Phát biểu trước Quốc hội tại phiên khai mạc sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục vận động Nghị viện châu Âu để sớm ký kết, phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) cuối năm 2018, đầu năm 2019. Cùng với đó, hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và vận động ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
"Thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế; phát huy, tận dụng tốt cơ hội do các Hiệp định FTA mang lại. Đổi mới công tác ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại và bảo hộ công dân", Thủ tướng nói.
Trước đó, vào ngày 17/10, ngay trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới châu Âu, Ủy ban châu Âu đã thông qua việc đệ trình Hiệp định Tự do Thương mại và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư với Việt Nam, chuẩn bị cho việc ký kết và hoàn tất tiến trình.
Hiệp định Tự do Thương mại và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư với Việt Nam minh chứng cho chính sách thương mại của châu Âu. Hai hiệp định này mang lại những lợi thế và lợi ích chưa từng có trong tiền lệ cho các công ty, người lao động và người tiêu dùng ở châu Âu và Việt Nam.
EVFTA xóa bỏ trên 99% thuế quan với hàng hóa giao thương giữa Việt Nam và Liên minh châu ÂU (EU). Thỏa thuận cũng sẽ giải quyết hàng rào phi thuế quan trong ngành ôtô và bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho 169 sản phẩm của Châu Âu, tạo điều kiện cho các công ty EU tham gia đấu thầu bình đẳng với công ty Việt trong hợp đồng công.
EVFTA cũng đảm bảo thương mại, đầu tư đi đôi với phát triển bền vững, đặt ra tiêu chuẩn cao nhất về lao động, an toàn, bảo vệ môi trường và người tiêu dùng.
Trong khi đó, Hiệp định Bảo hộ Đầu tư bao gồm quy định hiện đại và có tính thực thi cao thông qua Hệ thống Toà Án Đầu tư mới. Thỏa thuận này được cho là sẽ giúp tạo bước tiến xa hơn về hợp tác ở tầm khu vực giữa Đông Nam Á và châu Âu.
Liên quan đến EVFTA, thông tin từ Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, bên lề Hội nghị Cấp cao Á – Âu (ASEM) lần thứ 12 tại Brussels (Vương quốc Bỉ), Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với bà Cecilia Malmström, Cao ủy Thương mại EU về Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA).
Hai bên đánh giá cao những nỗ lực và tiến triển đạt được từ sau khi kết thúc rà soát pháp lý. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đặc biệt ghi nhận việc Ủy ban Châu Âu đã thông qua hai hiệp định này và đã trình các hiệp định lên Hội đồng Châu Âu xem xét phê duyệt vào ngày 17 tháng 10 năm 2018.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và bà Cecilia Malmström cũng thảo luận chi tiết về thủ tục trong nước và lộ trình dự kiến để có thể tiến tới ký kết và phê chuẩn Hiệp định EVFTA trong thời gian sớm nhất.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và bà Cecilia Malmström đã ra Tuyên bố chung về EVFTA và IPA.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU tại Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với thương mại hàng hóa trị giá 47,6 tỷ euro và thương mại dịch vụ ở mức 3,6 tỷ euro một năm, chỉ sau Singapore.
Nhập khẩu chủ yếu của EU từ Việt Nam là các thiết bị viễn thông, hàng may mặc và thực phẩm. Ngược lại, EU xuất khẩu sang Việt Nam máy móc và thiết bị vận tải, hóa chất và nông sản.