Cơm có lành, canh mới ngọt
Mùa đại hội đồng cổ đông 2019 đã dần trôi qua với nhiều đại hội diễn ra kịch tính, nổi lên sự bất đồng giữa nhiều nhóm cổ đông. Đây là nguyên nhân khiến nhiều đại hội thất bại, các dự án không được triển khai.
Rất khó để bình luận về những trường hợp này, song ông Phan Đức Hiếu, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, mâu thuẫn cần được giải quyết và các cổ đông lớn phải ngồi lại với nhau để sớm tìm ra hướng đi hợp lý. Ông Hiếu cũng nhận xét thêm, đây là những bài học trong quản trị công ty, thúc đẩy sự hợp tác giữa các cổ đông ở khía cạnh nào đó có liên quan chặt với quan hệ nhà đầu tư (IR) ở các doanh nghiệp đại chúng. Các nguyên tắc quản trị công ty hiện đại được thực thi trong doanh nghiệp sẽ hạn chế bớt những mâu thuẫn kiểu này.
Nhìn rộng hơn ở nền kinh tế Việt Nam, các công ty cổ phần, với cơ cấu vốn cổ đông đa dạng đang trở thành xu thế khi chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, đại chúng hóa của các doanh nghiệp ngày càng mở rộng.
Để có được sự phối hợp tốt, đồng thuận giữa các cổ đông lớn về những dự án, chiến lược, chủ trương lớn của doanh nghiệp, đòi hỏi nỗ lực lớn của các bên liên quan, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của những người đại diện vốn.
Câu chuyện ở Traphaco là một ví dụ. Trong cơ cấu cổ đông của Traphaco, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước - SCIC (sở hữu xấp xỉ 35% cổ phần) không phải nhà đầu tư lớn nhất, dù có 3 đại diện trong Hội đồng quản trị. Chiếm xấp xỉ 49% vốn của Công ty là nhóm cổ đông nước ngoài, trong đó có tập đoàn dược phẩm lớn của Hàn Quốc như Daewoong.
Để có được sự thống nhất giữa các cổ đông, ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc Traphaco (1 trong 3 đại diện vốn của SCIC) cho biết, trước thềm Đại hội đồng cổ đông, các cổ đông lớn đã có nhiều buổi trao đổi thẳng thắn, cụ thể, chỉ ra cơ hội và thách thức trong hoạt động kinh doanh, thống nhất mục tiêu và cách thức hành động. Có những buổi trao đổi kéo dài vì phải “mổ xẻ” từng mảng.
Thành viên Hội đồng quản trị Công ty, trong đó có những cán bộ của SCIC đều là những người hiểu sâu sắc về ngành, thị trường, có khả năng đánh giá các báo cáo, phân tích của Ban điều hành Traphaco để từ đó xem xét, đánh giá giải pháp tiếp theo. Một điểm khác mà ông Mã đánh giá cao là SCIC quản lý nhiều doanh nghiệp, từ đó nắm được bức tranh lớn trên thị trường, có những kinh nghiệm, cách làm hay ở những doanh nghiệp khác để chia sẻ, đóng góp những giải pháp thiết thực cho Traphaco.
Ở doanh nghiệp lớn hơn, CTCP Sữa Việt Nam (VNM), cổ đông SCIC cũng phải giải những bài toán tương tự. Hiện tại, 20 cổ đông lớn nhất của VNM nắm giữ tới 80,68% cổ phần của Công ty. Trong đó, chỉ có duy nhất một cổ đông nội là SCIC với 36% cổ phần; 19 cổ đông lớn còn lại đều là cổ đông ngoại.
Để duy trì mức lợi nhuận vượt trội (tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn cổ phần 64%), VNM phải liên tục có những cách làm mới. Ngoài tăng trưởng tự thân về sản lượng, Công ty còn rốt ráo thực hiện các hoạt động M&A, thâm nhập và mở rộng thị trường nước ngoài…
Ông Lê Thành Liêm, thành viên Hội đồng quản trị VNM, một trong những người đại diện vốn của SCIC tại VNM chia sẻ, sự đồng thuận của các cổ đông giúp cho Hội đồng quản trị Công ty xây dựng và thực thi được các chiến lược đảm bảo cho khả năng tăng trưởng của Công ty rất cụ thể. Từ đó, Ban điều hành VNM chủ động trong triển khai công việc, đảm bảo các yếu tố hiệu quả. Hệ thống quản trị tại VNM được xây dựng theo tiêu chí đặt lợi ích doanh nghiệp lên hàng đầu, khi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, các cổ đông đều có lợi.
Sự đồng thuận của các cổ đông giúp cho HĐQT VNM xây dựng và thực thi được các chiến lược đảm bảo cho khả năng tăng trưởng của Công ty.
Tôn trọng nguyên tắc thị trường
Tôn trọng thị trường, tôn trọng các cổ đông khác, thực thi các thông lệ quản trị doanh nghiệp hiện đại là những nguyên tắc SCIC luôn theo đuổi, theo chia sẻ của lãnh đạo Tổng công ty. Thực tế cũng cho thấy, cách thức quản lý doanh nghiệp của SCIC có sự khác biệt lớn so với mô hình quản lý mang tính hành chính, trong khi có nhiều điểm tương đồng với các quỹ đầu tư và thường đề cao tính thị trường.
Theo đó, việc hợp tác với các cổ đông trong doanh nghiệp thuộc danh mục quản lý vốn của SCIC nhằm thúc đẩy doanh nghiệp phát triển hiệu quả luôn là một ưu tiên của Tổng công ty.
Tại Vinamilk, để tham gia hiệu quả vào quá trình quản trị doanh nghiệp, 3 người đại diện của SCIC tham gia vào tất cả các tiểu ban HĐQT, là cơ quan trực thuộc và tham mưu cho HĐQT về các chuyên môn khác nhau. Các tiểu ban trực thuộc HĐQT của Vinamilk tham mưu cho HĐQT giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền.
Người đại diện vốn của SCIC tại các tiểu ban đã phối hợp, trao đổi thường xuyên với đại diện của các cổ đông khác và ban lãnh đạo DN. Do vậy, các vấn đề khi trình lên HĐQT thường đạt được tính thống nhất cao, tạo điều kiện cho DN trong quá trình quyết định các vấn đề kinh doanh một cách hiệu quả.
Với vai trò cổ đông tại Dược Hậu Giang (DHG), mới đây, tại Tokyo, Nhật Bản, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ và đại diện nhiều Bộ, ngành, ông Nguyễn Chí Thành, Thành viên HĐTV, Tổng giám đốc SCIC và ông Jun Juroda, Thành viên HĐQT, Giám đốc điều hành cấp cao Công ty Dược Taisho (Taisho) đã tiến hành trao Biên bản ghi nhớ hợp tác về việc hỗ trợ DHG nâng cao năng lực quản trị và sản xuất kinh doanh.
Lãnh đạo Taisho đã đánh giá cao sự hỗ trợ của SCIC trong việc nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp tại DHG và việc nâng sở hữu tại Dược Hậu Giang lên 51%. Taisho cũng cam kết sẽ cử thêm chuyên gia Nhật Bản tới hỗ trợ DHG trong việc cải tiến, nâng cao công nghệ, hiệu quả sản xuất kinh doanh, tiến tới đưa DHG phát triển hơn nữa trong tương lai.
Tại các buổi làm việc, ông Nguyễn Chí Thành cũng khẳng định, SCIC mong muốn truyền thống và triết lý kinh doanh của Taisho được áp dụng tại DHG nhằm góp phần mở rộng, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Động thái từ các cổ đông lớn nhất của DHG được giới phân tích và đầu tư chú ý, đồng thời nhận xét rằng, đây sẽ là cơ sở tốt cho triển vọng phát triển của Công ty trong tương lai.
Trong các hoạt động liên quan đến quản lý danh mục, SCIC thường hành xử với tâm thế và tư cách là một cổ đông của doanh nghiệp, không phải một cơ quan hành chính. Đơn cử việc tham gia đại hội đồng cổ đông thường niên tại các công ty cổ phần. Ngay từ đầu năm, SCIC có văn bản gửi đến hội đồng quản trị, người đại diện vốn của SCIC tại các doanh nghiệp để đôn đốc, hướng dẫn chuẩn bị cho công tác tổ chức đại hội. SCIC lưu ý các vấn đề quan trọng như phương án phân chia lợi nhuận, kế hoạch kinh doanh, kiện toàn nhân sự hội đồng quản trị, ban kiểm soát, các phương án đầu tư mà doanh nghiệp dự kiến sẽ trình đại hội đồng cổ đông thông qua.
Sau đó, Tổng công ty sẽ cùng với hội đồng quản trị hoặc thông qua người đại diện vốn của SCIC chủ động trao đổi, thảo luận, đánh giá kết quả sản xuất - kinh doanh trong năm, dự kiến kế hoạch kinh doanh, phương án nhân sự… Việc thảo luận trước này giúp hiểu rõ, tìm kiếm sự đồng thuận và thống nhất trước khi SCIC biểu quyết chính thức tại Đại hội.
Hầu hết ý kiến của SCIC tại đại hội đồng cổ đông được các cổ đông khác tôn trọng, đồng thuận, vì tính hợp lý và thuyết phục. Cũng có đại hội, SCIC biểu quyết khác với nhóm cổ đông lớn còn lại. Tình huống này thường xảy ra khi Tổng công ty biểu quyết không thông qua các báo cáo tài chính có ý kiến kiểm toán ngoại trừ, có thể dẫn đến tình trạng “lãi giả, lỗ thật”, hoặc kế hoạch phân phối lợi nhuận không phù hợp, phương án phát hành tăng vốn không rõ ràng, chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh chưa đủ cơ sở… Việc thông qua những nội dung này có thể trái với nguyên tắc tuân thủ pháp luật, hiệu quả quản trị vốn.
Đã tiếp nhận vốn nhà nước tại 1.055 doanh nghiệp, trong đó hầu hết là các công ty cổ phần, lãnh đạo SCIC thường chia sẻ về tầm quan trọng của việc hợp tác tốt giữa các cổ đông. Tổng công ty cũng luôn hỗ trợ, đồng hành với người đại diện của mình để thực hiện tốt nhất những thông lệ quản trị hiện đại, nhằm phát huy hiệu quả vốn nhà nước một cách tối ưu.
Doanh nghiệp cần dũng cảm vượt qua văn hóa quản trị cũ
Ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ
Quản trị công ty tại Việt Nam yếu chủ yếu xuất phát từ nhận thức. Có nhiều doanh nghiệp chỉ tồn tại 5 - 6 năm rồi biến mất do quản trị kém, có những ngân hàng tốt nhưng sau đó sụp đổ thành ngân hàng 0 đồng do các ông chủ không quan tâm đến lợi ích của các bên liên quan, chỉ quan tâm đến lợi ích của mình, dẫn đến xung đột lợi ích, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, cổ đông và sự lành mạnh của xã hội.
Ủy ban Chứng khoán đang xây dựng hoàn thiện bộ quy tắc quản trị công ty, cuối năm nay sẽ ban hành. Cơ quan quản lý mong muốn áp dụng, xây dựng chính sách này để nâng cao giá trị công ty, lòng tin cổ đông, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn, từ đó giá trị công ty tăng trưởng. Chúng tôi mong muốn các chủ doanh nghiệp hiểu đúng, nhận thức được vấn đề này.
Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ có nhấn mạnh đến tăng cường quản trị công ty trong hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước. Điều này cho thấy, Chính phủ mong muốn tăng cường quản trị doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần dũng cảm vượt qua văn hóa cũ, hướng tới những điểm mới, quan tâm tới các bên liên quan để quản trị và phát triển tốt hơn.
Muốn phát triển bền vững, phải quan tâm tới các bên liên quan
Ông Hoàng Đức Hùng, Phó tổng giám đốc PwC
Từ trước đến nay, các doanh nghiệp thường tìm cách tối đa hóa giá trị cho cổ đông/chủ sở hữu (tức lợi nhuận) và bỏ qua giá trị cho tất cả các bên liên quan khác. Trong khi đó, các bên liên quan đang ngày càng có ảnh hưởng, quyết định việc doanh nghiệp có được cấp phép để hoạt động hay không và danh tiếng của doanh nghiệp ra sao.
Thực tế cũng cho thấy, các tài sản vô hình như giá trị thương hiệu, uy tín, kế hoạch nghiên cứu và phát triển, độ hài lòng của khách hàng, sức khỏe và an toàn, hiệu quả hoạt động về môi trường, sự đồng thuận của xã hội đối với hoạt động của doanh nghiệp đang dần chiếm tỷ trọng lớn hơn, tới gần 65% trong giá trị thị trường của các doanh nghiệp trong chỉ số S&P500. Do đó, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp đòi hỏi phải hiểu rõ, đánh giá và ưu tiên các nhu cầu dài hạn của các bên liên quan chủ chốt; từ đó phát huy tối đa các nguồn lực khan hiếm của doanh nghiệp để đáp ứng hiệu quả các nhu cầu đó.
Người đại diện biểu quyết dựa trên lợi ích doanh nghiệp
Ðại diện IFC tại Việt Nam
IFC là tổ chức đầu tư có sự hiện diện ở nhiều quốc gia và nền kinh tế trên thế giới. Chúng tôi đầu tư vốn vào nhiều doanh nghiệp, ở nhiều lĩnh vực hoạt động. Người đại diện vốn của IFC trong các doanh nghiệp thường phải đáp ứng những yêu cầu rất cao về năng lực và kinh nghiệm. Chúng tôi trả thù lao cho họ để họ đảm nhận các nhiệm vụ tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư của IFC và thường doanh nghiệp không phải trả thù lao cho đại diện của IFC, nếu có, thù lao sẽ được chuyển về IFC.
Người đại diện của IFC thường xuyên được đào tạo để cập nhật, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực. Khi có những vấn đề liên quan đến lợi ích của các bên, của các nhóm cổ đông, người đại diện của IFC đảm nhận chức vụ trong Hội đồng quản trị được khuyến khích biểu quyết trên lợi ích doanh nghiệp, không phải lợi ích của cổ đông IFC. Tất nhiên, họ có trách nhiệm giải trình và bảo vệ quyết định của mình.