Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng nhấn mạnh: Thị trường trái phiếu Chính phủ (TTTPCP) đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam và quy trình huy động vốn cho nền kinh tế. Vì vậy, theo ông là cần tiếp tục tìm kiếm các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển hơn nữa TTTPCP, trong đó có việc tăng cường hợp tác giữa các chủ thể tham gia thị trường và hoàn chỉnh các quy định pháp lý. Chủ tịch UBCKNN đề nghị các đại biểu tập trung đề xuất các biện pháp nhằm thúc đẩy TTTPCP phát triển, đồng thời giảm thiểu rủi ro đối với thị trường này.
Trong khuôn khổ của hội nghị, các đại biểu đã tập trung mổ xẻ, đánh giá, đề xuất nhiều giải pháp được cho là có hướng tích cực nhằm thúc đẩy phát triển TTTPCP.
Nổi bật, dưới góc độ thành viên thị trường, liên quan công tác đổi mới phát hành trái phiếu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) - đơn vị chiếm trên 28% giao dịch thị trường, bà Phạm Thị Thanh Hoài, Trưởng phòng Kinh doanh vốn Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, cho rằng: Cùng với sự phát triển của TTTPCP, hoạt động phát hành của VDB trong những năm qua có nhiều phát triển. Quy mô phát hành của VDB cũng tăng dần từng năm. Riêng giai đoạn 2010-2013, phát hành tăng trưởng nhảy vọt và đạt khoảng 37.000 tỷ đồng/năm; giao dịch của Trái phiếu VDB trên thị trường thứ cấp cũng tăng trưởng bình quân đạt khoảng 33.000 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những cải tiến, đổi mới trong công tác phát hành trái phiếu vẫn còn những tồn tại cần sớm khắc phục như kế hoạch phát hành hàng quý chưa được thông báo chính thức, cụ thể cho các thành viên trên thị trường; chưa chi tiết tới từng loại kỳ hạn. Nhiều mã trái phiếu được lưu hành với số lượng nhỏ lẻ; lại suất phát hành chưa được hình thành trên cơ sở cung cầu thị trường mà phụ thuộc vào khung lãi suất trần do BTC quyết định.
Từ cơ sở trên, đại diện của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam kiến nghị, đề xuất minh bạch hóa thông tin về tổ chức phát hành và cơ chế bảo lãnh của BTC; thực hiện phát hành trái phiếu dưới hình thức lô lớn đối với các đợt phát hành mới; xây dựng, thực hiện chương trình hoán đổi trái phiếu nhằm giảm mã số trái phiếu đang lưu hành, tăng quy mô niêm yết của các mã. Từ đó sẽ tạo ra trái phiếu benchmark trên thị trường thứ cấp cho các loại kỳ hạn, tăng tính thanh khoản cho trái phiếu của VDB. Và thực hiện xác định lãi suất phát hành trái phiếu trên cơ sở cung cầu thị trường theo lộ trình hợp lý…
Liên quan đến vấn đề, các đại biểu tham dự hội nghị còn được nghe đại diện Vụ Tài chính Ngân hàng – Bộ Tài chính nêu kế hoạch, nội dung việc xây dựng sửa đổi một số văn bản pháp lý về hoạt động TTTPCP. Nghe Kho bạc Nhà nước (KBNN), Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam giới thiệu sản phẩm Zero – Coupon Bond và tham luận về thị trường Repos và kế hoạch xây dựng thị trường Repos.
Toàn cảnh hội nghị
Về sự kiện này, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc HNX Trần Văn Dũng, bộc bạch: “Trước đây việc phát hành trái phiếu (từ lúc phát hành và Kho bạc thu tiền về cho ngân sách, cho đến khi trái phiếu được đưa đi bán lại trên thị trường thứ cấp) phải mất hơn 10 ngày. Cách đây 2 năm, các bên liên quan ký kết cải tiến kỹ thuật rút ngắn thời gian xuống còn 6 ngày (trên thực tế thì rút ngắn còn 5 ngày…), và bây giờ thì mình rút xuống chỉ còn 3 ngày. Nghĩa là từ ngày phát hành để Chính phủ thu tiền về, ba ngày sau trái phiếu đã được niêm yết và giao dịch trên thị trường thứ cấp”.
Cũng theo ông Dũng, việc rút ngắn thời gian này có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ quyền lợi của người mua trái phiếu khi họ có nhu cầu bán lại. Điều này cũng sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường trái phiếu, nên mỗi một cải thiện trên hệ thống giao dịch, trong khâu thanh toán cũng như việc rút ngắn thời gian đều có ý nghĩa quan trọng với việc giao dịch trái phiếu.
Có cùng nhận định, bà Trần Minh Hằng – Phó Tổng giám đốc KBNN, cho rằng: “Việc ký kết văn bản thỏa thuận giữa tổ chức phát hành với các cơ quan ngân hàng và đại diện thị trường có ý nghĩa rất lớn về chương trình mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu và để TPCP Việt Nam có tính thanh khoản tốt hơn, được lưu quỹ niêm yết và giao dịch trên thị trường niêm yết một cách nhanh nhất.
Đây cũng là sự cố gắng lớn của cả các bên để hướng tới một thị trường công khai, minh bạch và theo thông lệ quốc tế, đồng thời cũng phù hợp với định hướng chiến lược phát triển của thị trường trái phiếu”.