ThS. Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước

ThS. Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước

Thúc đẩy thực hành ESG, hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với đặc điểm nội tại của nền kinh tế Việt Nam là một trong các nước có tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP cao, nguồn vốn tín dụng đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Nhận thức được xu hướng và tầm quan trọng của việc thực hành ESG, ngành ngân hàng luôn xác định vai trò tiên phong trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư, nâng cao trách nhiệm xã hội, hướng tới các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Các giải pháp đã và đang triển khai

Là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Thứ nhất, điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ; điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững.

Thứ hai, chủ động nghiên cứu, xây dựng và ban hành nhiều văn bản để triển khai hoạt động quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Cụ thể, Ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN (ngày 24/3/2015) chỉ đạo toàn hệ thống thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Theo đó, hoạt động cấp tín dụng của ngành ngân hàng chú trọng đến vấn đề nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng, cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo sự phát triển bền vững trên 2 phương diện tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội.

Phối hợp với IFC ban hành Sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cho 15 ngành kinh tế có rủi ro môi trường cao (bao gồm nông nghiệp, hóa chất, xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng, thực phẩm và đồ uống, sản xuất may mặc, da và sản phẩm dệt may, dầu khí, xử lý và tái chế chất thải, khai khoáng và ngành sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại, sản xuất nhiệt điện, sản xuất giấy và bột giấy, nhuộm vải, chế biến thủy sản, pin và ắc quy). Đây là tài liệu hữu ích cho các tổ chức tín dụng trong quá trình đánh giá, thẩm định, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Ban hành Đề án phát triển Ngân hàng xanh tại Việt Nam (Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018, được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 1663/QĐ-NHNN ngày 06/8/2024) nhằm mục tiêu tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, tăng cường thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, dần tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế; góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, lồng ghép định hướng các mục tiêu về môi trường và xã hội (Quyết định số 1731/QĐ-NHNN ngày 31/8/2018).

Ban hành Thông tư 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 về quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, có hiệu lực từ 1/6/2023. Việc thực hiện Thông tư này thể hiện trách nhiệm của ngành ngân hàng đối với công tác bảo vệ môi trường, tăng cường khả năng quản trị rủi ro của các tổ chức tín dụng trước rủi ro về môi trường, biến đổi khí hậu, hướng hoạt động ngân hàng Việt Nam ngày càng tiệm cận với các quy chuẩn, thông lệ quốc tế về thực hành ESG, tài chính bền vững, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, an toàn và hiệu quả hoạt động kinh doanh ngân hàng.

Ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Quyết định số 1408/QĐ-NHNN ngày 26/7/2023).

Thứ ba, chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai nhiều chương trình tín dụng mang lại lợi ích về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu/giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, quan tâm triển khai các chương trình tín dụng dành cho người nghèo, các đối tượng chính sách để đảm bảo thực hiện mục tiêu bao trùm của chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia.

Ngành ngân hàng tích cực xây dựng các chương trình tín dụng và thiết kế gói tín dụng xanh, sản phẩm xanh

Ngành ngân hàng tích cực xây dựng các chương trình tín dụng và thiết kế gói tín dụng xanh, sản phẩm xanh

Chẳng hạn, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, gồm chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ không tính lãi đối với khách hàng sản xuất - kinh doanh thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn bị thiệt hại về vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay do hậu thiên tai, dịch bệnh, chính sách cho vay nông nghiệp công nghệ cao theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP; chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao phát thải thấp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023; các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ nghèo và hầu hết các nhóm đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế trong xã hội, từ cho vay thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội (cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay con em các gia đình khó khăn có điều kiện học tập, cho vay nhà ở, cho vay giải quyết việc làm), cho vay tạo việc làm, phát triển sản xuất - kinh doanh, tái hoà nhập cộng đồng đối với người nhiễm HIV, người điều trị nghiện các chất bằng thuốc thay thế, người chấp hành xong án phạt tù, cho vay xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt ở miền Trung, cho vay làm nhà ở vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long, cho vay trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tích cực tham gia các hội thảo, diễn đàn trong nước và quốc tế có nội dung liên quan đến các vấn đề ESG, tài chính xanh, ngân hàng bền vững để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hành ESG, triển khai tín dụng xanh, ngân hàng xanh.

Kết quả tích cực

Tính đến 30/9/2024, có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 665.000 tỷ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm 2023.

Qua tổng kết, đánh giá giai đoạn 2014 - 2020 và theo dõi từ năm 2021 đến nay, các tổ chức tín dụng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hành ESG trong hoạt động ngân hàng, từ đó chủ động nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống ESG một cách toàn diện hơn.

Cụ thể: đưa ra các cam kết về môi trường và xã hội vào chiến lược, kế hoạch kinh doanh của ngân hàng; nghiên cứu các quy định, các tiêu chuẩn quốc tế về ESG để xây dựng quy định nội bộ về thực hành ESG, quản lý rủi ro về môi trường và xã hội; hoàn thiện mô hình tổ chức, thành lập đơn vị chuyên trách chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động về ESG; chủ động hợp tác quốc tế, huy động và tiếp nhận nguồn lực, ưu tiên nguồn vốn cho các dự án xanh, chống biến đổi khí hậu; xây dựng chương trình tín dụng và thiết kế gói tín dụng xanh, sản phẩm xanh, công bố thông tin về sản phẩm, đảm bảo tính minh bạch; tích cực chuyển đổi số trong hoạt động, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân, góp phần phát triển tài chính toàn diện; nâng cao năng lực cán bộ về thực hành ESG, quản lý rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng và xây dựng các sản phẩm tài chính xanh, tài chính bền vững; tăng cường truyền thông nội bộ về lối sống xanh, xanh hóa các hoạt động trong quá trình vận hành nội bộ tại ngân hàng (giảm tiêu dùng vật dụng nhựa sử dụng một lần, sử dụng tiết kiệm điện, nước, giấy in, mực in); truyền thông, nâng cao nhận thức của khách hàng, phát triển kế hoạch để tích hợp các chiến lược ESG vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi của khách hàng...

Các ngân hàng đã đưa ra các cam kết về môi trường và xã hội vào chiến lược, kế hoạch kinh doanh

Các ngân hàng đã đưa ra các cam kết về môi trường và xã hội vào chiến lược, kế hoạch kinh doanh

Tính đến 30/9/2024, có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 665.000 tỷ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng hơn 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 43%) và nông nghiệp xanh (trên 30%). Các tổ chức tín dụng đã tăng cường quản lý rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,28 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 22,33%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng 15,62% so với cuối năm 2023.

Những kết quả trên cho thấy, các giải pháp triển khai của ngành ngân hàng thời gian qua đã góp phần thúc đẩy quá trình thực hành ESG, xanh hóa hoạt động ngân hàng, kịp thời đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh, bền vững, vì lợi ích cộng đồng, đồng thời nâng cao nhận thức cũng như năng lực thực thi các quy định về bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn lực từ hệ thống ngân hàng, từ đó điều chỉnh hành vi tiến tới thực hành các tiêu chuẩn ESG, xanh hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của nền kinh tế.

Kế hoạch thời gian tới

Để thúc đẩy thực hành ESG, xanh hóa hoạt động ngành ngân hàng, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi, hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện Thông tư 17/2022/TT-NHNN.

Hướng dẫn các tổ chức tín dụng cấp tín dụng xanh, báo cáo tình hình triển khai tín dụng xanh sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phân loại xanh quốc gia.

Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tham gia hoạt động hợp tác quốc tế, từ đó tăng cường huy động nguồn lực, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và thúc đẩy thực hành ESG tại Việt Nam.

Tham gia các diễn đàn trong nước và quốc tế về tín dụng xanh, ngân hàng xanh, thực hành ESG và tăng trưởng bền vững, đồng thời thúc đẩy các hoạt động truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức và chất lượng của nguồn nhân lực ngành ngân hàng nhằm đáp ứng các yêu cầu triển khai về thực hành ESG cũng như các tiêu chuẩn quốc tế trong phát triển bền vững.

Một số kiến nghị, đề xuất

Hoạt động cấp tín dụng của ngành ngân hàng chú trọng đến vấn đề nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng, cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Tuy nhiên, để các cơ chế, chính sách của ngành ngân hàng thực sự phát huy hiệu quả, bên cạnh những nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc thúc đẩy thực hành ESG, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ các dự án thân thiện với môi trường, mở rộng và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh, cần có sự phối kết hợp từ nhiều bộ, ngành, các đơn vị liên quan. Do đó, Ngân hàng Nhà nước có một số kiến nghị, đề xuất như sau.

Một là, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường, xã hội của các dự án đầu tư theo hướng cập nhật, dễ dàng tiếp cận, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có thể tra cứu thông tin để đánh giá về môi trường, xã hội.

Hai là, hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong việc thực thi ESG, dần tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế.

Ba là, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về tiêu chí môi trường đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Bốn là, xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ, thúc đẩy thực hành ESG, đồng thời thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh.

Tin bài liên quan