Cụ thể, Nghị quyết số 100 chỉ rõ: thúc đẩy phát triển mạnh thị trường chứng khoán, chú trọng hơn đến thị trường trái phiếu để tăng khả năng huy động vốn cho ngân sách, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn phát triển sản xuất - kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục hỗ trợ, chỉ đạo ngành chứng khoán tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, Bộ Tài chính sẽ quan tâm chỉ đạo phát triển nhanh thị trường vốn, phát triển TTCK lành mạnh gắn với cơ cấu lại hoạt động thị trường tiền tệ, hình thành hệ thống đồng bộ và thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính của đất nước. Đồng thời, triển khai các giải pháp khơi thông dòng vốn trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung, TTCK nói riêng; đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết, qua đó minh bạch hóa hoạt động doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư...
Đánh giá về vai trò của TTCK trong dấu mốc 20 năm của ngành, GS.TS Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, kinh tế Việt Nam chỉ có thể phát triển bền vững và thị trường tài chính chỉ có thể phát triển ổn định nếu như các hoạt động của nền kinh tế thực dựa trên các nguồn vốn trung và dài hạn được huy động trên TTCK, thay vì tập trung vào nguồn vốn ngắn hạn của hệ thống ngân hàng như hiện nay. Do đó, cần phải có những khuôn khổ pháp lý mang tính bắt buộc và biện pháp hành chính rất mạnh để chuyển kênh dẫn vốn từ các ngân hàng thương mại sang TTCK.
Chẳng hạn, đối với một số ngân hàng thương mại yếu kém, trước mắt cần phải có những khống chế đặc biệt về hạn chế huy động tiền gửi và cho vay ở một con số thật thấp, các ngân hàng chỉ hướng đến các dịch vụ cho vay luân chuyển là chính, sau đó dần dần áp đặt các quy định này cho toàn hệ thống ngân hàng.
Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, quy mô TTCK tăng trưởng khá nhanh, với mức tăng bình quân khoảng 24% mỗi năm trong 5 năm qua. Thị trường đang ngày càng trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, góp phần dần hình thành một hệ thống tài chính hiện đại trên nền tảng hài hòa giữa TTCK và thị trường tiền tệ - tín dụng.
Tính riêng trong 10 năm trở lại đây, quy mô huy động vốn qua TTCK đã đáp ứng khoảng 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tỷ lệ đã tương đương gần 60% so với cung tín dụng qua thị trường tiền tệ - tín dụng.
Trên con đường tương lai, để quy mô vốn huy động qua TTCK sánh ngang với kênh ngân hàng cần rất nhiều giải pháp ở tầm vĩ mô và cả sự hợp sức, nỗ lực chung của các chủ thể tham gia thị trường non trẻ này.