Thúc DN cổ phần hóa lên sàn, khó khả thi vì chế tài không rõ

Thúc DN cổ phần hóa lên sàn, khó khả thi vì chế tài không rõ

(ĐTCK) Cơ quan quản lý đang quyết liệt thúc đẩy lộ trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) gắn với đăng ký, niêm yết trên TTCK. Tuy nhiên, quyết sách mang tính đột phá này có khả thi không khi chế tài xử lý các DN không tuân thủ chưa rõ ràng?

Sau khi Bộ Tài chính có văn bản số 2660/BTC-UBCK hướng dẫn chi tiết một số nội dung của Quyết định 51/2014/QĐ-TTg về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DNNN, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) và Sở GDCK Hà Nội (HNX) đang tích cực vào cuộc nhằm phổ cập các nội dung này tới rộng rãi DN.

Cụ thể, hôm nay (23/3), nhằm hỗ trợ và thúc đẩy các DNNN lên lộ trình, hoàn thiện hồ sơ để sớm thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK, HOSE tổ chức Hội nghị phổ biến một số chính sách mới về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK, dành cho các DNNN trên địa bàn TP. HCM và các tỉnh phía Nam.

Được sự chấp thuận của Bộ Tài chính, HNX cũng đang xúc tiến mời các bộ, ngành, DN… đến dự hội nghị có nội dung tương tự được tổ chức vào ngày 1/4 tới tại Hà Nội. Theo HNX, “không niêm yết thẳng sau CPH” là nội dung đáng chú ý nhất tại Văn bản 2660. Cụ thể, DNNN sau CPH khi đáp ứng đủ điều kiện là công ty đại chúng theo quy định tại Điều 25, Luật Chứng khoán (có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng trở lên, có ít nhất 100 NĐT sở hữu cổ phiếu, không kể NĐT chứng khoán chuyên nghiệp) phải đăng ký giao dịch trên HNX (sàn UPCoM) trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN. Văn bản này chỉ rõ: DN sau CPH vẫn phải thực hiện quy định đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM ngay cả khi đủ điều kiện niêm yết.

Hướng dẫn như vậy là đã rõ, nhưng câu hỏi đặt ra là làm thế nào để quy định mang tính đột phá trên được các DN tuân thủ nghiêm, khi mà chế tài xử lý các DN “né” lên UPCoM hoặc niêm yết hiện chưa rõ ràng.

Theo quy định của Luật Chứng khoán, “chào bán chứng khoán ra công chúng là việc chào bán chứng khoán theo một trong các phương thức: thông qua phương tiện truyền thông đại chúng, kể cả internet; chào bán chứng khoán cho từ 100 NĐT trở lên, không kể NĐT chứng khoán chuyên nghiệp; chào bán cho một số lượng NĐT không xác định”.

Với quy định này, có hai cách hiểu. Thứ nhất, khi DNNN chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), được coi là chào bán chứng khoán ra công chúng.

Do đó, sau khi tiến hành IPO mà DN đáp ứng đủ điều kiện là công ty đại chúng như quy định của Luật Chứng khoán, thì theo quy định tại Quyết định 51/2014 và Văn bản 2660 của Bộ Tài chính, DN phải đăng ký giao dịch trên UPCoM trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN.

Sau khi đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM, trong thời hạn tối đa 1 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN, DN phải bổ sung hồ sơ để hoàn tất thủ tục niêm yết tại Sở GDCK.

Nếu DN không tuân thủ sẽ đối mặt với chế tài xử lý quy định tại Nghị định 108/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK. Cụ thể, khoản 2, Điều 6, Nghị định 108/2013 quy định: “phạt tiền từ 100-150 triệu đồng đối với hành vi không đưa chứng khoán đã chào bán ra công chúng vào giao dịch trên thị trường có tổ chức trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, trừ trường hợp không đủ điều kiện niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch chứng khoán theo quy định pháp luật”.

Tuy nhiên, theo cách hiểu thứ hai, khi DNNN thực hiện IPO chịu sự điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật quy định về CPH, chứ không phải hệ thống pháp luật về chứng khoán, nên áp dụng chế tài quy định tại Nghị định 108/2013 để xử lý các DNNN sau IPO “trốn” lên UPCoM hoặc niêm yết trên Sở GDCK là không phù hợp. Khi không có chế tài xử lý, sẽ rất khó buộc các DN tuân thủ quy định về gắn CPH DNNN với đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK.

Một vấn đề khác là, từ Văn bản 2660/BTC-UBCK của Bộ Tài chính cho thấy, với những DNNN sau khi tiến hành IPO mà không đáp ứng tiêu chuẩn của công ty đại chúng như quy định tại Điều 25, Luật Chứng khoán, đương nhiên họ không phải đăng ký giao dịch trên UPCoM. Từ tình huống này, liệu có dẫn đến việc các DN sẽ tìm cách lách quy định để “né” nghĩa vụ đăng ký lên UPCoM, cũng như niêm yết trên Sở GDCK?

Sau sự quyết tâm của Chính phủ, sự vào cuộc phổ cập quy định pháp lý từ hai sở GDCK đến các DNNN, bước tiếp theo cần làm là xây dựng chế tài đủ mạnh buộc DNNN sau IPO phải lên sàn để minh bạch và lành mạnh hơn.

Tin bài liên quan