầu tư cho ESG.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang kết hợp với UNDP hỗ trợ doanh nghiệp trách nhiệm xã hội, và các doanh nghiệp có thực hành ESG tốt, cử tư vấn xuống đào tạo, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp chuyển đổi mô hình.
Ông Phan Đăng Bảo, Phó giám đốc Công ty cổ phần Tái chế nhựa Lam Trân
Lam Trân không chỉ nhấn mạnh vào việc tái chế bao bì nhựa mềm mà còn cam kết mạnh mẽ với nguyên tắc ESG.
Chúng tôi không chỉ đặt mục tiêu giảm lượng rác nhựa thải vào môi trường mà còn tận dụng cơ hội để tạo ra những giải pháp bền vững, tăng cường cộng đồng và thúc đẩy quản trị hiệu quả trong mọi hoạt động kinh doanh của chúng tôi.
Ngay từ những ngày đầu thành lập Lam Trân luôn mục tiêu hướng đến các giải pháp bền vững, nâng cao chất lượng của sản phẩm để có thể tối ưu và bảo vệ nguồn tài nguyên.
Hiện nay, công suất tái chế thành phẩm của Lam Trân ước chừng khoảng 1.000 tấn/ tháng, tương đương với khoảng 2.000 tấn nguyên vật liệu rác thải nhựa mềm bao gồm túi nhựa nilon, bao bì thực phẩm... Để dễ hình dung thì sản lượng thu mỗi tháng của chúng tôi khoảng đâu đó 12 triệu m2, tương đương 1.5 lần diện tích của quận 1.
Mặc dù vậy, việc thu gom, phân loại rác thải nhựa mềm ở Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn, hiện tại vẫn chưa có một tiêu chuẩn, cách thức thu gom, phân loại rõ ràng tại nguồn.
Để đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào, chúng tôi phải xây dựng tiêu chuẩn cho nguồn phế liệu đầu vào, đồng thời xây dựng 1 đội ngũ thu gom và phân loại trong nước, đi tới từng hiện trường, từng điểm thu gom để khảo sát, đánh giá và đưa ra các phương án hiệu quả nhất.
Tất cả các hàng rác thải nhựa mềm khi tới nhà máy đều được đánh giá dựa theo tiêu chuẩn của cty và xử lý theo từng lô hàng. Việc thu gom, phân loại không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hạt tái sinh đầu ra. Vì vậy, chúng tôi luôn phải thực hiện rất cẩn thận và tỉ mỉ ở khâu này.
Chúng tôi rất mong muốn sẽ tiếp tục có thêm nhiều hỗ trợ để có thể phát triển hệ thống thu gom, xây dựng các cơ sở thu gom, phân loại chính thống. Việc áp dụng quy định về EPR trong năm nay sẽ là bước đệm, hy vọng sẽ tạo động lực để thúc đẩy công cuộc tái chế, giảm thiểu rác thải nhựa ở Việt Nam, hướng đến sự phát triển bền vững.