Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước tính tỷ lệ giải ngân đầu tư công đến cuối tháng 12/2023 đạt 73,5% tổng kế hoạch năm (704.000 tỷ đồng) tương ứng hơn 517.000 tỷ đồng. Năm ngân sách 2023 sẽ kết thúc vào 31/1/2024, như vậy so với kế hoạch, số vốn cần phải giải ngân trong tháng 1/2024 ước khoảng 186.560 tỷ đồng. Do đó, đây sẽ là cao điểm giải ngân của năm.
Chính phủ cũng đã trình kế hoạch dự chi ngân sách cho đầu tư năm 2024. Trong đó, dự toán chi đầu tư phát triển là 677.300 tỷ đồng, tăng 108.000 tỷ đồng so với dự toán năm 2023.
Cùng với việc tăng tốc giải ngân đầu tư công, giá trị trúng thầu của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục tăng mạnh. Trong đó, trúng nhiều gói thầu của dự án Sân bay Long Thành, tổng giá trị trúng thầu của Vinaconex và liên danh bứt phá lên gần 68.000 tỷ đồng.
Phân khúc xây lắp được dự báo tiếp tục chiếm phần lớn tăng trưởng của Vinaconex và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu, trong đó chủ yếu là các dự án cơ sở hạ tầng như cầu và đường cao tốc.
Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực xây lắp, mới đây Vinaconex đã bắt tay với Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương - Pacific (Trung Quốc) lấn sân sang mảng đường sắt. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác nghiên cứu đầu tư, xây dựng cầu Tứ Liên và tuyến đường sắt đô thị số 5, hai dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của Hà Nội. Liên danh Pacific - Vinaconex được kỳ vọng sẽ đáp đầy đủ các yêu cầu của pháp luật để được tham gia dự án.
Vinaconex hiện đang đảm nhiệm thi công các dự án trọng điểm của cả nước như Dự án Sân bay Long Thành, gói thầu 09/TP2 - XL thuộc Dự án đầu tư xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; các gói thầu thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 2); cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; nút giao Phú Thứ (Hà Nam)... Thời gian qua, Vinaconex đã hoàn thành, bàn giao đúng tiến độ hàng loạt gói thầu tại Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (Hà Nội); Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên - Huế)...