Thời gian qua, thị trường cổ phiếu sơ cấp rơi vào cảnh “ngủ đông”

Thời gian qua, thị trường cổ phiếu sơ cấp rơi vào cảnh “ngủ đông”

Thúc đẩy thị trường sơ cấp: Chuyện “con gà - quả trứng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Những năm gần đây, lượng công ty niêm yết mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam rất hạn chế, trong khi nhu cầu của khối nhà đầu tư nước ngoài là cổ phiếu trên sàn phải đa dạng hơn.

Ông Kojima Kazunobu, cố vấn trưởng tại JICA cho rằng, cơ hội tốt nhất để người nước ngoài đầu tư chứng khoán tại Việt Nam là thông qua các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), nhưng quy trình IPO qua đấu giá hiện nay khiến họ khó tham gia.

Trên thực tế, Việt Nam đã có các quy định về phương thức IPO mới, tương thích với các chuẩn mực quốc tế như bảo lãnh phát hành, dựng sổ. Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường sơ cấp rơi vào cảnh “ngủ đông”, doanh nghiệp khó khăn nên gần như vắng bóng các thương vụ IPO, chưa nói đến các thương vụ IPO có quy mô lớn để thu hút nước ngoài.

Theo báo cáo của Deloitte phát hành đầu tháng 7/2024, số lượng doanh nghiệp lên sàn chứng khoán ở Đông Nam Á trong nửa đầu năm 2024 giảm 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ có 67 doanh nghiệp (tại Việt Nam, chỉ có một doanh nghiệp niêm yết mới là Công ty Chứng khoán DNSE). Tổng vốn hóa thị trường của các công ty này khi tiến hành IPO là 5,8 tỷ USD, giảm 71% so với cách đây một năm. Đáng chú ý, lượng vốn mà các công ty huy động được khi IPO giảm 53,3%, xuống 1,4 tỷ USD. Chỉ có 1 thương vụ IPO lớn là Ngân hàng Thai Credit Bank (Thái Lan) huy động được hơn 208 triệu USD, dựa trên mức định giá 1 tỷ USD. Cùng kỳ năm trước, Đông Nam Á có 3 thương vụ IPO lớn, mỗi thương vụ huy động được hơn 600 triệu USD.

Tâm lý dè chừng và chờ đợi vẫn là phổ biến. Tại Singapore, trong 6 tháng đầu năm 2024 chỉ có một công ty tiến hành IPO là Institute of Advanced Medicine Holdings, nhà cung cấp dịch vụ điều trị ung thư. Tháng 2/2024, công ty này thu về 20 triệu USD từ IPO, số tiền nhỏ nhất huy động được từ thương vụ IPO của khu vực trong nửa đầu năm 2024.

Bà Tay Hwee Ling, lãnh đạo phụ trách kiểm toán khu vực Đông Nam Á của Deloitte nhận xét, thị trường IPO của khu vực đang chùng xuống trong bối nhà đầu tư và các ứng cử viên IPO tiếp tục thận trọng trước các yếu tố kinh tế vĩ mô bất lợi.

Với Việt Nam, ông Kojima Kazunobu cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản, đang quan tâm tới thị trường chứng khoán. Nếu các công ty lớn hay doanh nghiệp mới nổi tiến hành IPO, một lượng lớn vốn nước ngoài sẽ chảy vào. Nhưng những năm gần đây, lượng công ty niêm yết mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất hạn chế.

“Bối cảnh thị trường như vậy là lực cản với các doanh nghiệp muốn thực hiện IPO và niêm yết mới. Họ e ngại cổ phiếu lên sàn không được quan tâm, giá cổ phiếu trên thị trường thứ cấp giảm mạnh khiến cổ đông thua thiệt”, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản đã nộp hồ sơ niêm yết lên HOSE nói và chia sẻ, Hội đồng quản trị Công ty thực sự chưa muốn thúc đẩy quá trình này.

Trong khi đó, ông Kojima Kazunobu khuyến nghị, “nâng cao số lượng và chất lượng doanh nghiệp niêm yết mới, mở rộng cơ sở nhà đầu tư nước ngoài và cá nhân, tăng cường chức năng của thị trường sơ cấp” là việc quan trọng nhất để thị trường cổ phiếu Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi và hiện thực hoá các mục tiêu của chiến lược phát triển đến năm 2030.

Gia tăng doanh nghiệp niêm yết có chất lượng cao, có sức hút đầu tư sẽ thúc đẩy sự sôi động của thị trường, việc huy động vốn cho doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cao sẽ được kích hoạt. Việc phát triển kinh tế Việt Nam được thúc đẩy, tài sản quốc gia được gia tăng.

Một mặt tăng cung hàng, mặt khác cũng cần thúc đẩy sức cầu trên thị trường cổ phiếu niêm yết, trong đó thúc đẩy ngành quản lý quỹ Việt Nam phát triển. Số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, danh mục ủy thác chiếm khoảng 90% thị trường quản lý quỹ trị giá khoảng 670.000 tỷ đồng. Trong số 603.000 tỷ đồng tài sản của danh mục ủy thác, tỷ trọng cổ phiếu niêm yết mới ở mức 15,7% (95.000 tỷ đồng).

Tin bài liên quan