Ông có nhận xét gì về các yêu cầu và thông lệ công bố thông tin về tình hình quản trị công ty ở Việt Nam hiện nay?
Hiện nay, yêu cầu về công bố thông tin về quản trị công ty của các doanh nghiệp niêm yết được quy định trong Thông tư 155/2015/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành, bên cạnh các quy định khác theo Luật Chứng khoán 2006, Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Theo đó, định kỳ (6 tháng và hàng năm), các tổ chức niêm yết phải công bố thông tin về tình hình báo cáo quản trị công ty, với những nội dung cơ bản về cơ cấu và hoạt động của đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, ban kiểm soát.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những yêu cầu công bố thông tin mang tính chất tối thiểu và chưa thực sự đi theo các tiêu chuẩn và thông lệ hiện hành trên thế giới về quản trị công ty. Do vậy, giá trị từ việc công bố thông tin đem lại cho các nhà đầu tư cũng còn khá hạn chế.
Ông Hoàng Đức Hùng
Thực tế, chưa có nhiều doanh nghiệp niêm yết hoặc đại chúng chủ động thực hiện báo cáo tình hình quản trị công ty theo các thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế. Chỉ có một số doanh nghiệp niêm yết lớn, có mong muốn thu hút đầu tư hoặc nguồn vốn từ nước ngoài, hoặc trên thị trường quốc tế mới công bố thông tin một cách đầy đủ và chi tiết về tình hình quản trị công ty. Không chỉ gói gọn trong báo cáo thường niên, các doanh nghiệp này còn công bố rộng rãi ra thị trường trên các kênh như website công ty, phương tiện thông tin đại chúng, kênh trao đổi thông tin với các nhà đầu tư, website của hai sở giao dịch chứng khoán và của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm nay đưa ra bộ tiêu chí đánh giá quản trị công ty dựa trên nền tảng các nguyên tắc của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) là một bước tiến mới, động lực mới thúc đẩy các doanh nghiệp đi xa hơn các yêu cầu công bố thông tin tối thiểu để tiệm cận với các thông lệ quốc tế.
Bộ tiêu chí đã được xây dựng có nhiều điểm tương đồng với công cụ đánh giá Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN và dựa trên 5 nguyên tắc quản trị công ty của OECD, bao gồm: Đảm bảo quyền của cổ đông; Đảm bảo đối xử công bằng giữa các cổ đông; Đảm bảo vai trò các bên có lợi ích liên quan; Đảm bảo minh bạch và công bố thông tin; Đảm bảo vai trò và trách nhiệm của hội đồng quản trị. Tuy nhiên, bộ tiêu chí vẫn còn những hạn chế nhất định do có những điều chỉnh phản ánh thực trạng và trình độ chung của quản trị công ty ở Việt Nam.
Vì sao công bố thông tin về QTCT là quan trọng, thưa ông?
Theo quan sát cũng như kinh nghiệm chuyên môn của chúng tôi, các thông tin về quản trị công ty do doanh nghiệp công bố là cơ sở quan trọng nhất để đánh giá chất lượng quản trị công ty không chỉ của các doanh nghiệp cụ thể, mà còn của cả thị trường nói chung.
Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết và Chỉ số Phát triển bền vững (VNSI) trên thị trường chứng khoán là một số ví dụ về việc ánh xạ các thông tin này từ thực tiễn quản trị công ty của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, phải kể đến dự án Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN (ACGS) mà Việt Nam đã tham gia khoảng 5 năm trở lại đây. Mục tiêu của ACGS là nâng tầm chuẩn mực quản trị công ty ở các doanh nghiệp ASEAN và giúp các nhà đầu tư có cái nhìn rõ hơn về những doanh nghiệp có hệ thống quản trị công ty tốt trong tương quan khu vực.
Trong nhiều năm qua, PwC đã tham gia hỗ trợ soát xét Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên và cũng đã hỗ trợ xây dựng và thực hiện đánh giá theo chỉ số VNSI, đồng thời hợp tác với các tổ chức quốc tế trong nhiều sáng kiến quản trị công ty tại Việt Nam như Sáng kiến quản trị công ty Việt Nam (VCGI), Viện Thành viên hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD)...
Từ góc nhìn chuyên môn này, chúng tôi nhận thấy việc công bố thông tin trên các sự kiện và diễn đàn như vậy đã và đang thúc đẩy nội dung thông tin được công bố đầy đủ và bài bản hơn. Và để có thông tin tốt thì bản thân các doanh nghiệp Việt Nam sẽ muốn cải thiện chất lượng quản trị công ty theo hướng tích cực hơn.
Bản chất của quản trị công ty là nhằm bảo vệ lợi ích của tất cả các bên có lợi ích liên quan như nhà đầu tư, người lao động, nhà cung ứng, khách hàng, cộng đồng xã hội, các cơ quan quản lý, cũng như bản thân các nhà quản lý doanh nghiệp.
Việc công bố thông tin về quản trị công ty sẽ giúp tăng cường sự minh bạch và niềm tin của các bên liên quan, giúp khẳng định uy tín của doanh nghiệp trên thị trường. Doanh nghiệp sẽ nâng cao được khả năng quản lý, tiếp cận các đối tác kinh doanh, nguồn vốn mới, thu hút được nhân tài, qua đó, giá trị doanh nghiệp sẽ tự tăng lên trên thị trường vốn.
Có một thực tế là có nhiều doanh nghiệp thực hiện quản trị công ty tốt, nhưng chưa biết truyền tải các thông tin ra ngoài đại chúng. Trong khi đó, một số ít các doanh nghiệp đưa ra thông tin tốt nhưng chưa thực sự triển khai quản trị công ty về bản chất một cách phù hợp.
Do vậy, giải pháp tối ưu nhất để doanh nghiệp có thể giúp các nhà quản lý và các nhà đầu tư đánh giá được đúng và đủ là thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế trong việc triển khai các nguyên tắc quản trị công ty, trong việc báo cáo và công bố thông tin về quản trị công ty.