Thúc giải ngân vốn đầu tư để duy trì động lực phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
Với việc Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, vốn đầu tư phát triển cho năm tới sẽ lên tới 726.700 tỷ đồng. Phải nỗ lực rất lớn để có thể giải ngân được số tiền “khủng” này.
Công trường Dự án Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Ảnh: Huy Hùng.

Công trường Dự án Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Ảnh: Huy Hùng.

Chi “khủng” cho đầu tư phát triển, đặt áp lực lớn cho giải ngân

Cuối tuần qua, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Theo đó, sẽ có 726.700 tỷ đồng được dành cho đầu tư phát triển, tăng 38,1% so với dự toán năm 2022, chiếm 35% tổng chi ngân sách nhà nước năm 2023 (hơn 2.076.244 tỷ đồng).

Việc một ngân khoản lớn được dành cho đầu tư phát triển sẽ đặt áp lực không nhỏ cho vấn đề triển khai, thực hiện, trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công vẫn được coi là một “điểm nghẽn” của nền kinh tế.

Trên thực tế, ngay khi Chính phủ báo cáo Quốc hội dự kiến kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 là 726.684 tỷ đồng, tăng 34% so với kế hoạch năm 2022 (trong đó, 383.403 tỷ đồng từ vốn ngân sách trung ương, 343.281 tỷ đồng từ vốn ngân sách địa phương), không ít ý kiến đã bày tỏ lo ngại về khả năng giải ngân.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ, mặc dù một mặt cho rằng, ngân sách nhà nước bố trí được một ngân khoản lớn để đáp ứng 93% nhu cầu vốn của các bộ, ngành, địa phương là “khá tích cực”, song mặt khác, cũng nhấn mạnh về mức tăng khá cao so với năm trước, đòi hỏi nỗ lực rất lớn để có thể đảm bảo nguồn thu và khả năng giải ngân vốn nhằm tránh lãng phí nguồn lực.

Khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội trên nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã bày tỏ lo lắng về vấn đề này. “Năm 2023, số vốn đầu tư công phải giải ngân rất lớn. Bài toán đặt ra là cần có giải pháp để tiến độ giải ngân đạt hiệu quả, bởi điều này có ý nghĩa then chốt trong việc tạo ra năng lực phát triển và tốc độ tăng trưởng bền vững của kinh tế đất nước trong năm 2023 và những năm tiếp theo”, ông Trần Văn Lâm, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nói.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh, việc kế hoạch đầu tư công năm 2023 cao hơn năm 2022 tới 100.000 tỷ đồng đặt ra áp lực giải ngân rất lớn. “Do vậy, cần công tác chuẩn bị từ sớm, từ xa, để làm sao bước sang năm 2023, chúng ta có thể triển khai thực hiện được ngay”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Đốc thúc giải ngân để duy trì động lực phục hồi

Câu chuyện “áp lực giải ngân năm 2023” lại được đặt ra rốt ráo, bởi nhiều năm nay, dù có những cải thiện đáng kể, song giải ngân vốn đầu tư công vẫn là “nỗi sốt ruột” của nhiều cấp, ngành. Năm 2022 cũng vậy, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư được bổ sung khá nhiều từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, áp lực giải ngân là khá nặng. Dù Chính phủ rất nỗ lực triển khai thực hiện nhiều giải pháp, song 10 tháng đầu năm, theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 51,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước đã chuẩn bị nguồn lực đủ lớn để tăng đầu tư công năm 2023 hơn 38% so với năm 2022, cần tập trung đầu tư dứt điểm các công trình hạ tầng đang dở dang và hạn chế khởi công mới.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội)

Vì áp lực giải ngân lớn, nên mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, để duy trì động lực phục hồi, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 khoảng 8%, các cấp, các ngành cần tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng, là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành.

Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi để giải ngân vốn của dự án ngay sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2023.

Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 cũng nêu rõ, phải nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, khắc phục hạn chế trong chậm triển khai thực hiện dự án đầu tư công, chậm giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết điều chuyển vốn của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có khả năng giải ngân nhưng thiếu vốn, hạn chế tối đa việc chuyển nguồn; xem xét trách nhiệm trong xây dựng dự toán không sát thực tế, tổ chức thực hiện thiếu hiệu quả dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công thấp.

Không chỉ là giải ngân, yêu cầu của Quốc hội còn là phải sớm phân bổ số vốn còn lại của Kế hoạch Đầu tư công trung hạn, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội để bố trí cho các dự án thuộc Chương trình khi đủ điều kiện theo quy định, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước ngày 31/3/2023.

“Sau thời điểm trên, số vốn chưa phân bổ của Kế hoạch Đầu tư công trung hạn chuyển vào dự phòng của Kế hoạch Đầu tư công trung hạn; số vốn còn lại của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội không thực hiện phân bổ tiếp”, Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ.

Điều này có nghĩa, nếu không kịp thời phân bổ, một nguồn lực quý báu của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội sẽ bị bỏ phí, vì thế sẽ ảnh hưởng đến việc duy trì động lực phục hồi kinh tế.

Tin bài liên quan